logo

Giải SBT Ngữ văn 10 Bài 3: Nghệ thuật thuyết phục trong văn nghị luận (KNTT)

Hướng dẫn Giải SBT Ngữ văn 10 Bài 3: Nghệ thuật thuyết phục trong văn nghị luận ngắn gọn hay nhất, nằm trong bộ sách bài tập Ngữ văn 10 Kết nối tri thức giúp các bạn ôn tập và nắm vững kiến thức bài học tốt hơn.

SBT Ngữ văn 10 Bài 3: Nghệ thuật thuyết phục trong văn nghị luận


Đọc và Thực hành tiếng Việt

Bài tập 1. Đọc lại văn bản Hiền tài là nguyên khí của quốc gia trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 74 – 75) và trả lời các câu hỏi:

1. Theo bạn, những thông tin nào về bối cảnh, điều kiện ra đời của văn bản được nêu trong SGK cần được đặc biệt chú ý? Tại sao bạn lại xác định như vậy?

2. Dựa vào văn bản, hãy liệt kê theo mức độ tăng tiến những việc làm chứng tỏ các “đấng thánh để minh vương” đã “quý chuộng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng”.

3. Tác giả đã nói như thế nào về tác dụng của việc dựng bia vinh danh những người đỗ đại khoa?

4. Khi soạn bài văn bia, tác giả Thân Nhân Trung nhằm đến đối tượng tiếp nhận chính nào? Hãy nêu những căn cứ mà bạn dựa vào đó để giải đáp vấn đề này.

5. Liệt kê các từ ngữ chỉ vua chúa và nhận xét về quy ước xưng hô được thể hiện trong văn bản (Lưu ý: bản dịch đã dùng lại đúng các từ ngữ chỉ vua chúa trong nguyên tác).

6. Chỉ ra nét khác biệt về nghĩa giữa ba câu sau:

– Hiền tài là báu vật của quốc gia.

– Hiền tài là vốn quý của quốc gia. 

– Hiền tài là nguyên khí của quốc gia.

Theo bạn, từng câu văn trên được dùng trong những ngữ cảnh nào thì phù hợp?

Bài tập 2. Đọc lại văn bản Yêu và đồng cảm trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 77 – 80) và trả lời các câu hỏi:

1. Nêu cảm nhận chung nhất của bạn về văn bản Yêu và đồng cảm.

2. Trong văn bản, từ “đồng cảm” đã được tác giả giải thích như thế nào và từ góc độ nào? Đâu là khía cạnh được chú ý nhấn mạnh?

3. Văn bản đã giúp bạn hiểu thêm gì về đặc trưng của nghệ thuật (trong đó có văn học)?

4. Trong văn bản, yếu tố tự sự đã được tác giả sử dụng như thế nào và nhằm mục đích gì?

5. Nếu đánh giá khái quát của bạn về hiệu quả thuyết phục của văn bản trên phương diện lập luận.

6. Nêu một số bằng chứng cho thấy tác giả đã rất quan tâm tới việc đảm bảo mạch lạc và liên kết khi viết văn bản này.

Bài tập 3. Đọc lại văn bản Yêu và đồng cảm trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 77 – 78), đoạn từ “Tôi phục sát đất tấm lòng đồng cảm phong phú” đến “vạn vật có tình cũng như không có tình” và trả lời các câu hỏi:

1. Làm rõ mạch triển khai nội dung đoạn văn bằng một sơ đồ đơn giản.

2. Tác giả đã “sực nhận ra” những vấn đề quan trọng gì qua cuộc tiếp xúc với chú bé?

3. Theo những gì được nói tới trong đoạn văn, bạn hiểu như thế nào về ý nghĩa của sự đồng cảm?

4. Nêu suy đoán của bạn về những điều sẽ được tác giả tiếp tục triển khai sau đoạn văn ở trên. Dựa vào đâu mà bạn có suy đoán như vậy?

