Hướng dẫn làm bài văn nghị luận xã hội Hãy viết một bài văn nghị luận để khuyên một số bạn còn lười học đi học không chuyên cần ngắn gọn, chi tiết, hay nhất. Với các bài dàn ý và văn mẫu được tổng hợp và biên soạn dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn. Cùng tham khảo nhé!
Học hành có tầm quan trọng rất lớn đối với cuộc đời của mỗi con người. Người xưa đã nhắc nhở con cháu rằng : "Nếu còn trẻ mà không chịu học hành thì khi lớn lên sẽ chẳng thể làm được việc gì có ích". Bên cạnh đó còn có những câu : "Có học thì như lúa như nếp, không học thì như rơm như cỏ". Hoặc : "Bất học bất tri lí" (Không học thì không biết lí lẽ, lẽ phải).
Suốt lịch sử phát triển mấy ngàn năm, nhân loại đã tích lũy được một kho tàng tri thức khổng lồ về tự nhiên và xã hội. Những tri thức ấy được lưu truyền từ đời này sang đời khác qua hình thức truyền miệng và chữ viết (sách). Muốn tiếp thu tinh hoa trí tuệ, con người chỉ có một con đường duy nhất là học, học suốt đời.
Nói đến học là nói đến trí lực, một năng lực suy nghĩ, một trực quan nhạy bén, một tư duy hợp lí. Điều ấy hết sức cần thiết cho tất cả mọi người. Chính vì vậy, ngay từ lúc nhỏ, bất kì ai cũng phải được học hành.
Trong mười hai năm ở trường THPT, học sinh được cung cấp những kiến thức sơ đẳng của một số bộ môn cơ bản như Toán, Lý, Hoá Sinh, Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ... Tuy thế, học sinh phải chăm chỉ học hành thì mới hiểu và nắm vững kiến thức một cách có hệ thống. Nếu lơ là, chểnh mảng, thiếu nghiêm túc trong việc học hành thì rốt cuộc là tốn thời gian, tiền bạc mà kết quả thu được chẳng đáng là bao.
Thực tế cho thấy là có học có hơn. Mục đích của việc học là nhằm phục vụ cho mọi công việc đạt hiệu quả cao. Nếu ta đơn thuần làm việc theo thói quen hoặc kinh nghiệm có sẵn thì công việc sẽ tiến triển chậm và chất lượng không tốt. Cách làm như trên chỉ thích hợp với các công việc giản đơn, không cần nhiều đến trí tuệ. Còn đối với những công việc phức tạp liên quan đến khoa học kĩ thuật thì cung cách làm việc ấy là lạc hậu, lỗi thời. Muốn đạt hiệu quả tốt trong mọi lĩnh vực, chúng ta bắt buộc phải học, phải được đào tạo chính quy theo từng chuyên ngành và trong suốt quá trình làm việc vẫn phải học tập không ngừng, bằng mọi hình thức khác nhau.
Trong thời đại khoa học kĩ thuật phát triển với tốc độ nhanh như hiện nay thì tri thức (chất xám) của con người là tiền đề vô cùng quan trọng. Có nắm vững lí thuyết, chúng ta mới làm được những công việc phức tạp. Có nắm vững lí thuyết, chúng ta mới làm được những công việc phức tạp. Lí thuyết khoa học có tác dụng soi sáng, dẫn đường cho kĩ năng thực hành, con người sẽ rút ngắn được thời gian mò mẫm, tìm hiểu thực tiễn, do đó sẽ tránh được những sai lầm đáng tiếc.
Học không chỉ là quá trình rèn luyện tri thức mà còn là quá trình rèn luyện tình cảm và đạo đức. Con người ngoài cái trí còn cần có cái tâm. Học là để thấu hiểu những lẽ huyền bí của cuộc đời, của vũ trụ chứa đựng trong những công thức toán đơn giản hoặc trong những quy luật thịnh suy của một xã hội. Không hòa cái tâm của mình vào trong cuộc đời, vào vũ trụ để lắng tìm và cảm nhận thì làm sao có được những tín hiệu mách bảo cho trí tuệ con đường đi tới những lẽ huyền diệu và bí ẩn kia ?. Như vậy là có biết bao kién thức mới, nhận thức mới về cuộc đời, về thế giới mà chúng ta tìm kiếm được không chỉ bằng lí trí mà còn bằng cả tâm hồn.
