logo

Hạt gồm những bộ phận nào?

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta gặp rất nhiều loại hạt có trong trái cây. Mỗi loại hạt có kiểu dáng, kích thước, màu sắc khác nhau, thế nhưng chúng đều có cấu tạo giống nhau. Vậy hạt gồm những bộ phận nào và các bộ phận này có tác dụng gì? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu trong câu hỏi dưới đây

Câu hỏi: Hạt gồm những bộ phận nào?

Hạt gồm 3 bộ phận chính đó là: vỏ hạt, phôi hạt và chất dinh dưỡng dự trữ. Mỗi bộ phận có những đặc điểm và đóng vai trò khác nhau cho sự phát triển và hình thành cây con.


Vỏ hạt

Vỏ hạt (còn được gọi là áo) là lớp bao quanh bên ngoài, có tác dụng bảo vệ cho hạt khỏi các tác nhân từ bên ngoài và bảo quản hạt được lâu dài. Vỏ hạt có vai trò quan trọng đối với sự sống của hạt và sự nảy mầm của hạt để trở thành cây mới.

Hạt gồm những bộ phận nào - ảnh 1

Vỏ hạt có nhiều hình dạng khác nhau như: vỏ nhẵn (vỏ hạt đỗ), sần sù (hạt óc chó), hạt mọng nước,.. Thông thường, vỏ hạt sẽ có 2 lớp hoặc 3 lớp, các lớp vỏ này được sinh ra từ vỏ noãn. Thông thường vỏ ngoài của hạt khô, cứng và dầy, màu nâu thẫm. Ở một số loài cây vỏ hạt rất cứng và khó thấm nước, có như vậy mới bảo quản được hạt bên trong. Vỏ hạt trong thì ngược lại, là màng mỏng, dễ thấm nước. 


Phôi

- Phôi hạt chính là nơi mà mầm cây mới sẽ được hình thành gặp điều kiện thích hợp (nhiệt độ, đổ ẩm,...)

- Phôi của hạt gồm rễ mầm, thân mầm, lá mầm và chồi mầm.

+ Trong phôi chứa trục phôi có các đỉnh sinh trưởng nằm ở hai đầu của trục, đỉnh sinh trưởng này sẽ hình thành chồi thân và rễ cây, lá cây.

+ Số lá cây mọc từ phôi có thể một hoặc nhiều lá mầm, số là mầm tùy thuộc vào từng loại cây như: cây một lá mầm (thuộc họ Hòa thảo, Cau dừa… ), cây hai lá mầm (thuộc họ Đậu, họ Quả hai cánh… ), cây nhiều lá mầm (thuộc họ Thông… ) có tới trên 15 lá mầm.

Hạt gồm những bộ phận nào - ảnh 2

 

- Phôi của hạt của mỗi loài có sự khác nhau về kích thước. Có hai dạng hạt: hạt không phôi nhũ và hạt có phôi nhũ. Đối với hạt không phôi nhũ thì phôi chiếm chủ yếu khối lượng, còn hạt có phôi nhũ, phôi chiếm phần nhỏ, thường nằm ở phần cuối của hạt. Nhiều loại hạt có phôi dễ dàng quan sát được. Nhưng một số loại hạt như ở hạt đào, phôi rất khó phân biệt với phôi nhũ.

- Chức năng của phôi: Phôi là nơi phát triển thành cây mầm rồi thành cây con để duy trì nòi giống.


Chất dinh dưỡng dự trữ

- Chất dinh dưỡng dự trữ là nơi cung cấp các chất dinh dưỡng cho phôi phát triển thành cây con.

- Chất dinh dưỡng dự trữ thường nằm trong phôi nhũ hoặc trong lá mầm (với những hạt không có phôi nhũ). Do đó, với những hạt có chất dinh dưỡng dự trữ nằm trong lá mầm (hạt lạc, hạt đỗ đen) thì chất dinh dưỡng nằm trong phôi. Cũng có thể nói, với những loại hạt này thì cấu tạo của hạt chỉ có 2 phần là vỏ hạt và phôi (vì chất dinh dưỡng dự trữ nằm trong phôi).

Nhờ ba thành phần trên, hạt đã thực hiện được chức năng của mình là mọc thành cây con và sinh trưởng phát triển thành một cây mới khi gặp điều kiện thích hợp.

icon-date
Xuất bản : 12/12/2021 - Cập nhật : 28/09/2023