5. Chỉ ra các phương tiện liên kết được sử dụng trong đoạn văn.

Bài tập 4. Đọc lại văn bản Chữ bầu lên nhà thơ trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 82 – 84) và trả lời các câu hỏi:

1. Nhan đề của văn bản đã gợi cho bạn những suy nghĩ gì?

2. Bạn thích nhất ý kiến nào được nêu trong văn bản? Vì sao?

3. Các luận điểm chính trong văn bản được xây dựng dựa trên cảm hứng đối thoại với những quan điểm và ý kiến khác về thơ, nhà thơ, lao động thơ, chữ trong thơ. Hãy phân tích một ví dụ lấy từ văn bản để làm sáng tỏ điều này.

4. Quan niệm “Chữ bầu lên nhà thơ đã được tác giả triển khai như thế nào ở đoạn cuối phần 2?

5. Văn bản chủ yếu được viết bằng những câu văn ngắn và xuống hàng liên tục. Mặc dù vậy, người đọc vẫn cảm nhận được một mạch văn, mạch ý thông suốt. Theo bạn, điều gì đã khiến văn bản tạo được ấn tượng ấy?

Lời giải: 

Bài tập 1.

1. Những thông tin:

– Năm 1484, Thân Nhân Trung vâng mệnh vua Lê Thánh Tông soạn Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ ba để khắc lên bia đặt ở Quốc Tử Giám.

– Truyền thống dựng bia ghi danh tiến sĩ được khởi đầu từ năm 1484 sau sự kiện này.

– Bài kí của Thân Nhân Trung được khắc trên bia ghi tên các tiến sĩ đỗ năm 1442 (niên hiệu Đại Bảo thứ ba), điều đó có nghĩa là bia được dựng sau kì thi năm 1442 đến 42 năm.

Xác định như vậy vì đây là những thông tin quan trọng minh chứng cho việc đất nước ở thời Hậu Lê phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả tích cực.

2. Liệt kê:

– Tôn trọng danh tiếng của người thi đỗ.

– Phong chức tước và cấp bậc cho người thi đỗ.

– Ghi tên người đỗ đạt nơi trang trọng, ban danh hiệu tiến sĩ, mở tiệc khoản đãi.

– Dựng bia đá ghi tên người đỗ tiến sĩ ở nhà Thái học của Trường Quốc Tử Giám.

3. Tác giả chỉ ra 3 tác dụng của việc dựng bia vinh danh những người đỗ đại khoa:

- Khuyến khích kẻ sĩ trông vào mà phấn chấn hâm mộ, rèn luyện danh tiết, gắng sức giúp vua.

– Cảnh báo xu hướng thoái hoá trong lớp người đỗ đạt vốn được triều đình tin dùng.

– Góp phần làm chấn hưng đất nước.

4. Nhằm đến đối tượng: vua Lê Thánh Tông, những người đỗ đại khoa qua các kì thi được ghi danh trên bia đá Quốc Tử Giám, tất cả kẻ sĩ,…

Căn cứ: Câu đầu tiên trong văn bản, tác giả đã nghĩ tới vua Lê Thánh Tông, sau đó là những người đỗ đại khoa trong các kì thi được ghi danh, cuối cùng là đề cập đến đối tượng xem bia.

5. Liệt kê: thánh minh, đấng thánh đế minh vương, thánh thần.

Nhận xét: thể hiện sự tôn kính nhà vua đồng thời cho thấy được uy quyền lớn lao của vua trong xã hội phong kiến.

6. Khác biệt:

- Hiền tài là báu vật của quốc gia: thể hiện ý nghĩa người tài cần được nâng niu, coi trọng như báu vật không thể mất.

- Hiền tài là vốn quý của quốc gia: thể hiện ý nghĩa hiền tài cần được trân trọng và biết cách phát huy vốn quý để càng lớn mạnh thêm.

- Hiền tài là nguyên khí của quốc gia: thể hiện ý nghĩa sự sống còn của quốc gia dựa vào hiền tài.

Bài tập 2.

1. Cảm nhận chung: Văn bản Yêu và đồng cảm là văn bản giàu tình thương khi nhân vật chú bé xuất hiện giúp đỡ nhân vật tôi xếp đồ. Với trái tim đồng cảm với những đồ vật có trong phòng khiến ta nhận ra đó là điều cần thiết trong cuộc sống.