Học cần có cái trí và cũng có cần có cái tâm là vì thế. Học cũng là để sáng thêm cái trí, lành thêm cái tâm và để đóng góp tài đức của mình cho sự nghiệp xây dựng đất nước mạnh giàu.
Điều quan trọng là đã học thì phải học đều các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Văn, Sử là những môn học cần thiết, nếu không nói là đặc biệt quan trọng để tạo nên nhân cách. Nếu chúng ta không coi trọng các môn này thì tâm hồn sẽ khô cứng, vô cảm trước con người và cuộc đời mà dẫn đến thái độ dửng dưng trước vẻ đẹp phong phú và sự giàu có của lịch sử văn hóa dân tộc. Sẽ không ai trách chúng ta khi chỉ thích học Tin học, Kinh tế, Ngoại ngữ... Nhưng nếu chỉ giỏi chữ số mà quên chữ viết, giỏi kĩ thuật mà kém văn hóa thì sẽ là thiệt thòi lớn cho mỗi con người.
Việc học hành quan trọng như vậy, do đó chúng ta không thể coi nhẹ vai trò của việc học hành. Đúng là : "Nếu không có học hành đến nơi đến chốn thì lớn lên, chúng ta sẽ chẳng làm được việc gì có ích". Hiện nay, một số bạn trẻ không nhận thức được tầm quan trọng của việc học đối với sự thành công hay thất bại của đời người. Nhận thức lệch lạc thường dẫn đến hành động sai lầm. Bỏ học đi chơi, giao du với những thành phần bất hảo để rồi bị rủ rê, sa ngã vào con đường cờ bạc, chơi bời, hút chích... dần dần những người đó sẽ đánh mất nhân cách, mất khả năng làm việc và trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Một cuộc sống như thế không đáng gọi là cuộc sống của một con người chân chính. Đến lúc nào đó tỉnh ngộ, dẫu có ăn năn, hối hận thì cũng đã muộn màng.
Những kiến thức mà chúng ta tiếp thu được từ nhà trường, sách vở và cuộc đời nếu đem áp dụng vào thực tiễn sẽ mang lại nhiều thành quả tinh thần, vật chất cho cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội.
Tri thức loài người mênh mông như biển cả ("Bể học vô bờ"). Dẫu chúng ta có miệt mài học suốt cuộc đời thì cũng chỉ là tiếp thu được một phần rất nhỏ. Bác Hồ dạy : "Học ở trường, học trong sách vở; học lẫn nhau và học ở dân". Lênin cũng từng khuyên thanh niên : "Học ! Học nữa ! Học mãi !". Đó là những lời khuyên chí lí, có giá trị đối với mọi thời đại. Nếu không coi trọng việc họ thì chúng ta sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của đất nước trong giai đoạn mới. Những bài văn mẫu nghị luận khuyên bạn học tập chăm chỉ hơn hay nhất
Xã hội thời 4.0 mà chúng ta đang sống là một xã hội hiện đại, tiên tiến và rất phát triển. Những người muốn thành công cần phải trải qua đắng cay ngọt bùi, phải có lực học tốt. Đa số những học sinh ngày nay đều hiểu rõ vấn đề này nên các bạn ấy rất chăm chỉ học tập. Tuy vậy, vẫn có một số học sinh lười học, đi học không chuyên cần và coi nhẹ việc học. Những bạn học sinh ấy cần phải lên án và phê bình.
