logo

Hát Xoan là gì?

Đề bài: Hát Xoan là gì?


Trả lời:

    Hát Xoan là loại hình dân ca lễ nghi phong tục hát thờ thần, thành hoàng với hình thức nghệ thuật đa yếu tố: có nhạc, hát, múa; thường được biểu diễn vào dịp đầu xuân, phổ biến ở vùng đất tổ Hùng Vương - Phú Thọ, một tỉnh thuộc vùng trung du Việt Nam. Ngày 24/11/2011, tại Hội nghị lần thứ sáu của Ủy ban liên chính phủ về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO tổ chức tại Bali - Indonesia, Hồ sơ Hát Xoan - Phú Thọ của Việt Nam đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp. Tối 3/2/2018, tại Miếu Lãi Lèn, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ phối hợp với Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Cùng Top lời giải tìm hiểu thêm về hát Xoan nhé:


Sách xưa kể lại…

    Nguồn gốc của Hát Xoan có nhiều cách giải thích bằng huyền thoại được đặt vào thời các Vua Hùng dựng nước. Có chuyện kể rằng Vua Hùng đi tìm đất đóng đô, một hôm nghỉ chân ở nơi này là quê Xoan Phù Đức - An Thái, thấy các trẻ chăn trâu hát múa, vua rất ưa thích và lại dạy thêm nhiều điệu khúc nữa, những điệu hát múa ấy của Vua Hùng và các em chăn trâu, đó cũng là những điệu Xoan tiên.

    Lại có câu chuyện kể rằng, vợ Vua Hùng đau bụng đã lâu ngày mà vẫn không sinh nở, một nàng hầu gái nói nên đón nàng Quế Hoa múa đẹp hát hay đến múa hát. Quế Hoa được gọi đến trước giường, uốn tay đưa chân, dáng như tiên, giọng như suối, sắc như hoa... Vợ Vua Hùng xem múa nghe hát quả nhiên vui vẻ sinh ra được 3 người con trai tuấn tú khác thường. Vua Hùng rất vui mừng, truyền cho các công chúa trong cung nữ đều học những điệu múa hát của Quế Hoa. Lúc đó vào mùa xuân nên vua đặt tên các điệu múa hát đó là Hát Xuân.

[Chuẩn nhất] Hát Xoan là gì?
Biểu diễn Hát Xoan tại Đình cổ Hùng Lô

    Chuyện dân gian xã Cao Mại kể rằng Nguyệt Cư công chúa - Vua Bà xã Cao Mại lúc lọt lòng mẹ cứ khóc hoài không ai dỗ được, chỉ khi nghe người làng An Thái hát em mới nín khóc, cứ như thế cho tới năm em lên ba tuổi. Các cụ còn kể rằng Nguyệt Cư qua làng An Thái được nghe hát rồi đau bụng đẻ, quân gia phải khiêng kiệu chạy thật nhanh về trang để bà kịp sinh nở. Cũng vì những tình tiết trên mà ở Cao Mại có lệ chạy kiệu Vua Bà và có hát Xoan trong các ngày đình đám tế lễ, đó là những trò diễn hội làng có ý nghĩa kỷ niệm.

    Một số nhà nghiên cứu âm nhạc lại cho rằng: Hát Xoan xuất hiện vào khoảng thế kỷ XV (tức là đời hậu Lê), lời ca Xoan có những đặc điểm như hình thức, văn chương của thế kỷ XV, nghĩa là hình thể chưa cố định, vừa gồm các thể thất ngôn, vừa xen kẽ những câu 6 tiếng và kết luận rằng: Hát Xoan là một hình thức âm nhạc phong tục phát sinh từ thời kỳ nhà Lê.


Giá trị nổi bật toàn cầu của Hát Xoan

    Hồ sơ hát xoan Phú Thọ đã hội đủ các yêu cầu cần thiết của UNESCO để được công nhận là:

    Tính giá trị, tính cộng đồng trong việc sáng tạo và truyền dạy từ đời này qua đời khác;

    Sức sống mạnh mẽ của hát xoan cũng như các cam kết bảo vệ nghệ thuật này không bị biến mất trong đời sống hiện đại.

    Đây là một số ít những hồ sơ nhận được toàn bộ sự ủng hộ của hội đồng tư vấn khoa học xét duyệt sơ khảo trước đó.

    Hát Xoan là một di sản văn hóa phi vật thể quý giá của vùng đất Tổ Hùng Vương. Hát Xoan Phú Thọ thuộc loại hình dân ca lễ nghi phong tục, là hát cửa đình, hội tụ đa yếu tố nghệ thuật như nhạc, hát, múa...

   Hát xoan được vinh danh góp phần tôn vinh các giá trị, đạo lý của Việt Nam, khẳng định vị thế dân tộc Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Ngày 24/11/2011, Hát Xoan được chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể là một thành công rất lớn.


Những bài hát xoan hay nhất

- NHẬP TỊCH MỜI VUA (Phường Xoan Phù Đức)

- GIÁO TRỐNG – GIÁO PHÁO (Phường Xoan Phù Đức)

- THƠ NHANG (Phường Xoan Kim Đới)

- ĐÓNG ĐÁM (Phường Xoan Thét)

- TRỐNG QUÂN (Chặng hát đón đào) (Phường Xoan An Thái)

- XIN HUÊ – ĐỐ HUÊ (Phường Xoan Kim Đới)

- ĐỐ CHỮ (Phường Xoan Thét)

- HÁT ĐÚM (Phường Xoan Phù Đức)

- BỎ BỘ (Phường Xoan An Thái)

- HÁT BỢM GÁI (Phường Xoan Kim Đới)

- HÁT RU – MỜI RƯỢU (Phường Xoan Thét)

- HÁT MÓ CÁ (Phường Xoan Kim Đới)

- KIỀU GIANG CÁCH (Phường Xoan Phù Đức)

- NHÀN NGÂM CÁCH (Phường Xoan Thét)

- CHÀNG MAI CÁCH (Phường Xoan Kim Đới)

- XOAN THỜI CÁCH (Phường Xoan An Thái)

- HẠ THỜI CÁCH (Phường Xoan Phù Đức)

- THU THỜI CÁCH (Phường Xoan Thét)

- ĐÔNG THỜI CÁCH (Phường Xoan Kim Đới)

- NGƯ TIỀU CANH MỤC CÁCH (Phường Xoan An Thái)

- TỨ MÙA CÁCH (Phường Xoan Phù Đức)

- ĐỐI DÃY CÁCH (Phường Xoan An Thái)

- HỒI LIÊN CÁCH (Phường Xoan Thét)

- TỨ DÂN XOAN CÁCH (Phường Xoan An Thái)

- HÒ CHÈO CÁCH (Phường Xoan Kim Đới)

- CHƠI DÂU CÁCH (Phường Xoan Phù Đức)

icon-date
Xuất bản : 24/09/2021 - Cập nhật : 24/09/2021