Hướng dẫn trả lời đề Đọc hiểu Vườn bà chi tiết, chính xác giúp bạn ôn luyện đề thi Ngữ văn Đọc hiểu đạt kết quả cao.
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu bên dưới:
Vườn bà
(Hoàng Anh Tuấn)
Vườn bà chim sẻ gọi nhau
Heo may qua giậu chín màu ổi ương
Tán cau làm lược chải sương
Chuồn chuồn cõng nắng soi gương ao bèo.
Giàn bầu nậm rượu bố treo
Con ong say khướt múa chèo ngẩn ngơ
Bưởi vàng chín mọng lẳng lơ
Mồng tơi đỏ mắt đợi chờ nấu cua.
Gừng cay, sung chát, khế chua
Lẩn vào nốt dế bỏ bùa trăng thanh
Đêm sâu hoa nhãn buông mành
Gió nồm mát rượi mái tranh quê nhà.
Ước gì về thuở ngày xa
Năm dài nghèo khó đem ra cấy trồng
Bà gieo hạt giống giữa đồng
Tưới bao nước mắt mà không đổ mùa...
(Trích tạp chí “Văn học và tuổi trẻ”, số tháng 10/2021, tr54)
Câu 1. Bài thơ trên viết theo thể thơ nào?
A. Thơ tự do. B. Thơ bốn chữ.
C. Thơ năm chữ . D. Thơ lục bát.
Câu 2. Dấu hiệu nào không thuộc đặc điểm của thể thơ trong bài thơ trên?
A. Tổ chức theo từng cặp: một dòng sáu tiếng và một dòng tám tiếng.
B. Câu thơ thường ngắt nhịp chẵn 2/2/2, 2/4, 4/4.
C. Mỗi dòng thơ có năm tiếng.
D. Tiếng cuối của dòng sáu vần với tiếng sáu của dòng tám; tiếng cuối của dòng tám lại vần với tiếng cuối của dòng sáu tiếp theo.
Câu 3. Trong dòng thơ: “Chuồn chuồn cõng nắng soi gương ao bèo.”, có mấy cụm động từ?
A. Một cụm động từ. B. Hai cụm động từ.
C. Ba cụm động từ. D. Bốn cụm động từ.
Câu 4. Trong những từ: giàn bầu, con ong, ngẩn ngơ, nghèo khó từ nào là từ láy?
A. giàn bầu. B. con ong.
C. ngẩn ngơ. D. nghèo khó.
Câu 5. Quang cảnh thiên nhiên nơi vườn bà hiện lên qua bài thơ là:
A. Cảnh thiên nhiên mênh mông, bình dị, thân quen.
B. Cảnh thiên nhiên tươi đẹp tràn đầy sức sống, bình yên, dân dã chốn làng quê.
C. Cảnh thiên nhiên lung linh, thơ mộng, bình yên.
D. Cảnh thiên nhiên rực rỡ, tươi đẹp, bình yên.
Câu 6. Qua hai câu thơ: “Bà gieo hạt giống giữa đồng/ Tưới bao nước mắt mà không đổ mùa...” gợi cho em thấy đây là người bà như thế nào?
A. Người bà cần mẫn, tảo tần lao động trên đồng ruộng, giàu đức hi sinh nhưng cuộc đời vẫn cơ cực, đói nghèo.
B. Người bà luôn yêu thương, quan tâm, lo lắng, chăm sóc con cháu chu đáo.
C. Người bà nghèo, tuổi đã cao.
D. Bà luôn dành cho cháu tình cảm ấm áp, cao cả, thiêng liêng.
Câu 7. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ nhân hoá trong hai câu thơ sau:
“Giàn bầu nậm rượu bố treo
Con ong say khướt múa chèo ngẩn ngơ.”
Câu 8. Bài thơ đã khơi gợi cho em những tình cảm đẹp đẽ nào trong cuộc sống?
Câu 9. Em cần có những việc làm cụ thể nào để thể hiện những tình cảm đẹp đẽ được gợi lên trong bài thơ?
Trả lời câu hỏi
Câu 1: D
Câu 2: C
Câu 3: B
Câu 4: C
Câu 5: B
Câu 6: A
Câu 7:
- Tác dụng:
+ Phép nhân hóa làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
+ Nhân hóa làm cho con ong thêm sinh động, có hồn, gần gũi với con người; có những hoạt động, trạng thái giống như con người.
+ Thể hiện tài năng quan sát tinh tế, tâm hồn nhạy cảm và tình yêu thiên nhiên của tác giả.
Câu 8:
- Yêu mến, gắn bó với thiên nhiên tha thiết.
- Tự hào về vẻ đẹp thiên nhiên.
- Yêu quý, trân trọng, biết ơn những người thân yêu.
Câu 9:
+ Trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh.
+ Sống gần gũi, hoà hợp, gắn bó với thiên nhiên.
+ Tích cực tham gia các buổi dọn dẹp vệ sinh môi trường do nhà trường hoặc địa phương tổ chức.
+ Quan tâm, chăm sóc những người thân yêu trong gia đình.