logo

Giải bài tập SGK Sinh 10 Bài 16 ngắn nhất Cánh diều

Hướng dẫn Soạn Sinh 10 Bài 16: Công nghệ tế bào ngắn gọn nhất bám sát nội dung SGK Sinh học 10 trang 95, 96, 97, 98, 99 bộ Cánh Diều theo chương trình sách mới.

Bài 16: Công nghệ tế bào trang 95, 96, 97, 98, 99 Sinh học 10 Cánh Diều

Mở đầu: Người ta có thể nuôi mảnh mô lá, thân, rễ,... trong môi trường nhân tạo (hình 16.1) để nhân giống nhanh tạo ra hàng loạt cây con. Việc nhân nhanh giống cây như trên có ý nghĩa như thế nào trong thực tiễn?

Giải bài tập SGK Sinh 10 Bài 16 ngắn nhất Cánh diều

Lời giải:

Nhân giống một bộ phận để nhân giống nhanh tạo ra hàng loạt cây con có ý nghĩa:

- Nhân với số lượng lớn trên quy mô công nghiệp có năng suất cao, có chất lượng tốt, thích nghi với điều kiện sinh thái nhất định.

- Cho ra sản phẩm đồng nhất về mặt di truyền, sạch bệnh.

- Khôi phục các cây trồng có nguy cơ tuyệt chủng hay nhân nhanh các giống cây khó sinh sản hữu tính.


I. Công nghệ tế bào


II. Nguyên lý công nghệ tế bào

Trả lời câu hỏi trang 95 SGK Sinh học 10: Quan sát hình 16.2, trình bày sự khác nhau giữa biệt hoá và phản biệt hoá tế bào?

Giải bài tập SGK Sinh 10 Bài 16 ngắn nhất Cánh diều

Lời giải:

- Biệt hoá là quá trình một tế bào biến đổi thành một loại tế bào mới, có tính chuyên hoá về cấu trúc và chức năng; từ đó phân hoá thành các mô, cơ quan đặc thù trong cơ thể.

- Phản biệt hoá là quá trình kích hoạt tế bào đã biệt hoá thành tế bào mới giảm hoặc không còn tính chuyên hoá về cấu trúc và chức năng.

Trả lời câu hỏi trang 96 SGK Sinh học 10: Trong hai loại tế bào (hồng cầu và hợp tử) thì loại nào có tính toàn năng? Giải thích.

Lời giải:

Hợp tử là tế bào có tính toàn năng vì chúng có thể phát triển thành phôi và phát sinh ra cơ thể mới.

Trả lời câu hỏi trang 96 SGK Sinh học 10: Trong thực tiễn sản xuất, người nông dân thường dùng kĩ thuật giâm cành đối với một số cây trồng như sắn, mía, rau muống, khoai lang,... Đặc tính nào của tế bào thực vật là nguyên lí để thực hiện kĩ thuật trên?

Lời giải:

Trong kĩ thuật giâm cành, một đoạn cành hoặc thân có đủ mắt, chồi (các tế bào đã biệt hóa) có thể phát triển thành một cây mới hoàn chỉnh → Tính toàn năng và phản biệt hóa của tế bào thực vật chính là nguyên lí để thực hiện kĩ thuật giâm cành.


III. Một số thành tựu của công nghệ tế bào thực vật


1. Nhân nhanh các giống cây trồng

Trả lời câu hỏi trang 96 SGK Sinh học 10: Vì sao người ta thường áp dụng kĩ thuật vi nhân giống để nhân nhanh các giống cây quý hiếm như các cây dược liệu, cây gỗ quý, cây thuộc loài nằm trong Sách Đỏ (ví dụ: lan kim tuyến, sâm ngọc linh,...). Kĩ thuật này có ý nghĩa gì?

Lời giải:

Vì phương pháp vi nhân giống có thể tạo ra nhanh chóng các cây con từ một số bộ phận của cây mẹ như lá, thân, rễ,... dựa vào quá trình phản biệt hóa, công nghệ nhân giống in vitro. 

=> Cách làm này có tính ứng dụng và khả năng thành công cao.


2. Tạo giống cây trồng mới

Trả lời câu hỏi trang 97 SGK Sinh học 10: Kể tên một số giống cây trồng được tạo ra bằng công nghệ tế bào mà em biết?

Lời giải:

Một số giống cây trồng được tạo ra bằng công nghệ tế bào:

- Từ tế bào phôi của giống lúa CR203 rồi dùng phương pháp vi nhân giống để tạo ra giống lúa mới cấp Quốc gia DR2 có năng suất và độ thuần chủng cao, chịu nóng và khô hạn tốt.

- Tạo ra cây lai giữa khoai tây và cà chua.