Vậy lười học là gì? Lười học được coi là căn bệnh khá phổ biến được thấy ở giới trẻ hiện nay, lười trong việc tiếp thu, lười trong cách suy nghĩ, đưa ra ý kiến quan điểm của bản thân. Lười học thể hiện ở sự mệt mỏi, chán nản, dễ bỏ cuộc của các bạn học sinh, khi thấy khó khăn ở phía trước là không dám bước tiếp và dừng chân tại đó trong khi các bạn khác đang chạy đua cũng như tăng tốc với khối tri thức rộng lớn. Thế đi học không chuyên cần là gì? Tức là đi học không đầy đủ, thường bỏ bê việc học trên trường, trên lớp.
Nguyên nhân của việc lười học của học sinh có rất nhiều. Đầu tiên phải kể đến việc kiến thức ngày càng nhiều và ngày càng khó nhớ. Khi các bạn học sinh lên các cấp học cao, chương trình học tập với các môn học ngày càng nhiều, việc tiếp thu kiến thức đó không phải dễ dàng, đặc biệt với những bạn học sinh ở các lớp dưới có học lực học trung bình, yếu, kiến thức cơ bản mất gốc, kiến thức hỏng đè lên kiến thức mới khiến cho các bạn thấy áp lực, khó khăn trong việc vận dụng kiến thức trong các bài tập, sự chán nản trong việc suy nghĩ dẫn đến việc lười làm bài tập, lười trong sự tìm tòi, kiến thức. Nguyên nhân thứ hai có thể kể đến là do các bạn chưa có thời khóa biểu hay thời gian biểu phù hợp. Các bạn học sinh sẽ thấy rằng khi mình bỏ quá nhiều thời gian trong việc học, lịch học trên lớp dày đặc, việc cha mẹ cho các bạn đi học thêm nữa, các bạn sẽ không có thời gian trong việc thư giãn cũng như tham gia các trò chơi, chính suy nghĩ đó khiến các bạn bỏ bê trong việc học, chỉ học cho qua, học chống đối với kiến thức học trên lớp và học chống đối khi có cha mẹ ở nhà. Ngoài ra còn một số nguyên nhân dẫn đến lười học như những suy nghĩ tiêu cực đối với vấn đề học tập ngày càng lớn trong tư tưởng của các bạn, học vì bố mẹ đã đặt nhiều kì vọng hay bố mẹ đã quá nuông chiều con cái,.... Thế còn nguyên nhân của việc đi học không chuyên cần là gì? Có thể do các bạn đã quá chán nản với việc đến trường, chán nản với việc ngày nào cũng nhìn vào sách vở, ngồi đủ thời gian trên trường rồi lại về nhà... Các bạn có thể bị người khác dụ dỗ, lôi kéo đi vào net, đi chơi game...
Những bạn học sinh lười học thường bỏ bê việc học, coi đó là một việc làm do ch mẹ "bắt buộc". Học cho có, học để đấy. Các bạn có thể học theo lối học cầu danh lợi mà Nguyễn Thiếp có nói trong tác phẩm "Bàn luận về phép học". Khi đến trường, đến lớp, các bạn ấy thường không chú tâm vào học tập, ảnh hưởng đến việc học của các bạn xung quanh. Cô giáo giao bài tập về nhà thì các bạn thường không làm. Một lần cho là các bạn ấy quên, lần thứ hai cũng cho qua được nhưng rất nhiều lần như vậy không phải quên hay có việc đột xuất nữa mà đó là chống đối. Còn những bạn không chuyên cần, các bạn thường xuyên đi học muộn, thường xuyên nghỉ học với lí do bình thường như "nhà em có cỗ" hay "hôm nay em hơi mệt"... Những bạn đó chỉ chơi bời, không chú ý đến việc học.
Lười học hay đi học không chuyên cần có ảnh hưởng như nào? Trước tiên là với bản thân học sinh, các bạn dễ bị mất gốc, dễ bị mất kiến thức cơ bản. Lực học ngày càng sa sút, ỷ lại vào người khác, không có tính tự lập.... Các bạn bị những người xung quanh chê cười, không tôn trọng và dễ bị sa đọa vào những tệ nạn xã hội. Còn đối với gia đình, những người thân yêu của các bạn sẽ cảm thấy thất vọng, mệt mỏi vì họ có người con, người thân lười học và không coi trọng việc học như vậy.