2. Tác giả giải thích:

– Đồng cảm là khả năng hiểu thấu nỗi niềm của vạn vật và biết cách chia sẻ với chúng.

- Đồng cảm là việc biết đặt mình vào vị trí, trạng thái, tình cảm của đối tượng khi miêu tả, thể hiện đối tượng đó.

– Đồng cảm là điều kiện thiết yếu để con người có thể bước chân vào thế giới của cái Mĩ.

– Đồng cảm là phẩm chất tự nhiên vốn có ở con người nhưng được bộc lộ rõ nhất trong cách giao hoà với vạn vật của trẻ em.

– Đồng cảm là phẩm chất cần được gìn giữ và phát triển để cho cuộc đời ngày càng tốt đẹp.

Khía cạnh được chú ý nhấn mạnh: Đồng cảm là điều kiện thiết yếu để con người có thể bước chân vào thế giới của cái Mĩ. 

3. Văn bản giúp em hiểu hơn về nghệ thuật. Nghệ thuật nên xuất phát từ lòng trắc ẩn. Đồng cảm, sự thấu hiểu là điều cần thiết mà người nghệ sĩ khi bắt tay vào văn chương. Nhờ có lòng đồng cảm mà mọi thứ dễ dàng hơn, tình cảm hơn và nhất là thể hiện được ý nghĩa mà người viết muốn bày tỏ.

4. Yếu tố tự sự được tác giả sử dụng:

- Đoạn 1: Một đứa bé vào phòng tôi, giúp tôi sắp xếp đồ đạc.

- Đoạn 2: Hôm sau tới trường cấp ba dạy nghệ thuật, tôi cũng giảng cho các em thế này.

Mục đích: tạo sự cởi mở, gần gũi đối với người đọc. Như sự chia sẻ về câu chuyện mà bản thân trải qua, muốn được lan tỏa những điều đẹp đẽ tới mọi người xung quanh. Tác giả đi từ cảm xúc cảm hóa độc giả.

5. Đánh giá: Qua văn bản, có thể thấy, trên phương diện lập luận, người viết vô cùng chỉn chu trong cách thể hiện bài viết. Lí lẽ được người viết đưa ra logic, hợp lí đồng thời có những so sánh nhằm nổi bật lên vấn đề bàn luận.

6. Bằng chứng:

- Khi chú bé giúp nhân vật tôi sắp xếp đồ tỏng phòng ở đoạn 1, tác giả đã nhắc lại vấn đề này trong các đoạn 3, đoạn 5, đoạn 6 tạo nên mạch liên kết.

- Từ “đồng cảm”, “thế giới của Mĩ” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong văn bản.

Bài tập 3.

1. 

2. Những vấn đề quan trọng:

- Đồ vật cũng có linh hồn.

- Người nghệ sĩ phải có lòng đồng cảm bao la quảng đại như tấm lòng trời đất.

3. Em hiểu ý nghĩa của sự đồng cảm: Đồng cảm chính là lòng trắc ẩn với thế giới xung quanh không phân biệt người hay vật. Nhờ có lòng đồng cảm mà chúng ta nhìn cuộc sống được nhiều điều thú vị, đẹp đẽ, càng thêm trân trọng cuộc sống.

4. Suy đoán:

- Giải thích đồng cảm là gì? Biểu hiện ra sao?

- Ý nghĩa, vai trò của lòng đồng cảm?

Sở dĩ em có suy đoán như vậy là bởi khi tác giả nhận thức được giá trị của sự đồng cảm, người viết cần lập luận để người đọc hiểu ra lí do.

5. Các phương tiện liên kết:

- Dùng nhiều lần từ “đồng cảm”.

- Cụm từ “từ đó”, “bấy giờ” thể hiện sự nối tiếp liên tục.

- Đại từ “chúng”, “đó”, “những thứ đó” được sử dụng nhằm liên kết với câu trước.

Bài tập 4.

