logo

Em hãy viết đoạn văn phát biểu cảm nghĩ về một trong các bài thơ có yếu tố tự sự miêu tả đã học.

Đề bài: Em hãy viết đoạn văn phát biểu cảm nghĩ về một trong các bài thơ có yếu tố tự sự miêu tả đã học.


Dàn ý đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ có yếu tố tự sự và miêu tả

- Mở đoạn:

Giới thiệu tác giả và bài thơ

Nêu khái quát ấn tượng, cảm xúc về bài thơ

- Thân đoạn:

Nêu ấn tượng, cảm xúc của em về câu chuyện được kể hoặc các chi tiết miêu tả có trong bài thơ

Làm rõ nghệ thuật kể chuyện và miêu tả của tác giả

Đánh giá tác dụng của việc kể lại câu chuyện kết hợp với các chi tiết miêu tả trong bài thơ

- Kết đoạn: 

Nêu khái quát điều em tâm đắc về bài thơ (trong đó có nói tới đặc điểm nghệ thuật riêng của bài thơ đã được phân tích ở thân đoạn)


 Viết đoạn văn phát biểu cảm nghĩ bài thơ Đêm nay Bác không ngủ

    Bài thơ Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ là bài thơ viết về hình ảnh Bác Hồ qua những sinh hoạt đời thường. Bác không ngủ vì lo cho chiến dịch, vì lo cho các chú bộ đội phải ngủ ngoài rừng lấy lá cây làm chiếu, lấy manh áo làm chăn. Tôi ấn tượng nhất hai câu thơ: “Bác vẫn ngồi đinh ninh/ Chòm râu im phăng phắc”. Bác không ngủ, cũng không hoạt động chân tay, mà chỉ “ngồi đinh ninh”. Tưởng chừng như “ngồi đinh ninh” không để làm gì nhưng chính cụm từ đó đã gợi cho người đọc nhiều trường liên tưởng. Tại sao Bác không ngủ mà lại ngồi đinh ninh? Bác đang lo nghĩ chuyện gì? “Ngồi đinh ninh” là ngồi yên một chỗ, không động đậy, không nói một lời nào. Từ bên ngoài, người ta chỉ có thể biết Bác đang suy nghĩ điều gì đó. Câu thơ tiếp theo “Chòm râu im phăng phắc” vừa khắc họa hình ảnh quen thuộc, gần gũi của Bác Hồ mà ai cũng biết chính là chòm râu. Nhưng “chòm râu” nào có tri giác để biết “im phăng phắc”?! Ở đây, tác giả đã dùng biện pháp nhân hóa để nói lên hình ảnh Bác ngồi một mình, lặng lẽ giữa đêm khuya, ngẫm ngợi. “Chòm râu im phăng phắc” đồng thời cũng cho thấy khung cảnh xung quanh lặng yên, không có một tiếng động hay hoạt động nào, ngay cả một cơn gió cũng không có. Như vậy, không gian ở đây là không gian tĩnh lặng của đêm khuya. Chỉ với hai câu thơ cùng biện pháp tu từ nhân hóa, tác giả đã vẽ được không gian, thời gian và hình ảnh của Bác. Điều đó đã cho tôi có thêm những cảm nhận về một bài thơ hay và hiểu thêm về chân dung Bác Hồ.

Em hãy viết đoạn văn phát biểu cảm nghĩ về một trong các bài thơ có yếu tố tự sự miêu tả đã học.

Viết đoạn văn phát biểu cảm nghĩ về bài thơ chuyện cổ tích về loài người 

       “Chuyện cổ tích về loài người” của Xuân Quỳnh là một bài thơ giàu ý nghĩa, đặc biệt là khổ thơ nói về sự thay đổi của trái đất khi trẻ con được sinh ra. Trước đó, trái đất thật là trần trụi: không một dáng cây ngọn cỏ, cũng như không có ánh sáng hay màu sắc. Thì sau khi trẻ con ra đời, trái đất đã hoàn toàn thay đổi. Đầu tiên là sự xuất hiện của mặt trời xuất hiện giúp trẻ con nhìn rõ. Màu xanh của cây cỏ, màu đỏ bông hoa giúp trẻ con nhận biết màu sắc. Và tiếng chim hót, tiếng gió thổi cho trẻ con cảm nhận âm thanh. Sông xuất hiện giúp trẻ con tắm rửa sạch sẽ. Biển lại giúp trẻ con suy nghĩ, cung cấp cá tôm và phương tiện là tàu thuyền để khám phá khắp nơi. Khi trời nắng, những đám mây đem bóng mát cho trẻ em. Và khi trẻ em bắt đầu tập đi thì con đường xuất hiện. Mọi sự việc xuất hiện đều xoay quanh trẻ em. Điều đó đã giúp người đọc hiểu hơn về tầm quan trọng của trẻ em trong cuộc sống.