Vậy chúng ta cần làm gì để không lười học hay không chuyên cần? Các bạn nên đặt ra mục tiêu học tập và kế hoạch cụ thể. Khi các bạn làm một công việc nào thì mục tiêu luôn là động lực giúp các bạn hoàn thành tốt công việc đó, vậy thì việc học tập cũng vậy, các bạn cần xác định mục tiêu cũng như định hướng kế hoạch học tập cụ thể là giúp mình vạch ra đường đi, công việc học tập rõ ràng ở từng giai đoạn học tập, mục tiêu dù ngắn hạn hay mục tiêu dài hạn thì đó cũng tạo cho các bạn sự quyết tâm, động lực thực hiện nó nếu luôn có sự cổ vũ động viên của cha mẹ bên cạnh. Thứ hai, các bạn cần cân đối lại thời gian học tập và chơi. Thời gian học phải đúng lúc, đúng thời điểm, đan xen vào đó là thời gian giải trí. Không được để thời gian chơi lấn áp hết thời gian học và cũng như thời gian học phải thêm thời gian giải trí vào....
Như vậy, chúng ta-những chủ nhân tương lai của đất nước hãy cùng nhau cố gắng học tập để trở thành công dân tốt giúp ích cho xã hội. Gạch bỏ những từ "Lười học" hay "không chuyên cần" ra khỏi danh sách từ vựng của bản thân nhé!
Qua thực tế hiện nay ta nhận thấy có nhiều bạn còn mải chơi, bỏ học ở lớp để chơi điện tử, về nhà không chịu ôn bài. Hơn thế, các bạn còn có thái độ học tập chưa nghiêm túc và tự giác, nhiều bạn coi việc học là nghĩa vụ nặng nề mà bố mẹ đã giao cho, cho nên học theo kiểu đối phó. Có thể nói đây là một vấn để cần được xét bởi việc chểnh mảng học hành của các bạn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai sau này.
Như chúng ta đã biết, ai sinh ra và lớn lên cũng mong muốn sau này mình sẽ làm được điều gì đó có ích cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội. Tuy nhiên để làm được điều đó con người cần có tri thức, mà đây lại là một lĩnh vực đòi mỗi người phải cố gắng, chăm chỉ học hỏi. Và học tập là một quá trình tích luỹ lâu dài từng bước và theo một hệ thống từ thấp đến cao, từ dễ đến khó. Để làm tốt diều đó, nguời học sinh phải học tập chăm chỉ từ khi bắt đầu ngồi trên ghế nhà trường, từ những năm học đầu tiên bởi các lớp dưới bao giờ cũng là gốc rễ, là tri thức nền tảng cơ bàn. Nếu không nắm bắt được kiến thức cơ bản thì học càng cao càng không hiểu bài, người ta thường ví việc học đó như cây không có rễ. Và đối với mỗi con người, thời gian dành cho học tập có thể là suốt đời nhưng học ở trường lớp để tiếp thu những kiến thức cơ bản thì chỉ có một khoảng thời gian nhất định, nó phù hợp với lứa tuổi. Chẳng thế mới có chuyện có rất nhiều người sau này lớn lên không nghề nghiệp bởi ngày xưa đi học thì mải chơi không chịu học nên giờ tiếc nuối nhưng lúc đó đã quá lớn làm sao dám đi học lại cấp II, cấp III? Vậy nên nếu không nhận thức vấn đề học tập một cách nghiêm túc thì chắc chắn có rất nhiều bạn trẻ sau này sẽ hối tiếc cũng không kịp nữa.