1. Suy nghĩ: Văn bản gợi sự tò mò trong em cụm “chữ bầu lên” là gì bởi nó đưa tới nhiều cách hiểu.

2. Ý kiến “Dẫu có theo con đường nào, một nhà thơ cũng phải cúc cung tận tụy đem hết tâm trí dùi mài và lao động chữ, biến ngôn ngữ công cộng thành ngôn ngữ đặc sản độc nhất làm phong phú cho tiếng mẹ như một lão bộc trung thành của ngôn ngữ” là một trong những ý kiến khiến em tâm đắc. Bởi lẽ, người nghệ sĩ khi sáng tác nghệ thuật, luôn cần đến sự sáng tạo. Sự sáng tạo ở đây không chỉ tạo nên sự mới mẻ trong cách hành văn mà đó còn là cách để gây dựng dấu ấn cho độc giả. Làm được điều này không phải là điều dễ dàng, tuy nhiên, khi đã yêu hết mình với con chữ, phải gắng tạo câu hay ý đẹp ngắn gọn, súc tích làm phong phú con đường văn thơ.

3. Phân tích: Với quan niệm “những câu thơ hay đều kì ngộ”, tác giả không bác bỏ “kì ngộ” nhưng ông cũng nhấn mạnh đến việc không nên nghĩ một cách dửng dưng. Bởi đã là nghệ thuật thì nên chú trọng đến sự tỉ mỉ, trau chuốt từng con chữ. Đó là linh hồn của tác phẩm, làm nên điều diệu kì hay trôi vào dĩ vãng phụ thuộc ở yếu tố này. Không thể ngồi chờ đợi sự may đến với mình mà hãy tự mình tạo cho mình cơ hội để làm nên điều tuyệt vời trên hành trình làm nghệ thuật.

4. Triển khai:

- Dẫn ý kiến của các nhà thơ, nhà văn lớn trên thế giới (Ét-mông Gia-bét – Edmond Jabès, Gít-đơ – Gide, Pét-xoa – Pessoa).

- Diễn giải ý kiến của Ét-mông Gia-bét, đồng thời phát triển thêm cái mới. Đó chính là sáng tạo con chữ.

5. Theo em, điều làm nên sự ấn tượng này chính là người viết đã cho độc giả thấy được làm nghệ thuật là cả một quá trình dài. Thông tin trong văn bản đem đến nhiều, cung cấp nhiều kiến thức bổ ích, câu chữ trong bài được triển khai, lập luận một cách mạch lạc, logic.

Bài tập 5. Đọc lại văn bản Chữ bầu lên nhà thơ trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 83), đoạn từ“Tôi rất ghét cái định kiến quái gở” đến “đổi bát mồi hôi lấy từng hạt chữ" và trả lời các câu hỏi:

1. Đoạn trích cho biết quan điểm của tác giả về vấn đề gì?

2. Xác định luận điểm chính của đoạn trích và chỉ ra nét độc đáo trong cách nếu luận điểm của tác giả.

3. Theo bạn, vì sao tác giả ghét cái định kiến cho rằng “các nhà thơ Việt Nam thường chín sớm nên cũng tàn lụi sớm”?

4. Nếu dự đoán về những lí lẽ mà người đọc có thể đưa ra để phản bác ý kiến của tác giả. Về phần mình, bạn muốn đối thoại với tác giả ở điểm nào? 5. Phân tích nghệ thuật ẩn dụ được sử dụng trong câu cuối của đoạn trích.

Bài tập 6. Đọc lại văn bản Thế giới mạng & tôi trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 95 – 96) và trả lời các câu hỏi:

1. Xác định ý tưởng chính mà tác giả muốn trình bày qua văn bản.

2. Dựa vào nội dung của văn bản, hãy thử trả lời câu hỏi: Thế giới mạng là gì?

3. Bạn có thể nói gì về đối tượng “tôi” được đề cập trong văn bản? Hãy chỉ ra những điểm khiến bạn nhận thấy giữa bạn và đối tượng “tôi” có sự gặp gỡ, tương đồng.

4. Theo bạn, điều gì đã làm nên nét riêng của cách nghị luận ở văn bản này?

5. Bạn nhận ra những đặc điểm quen thuộc gì của loại văn bản ta vẫn thường gặp trên mạng xã hội? (Lưu ý: Khi nêu đặc điểm, cần đưa ra các bằng chứng cụ thể).