Viết đoạn văn phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Mây và sóng

    “Mây và sóng” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Ta-go. Bài thơ đã gợi ra cho người đọc cảm nhận sâu sắc về tình mẫu tử thiêng liêng. Em bé trong bài thơ được mời gọi đến thế giới kỳ diệu ở “trên mây” và “trong sóng”. Với sự hiếu kỳ của một đứa trẻ, em đã cất tiếng hỏi: “Nhưng làm thế nào mình lên đó được?”, “Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?”. Nhưng khi em bé nhớ đến mẹ vẫn luôn chờ đợi mình ở nhà, em đã từng chối đầy kiên quyết: “Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?”, “Làm sao có thể rời mẹ mà đi được?”. Chẳng có niềm hạnh phúc nào bằng được ở bên cạnh mẹ mặc dù thế giới ngoài kia nhiều hấp dẫn. Để rồi, em bé đã sáng tạo ra những trò chơi còn thú vị hơn của những người “trên mây” và “trong sóng”. Trong trò chơi đó, em sẽ là mây, là sóng tinh nghịch nô đùa; còn mẹ sẽ là vầng trăng, là bờ biển dịu hiền, ôm ấp và che chở con. Những câu thơ giàu tính tự sự và miêu tả nhưng lại góp phần bộc lộ cảm xúc của nhân vật trong bài thơ. Ta-go đã sử dụng trong bài thơ những lời thoại, chi tiết được kể tuần tự, vừa lặp lại vừa biến hóa kết hợp với hình ảnh giàu tính biểu tượng. Bài thơ chính là một câu chuyện cảm động về tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt.

Viết đoạn văn phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Gấu đi chân vòng kiềng

    Bài thơ Gấu con chân vòng kiềng là một bài thơ đã cho tôi những bài học nhân văn sâu sắc. Bài thơ nói về bạn gấu con có đôi chân vòng kiềng vui chơi trong rừng nhưng bị các bạn trong rừng chê cười. Chỉ có mẹ của gấu con đã nói cho gấu con biết cả họ nhà gấu đều có chân vòng kiềng, vẫn sống vui vẻ, và còn rất tài giỏi. Chân vòng kiềng không có gì đáng xấu hổ, thậm chí với gấu mẹ nó còn rất đẹp. Bài thơ đã cho thấy thẩm mỹ là cái theo mắt nhìn của mỗi người, đồng thời cũng là lời khích lệ, động viên mỗi người tự tin vào vẻ đẹp, vào cả những điều tưởng chừng như khuyết điểm của bản thân mình.


Viết đoạn văn phát biểu cảm nghĩ bài thơ Lượm

     “Lượm” là một bài thơ nổi tiếng của Tố Hữu. Đến với bài thơ, người đọc sẽ thấy được hình ảnh của người chiến sĩ liên lạc nhỏ tuổi, nhưng đầy dũng cảm. Dáng người nhỏ “loắt choắt”, với hành trang là một cái xắc nhỏ “xinh xinh”. Và đôi chân nhanh nhẹn “thoăn thoắt” cùng cái đầu lúc nào cũng ngó nghiêng “nghênh nghênh”. Tác giả dùng những từ láy đặc biệt như vậy để miêu tả dáng vẻ của nhân vật Lượm khiến cho hình ảnh cậu trở nên chân thực. Tuy còn nhỏ nhưng Lượm lại tham gia công việc làm liên lạc, vận chuyển thư từ cho bộ đội ta - một công việc nguy hiểm, cần sự thông minh, nhanh nhạy và lòng dũng cảm mà không phải đứa trẻ nào cũng có được. Ẩn chứa trong thân hình bé nhỏ ấy là một tình yêu quê hương đất nước sâu sắc, tuy em tuổi còn nhỏ nhưng cũng chẳng thua kém bất kỳ người trưởng thành nào. Công việc em đang làm đã góp phần rất to lớn cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Hành trình thực hiện nhiệm vụ của Lượm cũng đầy gian khó. Đặc biệt là hình ảnh Lượm đưa thư “Vụt qua mặt trận/Đạn bay vèo vèo” đầy hung hiểm chứng minh khí chất anh hùng và lòng dũng cảm của cậu bé chẳng ngại gian khó, quên mình vì nhiệm vụ “thượng khẩn” thì “sợ chi hiểm nghèo”. Việc sử dụng kết hợp yếu tố miêu tả và tự sự ở đây giúp tác giả khắc họa chân dung cũng như lòng dũng cảm của nhân vật Lượm.

icon-date
Xuất bản : 24/02/2022 - Cập nhật : 24/02/2022