Muốn làm tốt điều này, ngay khi còn học phổ thông phải chú ý học tập ngay từ đầu để tránh tình trạng rỗng kiến thức. Bởi khi kiến thức đã rỗng rồi sẽ không nắm được các bài học tiếp theo, từ đó nảy sinh tâm lí chán học bởi thấy càng học càng không hiểu và dễ bỏ học lúc nào thuận lợi. Thường ngày chúng ta bắt gặp rất nhiều người phải làm việc vất vả, quần quật cả ngày lẫn đêm bằng tay chân thế nhưng cuộc sống văn khó khăn, mà nếu xét nguyên nhân sâu xa đó là do họ chưa có đủ tri thức khoa học. Còn nếu muốn học tốt thì việc làm đầu tiên là phải chăm chi nghe cô giáo giảng ở trên lớp, về nhà học lại bài cũ, làm bài tập, chuẩn bị bài cho buổi học tiếp theo và đặc biệt phải luôn cố gắng tập trung suy nghĩ theo ý tướng của mình thì việc học mới đem lại kết quả cao, bởi cách học theo ý sáng tạo của mình sẽ giúp ta nhớ lâu và phát huy được trí thông minh vốn có trong mỗi con người. Và tích luỹ tri thức là một quá trình cần mẫn lâu dài bởi thế chỉ cần chăm chỉ chịu khó suy nghĩ tìm tòi thì chắc chắn sau một thời gian chăm chỉ ta sẽ có một lượng kiến thức vững chắc. Người ta thường nói thiên tài là do 99 % sự chăm chỉ còn chi có 1% là do thông minh bẩm sinh. Do vậy ai cũng có thể trở thành thiên tài nếu bạn thật sự cố gắng chuyên tâm vào việc học tập, tất nhiên sự chăm chỉ đó đòi hỏi phải có tính khoa học và sáng tạo. Còn nếu chỉ chăm chỉ học thuộc những lời cô giáo một cách máy móc, thụ động thì việc học đó sẽ chỉ như con vẹt học nói mà thôi.
Từ đó để nói lên rằng học giỏi hay không là chính do bản thân mình quyết định và nói rộng ra tương lai của bạn có tươi đẹp hay không cũng chính là do bạn quyết định. Cánh cửa duy nhất giúp bạn tiến vào tương lai một cách tươi sáng chính là tri thức. Tri thức giúp con người hiểu biết được thế giới, hiểu về khoa học, về con người... Và đó cũng chính là kiến thức cơ bản để ta có thể làm việc được. Chẳng hạn bạn muốn sửa một chiếc xe máy thì bạn phải biết nó bị hỏng ở chỗ nào và quan trọng hơn là vì sao nó hỏng thì từ đó mới tìm ra giải pháp. Vậy nên nếu không học thì bạn sẽ không có trình độ hiểu sự vật, thế giới một cách đúng đắn và khoa học. Và kiến thức chỉ có thể đến với những ai chăm chỉ chịu khó học tập. Nó chính là hành trang, là vốn có giá trị nhất để ta có thể học tập và làm việc ở những chặng đường tiếp theo. Bời vậy, nếu không chịu khó học tập bạn sẽ không có bất cứ một tri thức nào để bước vào cuộc sống.
Đối với mỗi học sinh chúng ta, những người chủ nhân tương lai của đất nước cần có một khối lượng tri thức để tạo dựng cho mình một tương lai vững chắc và để có thể làm tốt được điều đó con đương duy nhất của chúng là phải học tâp sao cho thật tốt. Điều đó vô cùng quan trọng bởi trước tiên thể hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ, tiếp đến là tạo hành trang vững chắc vào đời. Do đó việc học tập đối với chúng ta, những học sinh đang cắp sách đến trường là vô cùng quan trọng.
---/---
Trên đây là các bài văn mẫu Hãy viết một bài văn nghị luận để khuyên một số bạn còn lười học đi học không chuyên cần do Top lời giải sưu tầm và tổng hợp được, mong rằng với nội dung tham khảo này thì các em sẽ có thể hoàn thiện bài văn của mình tốt nhất!