Bài tập 7. Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

Tác phẩm văn học và đọc văn học thật là một hiện tượng diệu kì. Theo các nhà khoa học quan sát, khi chưa đọc, văn bản in chỉ là một vật, một khách thể, nhưng khi đã đọc thì dần dần khách thể đó biến mất, sách vẫn còn đó nhưng đồng thời lại “biến mất” để nhường chỗ cho thế giới hình tượng, sách từ bên ngoài chuyển vào trong nội tâm người đọc, người đọc hoá thân vào nhân vật trong sách. Tại sao khi đọc sách ta bỗng toàn tâm toàn ý suy nghĩ vào những điều chưa bao giờ nghĩ tới? Hoá ra ta suy nghĩ bằng những ngôn từ, hình tượng của nhà văn, còn nhà văn thì phát biểu bằng tâm hồn, trí tuệ của ta! Cho nên tuy biết rõ tác phẩm là của nhà văn mà ta vẫn thấy có toàn quyền giải thích, hứng thú giải thích và khi nói là ta giải thích, ta ấy đâu phải là chính tại Nhà văn chiếm chỗ trong tâm trí ta, còn ta thì chiếm tác phẩm của họ! Cho nên tác phẩm văn học là một sản phẩm lạ lùng, nó gần như xoá bỏ ranh giới giữa ta và tác giả. Người đọc không phải “đệm”, mà đã “chơi” tác phẩm trên bản nhạc của nhà văn, do vậy tuỳ theo người “chơi” mà tác phẩm có sự khác nhau.

(Trần Đình Sử, Đọc văn học văn, NXB Giáo dục, 2001, tr. 6 – 7)

1. Xác định câu chủ đề của đoạn trích. Vì sao bạn xác định như vậy?

2. Theo những gì được tác giả dẫn giải, sự “diệu kì” của tác phẩm văn học và hoạt động đọc văn học thể hiện ở những điểm nào?

3. Dựa vào những trải nghiệm của mình khi đọc văn học, hãy bày tỏ ý kiến về nhận định sau: “Nhà văn chiếm chỗ trong tâm trí ta, còn ta thì chiếm tác phẩm của họ!”.

4. Hãy viết thêm từ 1 – 2 câu triển khai ý “tuỳ theo người “chơi” mà tác phẩm có sự khác nhau" được nêu ở cuối đoạn trích.

5. Lập luận của tác giả đoạn trích có thể giúp bạn hiểu thêm gì về các thuật ngữ văn bản và tác phẩm?

6. Theo bạn, vì sao những từ, cụm từ như "biến mất", “đệm”, “chơi” lại được tác giả đặt trong ngoặc kép?

7. Phân tích quyền hạn và chức năng của người đọc trong mối quan hệ với tác phẩm văn học.

Lời giải: 

Bài tập 5.

1. Quan điểm của tác giả: sự nhọc nhằn trong hoạt động sáng tạo thơ.

2. Luận điểm chính: bày tỏ sự đồng cảm trước những nhà thơ lầm lũi trên cánh đồng giấy, đổi bát mồ hôi lấy từng hạt chữ.

Nét độc đáo: Người viết gây chú ý bằng việc bày tỏ thái độ không đồng tình với định kiến sau đó giải thích lí do rồi cuối cùng nêu lên luận điểm chính mà bản thân bàn tới.

3. Vì định kiến này là định kiến thiển cận, không khách quan. Chính điều này khiến nhà thơ mất niềm tin, cho rằng mình chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định.

4. Đối thoại:

- Không thể phủ nhận hoàn toàn điều này vì có rất nhiều nhà văn, nhà thơ tồn tại chỉ trong 1 thời gian ngắn, phát triển đỉnh cao rồi lụi tàn.

- Sự cố gắng tạo nên con chữ trên từng trang giấy không phải lúc nào cũng đạt được thành công.