- Dung hợp dòng tế bào trần đơn bội (n) với dòng tế bào trần lưỡng bội (2n) để tạo ra giống dưa hấu không hạt, bưởi cam không hạt,…

Trả lời câu hỏi trang 97 SGK Sinh học 10: Tìm hiểu vì sao một số cây trồng chuyển gene mang nhiều đặc tính tốt về năng suất và phẩm chất nhưng việc trồng và tiêu thụ các sản phẩm của cây trồng chuyển gene vẫn gây những tranh luận trái chiều ở nhiều nơi trên thế giới

Lời giải:

Một số cây trồng chuyển gene mang nhiều đặc tính tốt về năng suất và phẩm chất nhưng việc trồng và tiêu thụ các sản phẩm của cây trồng chuyển gene vẫn gây những tranh luận trái chiều ở nhiều nơi trên thế giới vì cây trồng chuyển gene có thể đem đến những rủi ro tiềm ẩn:

- Những biểu hiện không thể dự đoán được của gene được biến đổi hoặc tính chất không ổn định của gene được biến đổi có thể gây hại cho sức khỏe của con người hoặc gây thiệt hại về kinh tế của người trồng.

- Gene kháng hoặc gene chống chịu có thể chuyển sang những sinh vật không chủ đích khác gây ra nhiều nguy hại như: sự phát triển cỏ dại hay siêu cỏ; sự phát triển của các loại sâu bệnh, vi khuẩn kháng thuốc;…

- Việc sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật tăng lên: Tại Châu Mỹ - La Tinh, nơi đậu nành biến đổi gen được trồng trên diện rộng, việc sử dụng thuốc diệt cỏ đã tăng vọt, đạt mức trên 550 lít/năm, gây ra hậu quả đáng lo ngại cho sức khỏe của những người dân nơi đây.


IV. Một số thành tựu của công nghệ tế bào động vật


1. Tạo mô, cơ quan thay thế

Trả lời câu hỏi trang 97 SGK Sinh học 10: Nêu một số thành tựu về nuôi cấy tế bào động vật để tạo mô, cơ quan thay thế mà em biết.

Lời giải: 

Một số thành tựu về nuôi cấy tế bào động vật để tạo mô, cơ quan thay thế: 

- Nuôi cấy và biệt hóa tế bào gốc thành tế bào mỡ dùng trong công nghệ thẩm mĩ

- Nuôi cấy và biệt hóa tế bào sụn và nguyên bào xương dùng trong điều trị nhiều bệnh tổn thương tim mạch, thoái hóa xương, khớp,...

- Kích hoạt cảm ứng từ tế bào sinh dưỡng và nuôi in vitro tạo nên các mô da để cấy ghép cho người bệnh bị bỏng nặng.

Trả lời câu hỏi trang 98 SGK Sinh học 10: Quan sát hình 16.5 và cho biết tế bào gốc được kích hoạt từ tế bào sinh dưỡng có thể biệt hoá để tạo thành các dòng tế bào nào. Nếu dùng dòng tế bào gốc này để điều trị cho người khác thì có thể gặp những khó khăn gì?

Giải bài tập SGK Sinh 10 Bài 16 ngắn nhất Cánh diều

Lời giải: 

- Tế bào gốc được kích hoạt từ tế bào sinh dưỡng có thể biệt hoá để tạo thành các dòng tế bào: Tế bào thần kinh, tế bào cơ, tế bào của các cơ quan trong cơ thể, tế bào máu, tế bào xương, thành mạch máu...

- Nếu dùng dòng tế bào gốc này để điều trị cho người khác thì có thể cần đến sự hỗ trợ của thuốc chống đào thải mô, cơ quan do sự không tương thích của tế bào ghép với các tế bào khác trong cơ thể người được cấy ghép.


2. Tạo dòng tế bào và động vật chuyển gene

Trả lời câu hỏi trang 98 SGK Sinh học 10: Nêu ví dụ chuyển gene ở động vật cho sản phẩm dùng để sản xuất thuốc chữa bệnh ở người.

Lời giải:

- Gà chuyển gene để sản xuất trứng làm thuốc chữa bệnh Wolman - suy giảm lipase trong lysosome.

- Dê chuyển gene để sản xuất sữa làm thuốc chữa bệnh suy giảm antithrombin alfa - một yếu tố chống đông máu.

- Lạc đà chuyển gen có khả năng sản xuất ra các protein dược phẩm mang trong sữa để sản xuất ra các loại thuốc trị lại những căn bệnh di truyền.


3. Nhân bản vô tính ở động vật

Trả lời câu hỏi trang 99 SGK Sinh học 10: Trình bày một số ứng dụng của nhân bản vô tính động vật.

Lời giải:

Một số ứng dụng của nhân bản vô tính động vật:

- Tạo ra mô, cơ quan thay thế để điều trị bệnh cho người.

- Tạo ra các mô, cơ quan làm mô hình sàng lọc thuốc.

- Tạo ra các bản sản của các động vật có nguy cơ tuyệt chủng nhằm mục đích bảo tồn sự đa dạng di truyền.

>>> Xem toàn bộ: Soạn Sinh 10 Cánh diều

-----------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Soạn Sinh 10 Bài 16: Công nghệ tế bào trong bộ SGK Cánh Diều theo chương trình sách mới. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này. Toploigiai đã có đầy đủ các bài soạn cho các môn học trong các bộ sách mới Cánh Diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức. Mời các bạn hãy click ngay vào trang chủ Toploigiai để tham khảo và chuẩn bị bài cho năm học mới nhé. Chúc các bạn học tốt!

icon-date
Xuất bản : 24/09/2022 - Cập nhật : 24/09/2022