5. Phân tích: Tác giả sử dụng phép ẩn dụ để diễn đạt sự nhọc nhằn sáng tạo con chữ của người sáng tạo thơ. Dù làm ở bất kì hoạt động nào cũng cần đến sự chỉn chu, tỉ mỉ. Nghệ thuật cũng vậy. Người viết phát hiện ra điểm tương đồng giữa lao động thơ và lao động trên đồng ruộng để thấy được nghề nào cũng vất vả như nhau.

Bài tập 6.

1. Ý tưởng chính: Thế giới mạng đưa lại cho người tham gia một cuộc sống phong phú, đa dạng nhưng cũng đặt ra nhiều thử thách để họ nhìn ra giá trị thật của chính mình và của người khác.

2. Theo em, thế giới mạng là sự kết nối của tất cả mọi người trên toàn cầu. Đó có thể là giữa những người thân quen hoặc là những kẻ xa lạ với nhau. Thế giới mạng là nơi mọi người giao lưu, khoảng cách được đẩy lùi. Chúng ta được nói, được xem, được bình phẩm những vấn đề được đăng tải. Một môi trường vừa có lợi nhưng cũng rất có hại nếu chúng ta không biết cách sử dụng.

3. Đối tượng “tôi” có thể là tác giả, cũng có thể là người nào đó của thế giới mạng.

Tương đồng: Dùng đại từ “ta” (một lần) và “bạn” (thường xuyên) tạo sự thân mật.

5. Đặc điểm:

- Văn bản sử dụng nhiều kí tự, từ ngữ thường thấy của loại văn bản trên mạng xã hội.

- Trình bày tự nhiên, tạo sự gần gũi.

Bài tập 7.

1. Câu chủ đề: Tác phẩm văn học và đọc văn học thật là một hiện tượng diệu kì.

Lí do: Đoạn trích nói về khái niệm tác phẩm văn học và đọc văn học, đồng thời được tác giả nêu ra những lí lẽ, bằng chứng để làm sáng tỏ điều này.

2. Sự diệu kì của tác phẩm văn học:

– Tác phẩm văn học không phải là một vật thể bất động mà có sự vận động và biến hoá qua sự đọc, qua từng trường hợp đọc.

– Tác phẩm văn học chứa đựng hình tượng và hình tượng ấy được chuyển hoá vào tâm trí người đọc để biến thành xúc cảm, nhận thức và gây ra những hành động tương ứng với xúc cảm, nhận thức ấy.

Sự diệu kì của hoạt động đọc văn học:

– Làm sống dậy và cụ thể hoá thế giới hình tượng tồn tại tiềm tàng trong tác phẩm, chuyển hoá nó thành “câu chuyện” của chính bản thân người đọc, buộc người đọc phải “toàn tâm toàn ý" suy nghĩ về nó, cũng có nghĩa là bận lòng, bận trí về “những điều chưa bao giờ nghĩ tới" trước khi đọc văn học.

– Xoá bỏ ranh giới giữa độc giả và nhà văn; độc giả thì “suy nghĩ bằng những ngôn từ, hình tượng của nhà văn”, còn nhà văn thì phát biểu quan niệm, cảm nhận của mình nhờ những hoạt động tích cực của tâm hồn, trí tuệ độc giả.

– Đọc văn học cho phép độc giả có những cách cụ thể hoá khác nhau, diễn giải khác nhau về hình tượng trong tác phẩm. Tất cả những điều này làm cho thế giới hình tượng trở nên có tính chất mở, phát triển phong phú thêm lên qua từng trường hợp đọc.

3. Ý kiến: Khi đọc một bài văn hay, điều ta ấn tượng là sự sáng tạo của người làm nên tác phẩm còn nhà văn khi sáng tạo nên tác phẩm văn học muốn đứa con tinh thần của mình được công chúng rộng rãi biết đến thì cần đến độc giả như chúng ta. Chính bởi lẽ đó mà có nhận định “Nhà văn chiếm chỗ trong tâm trí ta còn ta thì chiếm tác phẩm của họ”.

4. Tác phẩm là vô vàn sự biến hóa. Dựa trên sự sáng tạo của người viết, tức người “chơi” mà nhân vật, cốt truyện, tình huống… đều có thể xoay chuyển miễn là nó phải logic.

5. Văn bản và tác phẩm là hai khái niệm thống nhất nhưng không đồng nhất. Văn bản là cơ sở tồn tại của tác phẩm còn tác phẩm là văn bản trong sự tiếp nhận của người đọc.

6. Vì đó là những từ, cụm từ không được hiểu theo nghĩa gốc mà chúng cần được hiểu theo nghĩa ẩn dụ.

7. Phân tích: Trong mối quan hệ với tác phẩm văn học, người đọc có quyền được bình phẩm thích hay không thích bởi đó là cảm xúc cá nhân. Tác phẩm văn học không thể chỉ mang một dòng cảm xúc giống nhau mà đó là sự đan xen của nhiều cảm xúc của nhiều người đọc. Đồng thời, họ có quyền được góp ý để phát triển.


Viết

Bài tập 1. Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) phân tích cho một người bạn của mình thấy rằng không nên độc đoán bác bỏ những cách nhìn nhận khác với cách nhìn nhận của bản thân về các vấn đề văn học hay đời sống.

Bài tập 2. Trong giao tiếp xã hội, thuyết phục người khác là một kĩ năng cần không ngừng trau dồi, hoàn thiện. Hãy lập dàn ý cho bài viết về đề tài trên.

Lời giải: 

Bài tập 1:

Cuộc sống không gì là hoàn hảo. Điều chúng ta thấy chưa chắc đã đúng. Đó là lí do chúng ta cần có cái nhìn đa chiều hơn khi hoạt động trong môi trường thường nhật. Việc độc đoán, chỉ chăm chăm vào ý kiến của mình sẽ khiến chúng ta càng thêm cố chấp, bảo thủ và không thể trưởng thành được. Bắt gặp một vấn đề nào đó, thay vì chuyên chú vào suy nghĩ của mình, chúng ta cần lắng nghe thêm nhiều ý kiến của người khác để có cái nhìn khách quan, đưa ra được kết quả hợp tình hợp lí. Có như vậy, chúng ta mới có thể hoàn thiện bản thân, được lòng yêu quý của mọi người xung quanh, thể hiện bản thân là người có sự cầu tiến, thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Bài tập 2:

Dàn ý:

- Mở bài: Giới thiệu, nêu vấn đề cần nghị luận.

- Thân bài:

+ Giải thích khái niệm kĩ năng thuyết phục người khác.

+ Bàn luận: Vai trò, Phản biện, Hướng hành động (kết hợp thêm dẫn chứng).

- Kết bài: khẳng định lại vấn đề, nêu ra bài học của bản thân.


Nói và nghe

Bài tập 1. Giả định bạn là người điều khiển cuộc thảo luận về một vấn đề văn học hay đời sống nào đó. Bạn sẽ xây dựng dàn ý cho bài nói về nguyên tắc thảo luận trước khi cuộc thảo luận bắt đầu như thế nào?

Bài tập 2. Nếu được mời tham gia một cuộc thảo luận về ý nghĩa của thơ đối với cuộc sống của mỗi con người, bạn dự định nói gì? Hãy lập đề cương cho bài phát n người, bạn dự định nói giờ Hãy lập để biểu ý kiến đó.

Lời giải: 

Bài tập 1. 

Xây dựng: tổ chức triển khai vấn đề, nắm những ý chính cần thảo luận, trình bày được quan điểm của cá nhân, thuyết trình mạch lạc, thời gian vừa đủ cùng một số yếu tố khác.

Bài tập 2. 

Đề cương:

- Dẫn dắt vấn đề: nêu lên vấn đề cần thảo luận.

- Nội dung vấn đề: Triển khai các ý sau:

+ Thơ sinh ra từ đâu? Mối liên hệ giữa thơ với cuộc sống?

+ Nội dung của thơ? Liệu có sự liên kết với đời sống con người không?

+ Con người thường tìm đến thơ khi nào?

+ Vai trò của thơ trong cuộc sống?

+ Nếu không có thơ, đời sống con người sẽ như thế nào?

- Kết thúc vấn đề: tổng kết lại vấn đề nghị luận

icon-date
Xuất bản : 22/09/2022 - Cập nhật : 23/09/2022