Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
(1) Văn hóa ứng xử từ lâu đã trở thành chuẩn mực trong việc đánh giá nhân cách con người. Cảm ơn là một trong các biểu hiện của ứng xử có văn hóa. Ở ta, từ cảm ơn được nghe rất nhiều trong các cuộc họp: cảm ơn sự có mặt của quý vị đại biểu, cảm ơn sự chú ý của mọi người… Nhưng đó chỉ là những lời khô cứng, ít cảm xúc. Chỉ có lời cảm ơn chân thành, xuất phát từ đáy lòng, từ sự tôn trọng nhau bất kể trên dưới mới thực sự là điều cần có cho một xã hội văn minh. Người ta có thể cảm ơn vì những chuyện rất nhỏ như được nhường vào cửa trước, được chỉ đường khi hỏi… Ấy là chưa kể đến những chuyện lớn lao như cảm ơn người đã cứu mạng mình, người đã chìa tay giúp đỡ mình trong cơn hoạn nạn… Những lúc đó, lời cảm ơn còn có nghĩa là đội ơn.
(2) Còn một từ nữa cũng thông dụng không kém ở các xứ sở văn minh là “Xin lỗi”. Ở những nơi công cộng, người ta hết sức tránh chen lấn, va chạm nhau. Nếu có ai đó vô ý khẽ chạm vào người khác, lập tức từ xin lỗi được bật ra hết sức tự nhiên. Từ xin lỗi còn được dùng cả khi không có lỗi. Xin lỗi khi xin phép nhường đường, xin lỗi nhờ ai đó bấm hộ một kiểu ảnh… Tóm lại, khi biết mình có thể làm phiền đến người khác dù rất nhỏ, người ta cũng đều xin lỗi. Hiển nhiên, xin lỗi còn được thốt ra trong những lúc người nói cảm thấy mình thực sự có lỗi. Từ xin lỗi ở đây đi kèm với một tâm trạng hối lỗi, mong được tha thứ hơn là một cử chỉ văn minh thông thường. Đôi khi, lời xin lỗi được nói ra đúng nơi, đúng lúc còn có thể xóa bỏ biết bao mặc cảm, thù hận, đau khổ… Người có lỗi mà không biết nhận lỗi là có lỗi lớn nhất. Xem ra sức mạnh của từ xin lỗi còn lớn hơn cảm ơn.
(3) Nếu toa thuốc cảm ơn có thể trị bệnh khiếm nhã, vô ơn, ích kỉ thì toa thuốc xin lỗi có thể trị được bệnh tự cao tự đại, coi thường người khác. Vì thế, hãy để cảm ơn và xin lỗi trở thành hai từ thông dụng trong ngôn ngữ hàng ngày của chúng ta.
(Theo http://tin.tuyensinh247.com/de-thi-thpt-quoc-gia-mon-van)
Câu 1. Hãy ghi lại câu văn nêu khái quát chủ đề của đoạn trích trên.
Trả lời
Câu văn nêu khái quát chủ đề của văn bản: Văn hóa ứng xử từ lâu đã trở thành chuẩn mực trong việc đánh giá nhân cách con người.
Câu 2: Vấn đề chính được bàn đến trong đoạn trích trên?
Trả lời
Vấn đề chính được nói đến là: Văn hóa "xin lỗi" và "cảm ơn" - ý nghĩa, tầm quan trọng của nó.
Câu 3. Trong đoạn (1), tác giả chủ yếu sử dụng thao tác lập luận nào?
Trả lời
Thao lác lập luận bình luận, bác bỏ
Câu 4. Hãy giải thích vì sao tác giả lại cho rằng: Toa thuốc xin lỗi có thể trị được bệnh tự cao tự đại, coi thường người khác?
Trả lời
Tác giả cho rằng khi toa thuốc xin lỗi có thể trị được bệnh tự cao tự đại, coi thường người khác, bởi vì lời xin lỗi sẽ giúp ta sống thật với lòng, tâm hồn thanh thản, biết nhận ra khiếm khuyết, lỗi sai và sửa lỗi để hoàn thiện bản thân.
Câu 5. Anh/chị có đồng tình với ý kiến “toa thuốc xin lỗi có thể trị được bệnh tự cao tự đại, coi thường người khác” không? Vì sao?
Trả lời
Đồng ý với ý kiến "toa thuốc xin lỗi có thể trị được bệnh tự cao tự đại, coi thường người khác” vì : lời xin lỗi sẽ giúp ta sống thật với lòng, tâm hồn thanh thản, biết nhận ra khiếm khuyết, lỗi sai và sửa lỗi để hoàn thiện bản thân.
Câu 6. Anh (chị) hãy nêu ít nhất 02 ý nghĩa của việc cảm ơn và xin lỗi theo quan điểm riêng của mình.
Trả lời
- Ý nghĩa của lời cảm ơn:
+ Thể hiện sự trân trọng, yêu mến những điều tốt đẹp mà người khác đã dành cho mình.
+ Là lời động viên, khích lệ cho những hành động tốt được tiếp tục nhân lên.
- Ý nghĩa của lời xin lỗi:
+ Giúp giải tỏa những khúc mắc, làm dịu đi những cơn nóng giận
+ Làm con người cũng nhờ đó mà sống vị tha hơn.
Câu 7. Từ văn bản trên, anh/chị rút ra được bài học gì cho bản thân?
Trả lời
Bài học rút ra cho bản thân : Chúng ta cần biết nói lời xin lỗi khi làm sai một việc nào đó và cần biết nói lời cảm ơn đối với những người đã giúp đỡ chúng ta trong lúc khó khăn. Lời cảm ơn hay lời xin lỗi không chỉ đem niềm vui tới người nhận, chúng còn giúp cho các mối quan hệ giữa người với người trở nên tốt đẹp hơn. Không những vậy, lời cảm ơn và xin lỗi còn giúp cho con người bao dung và vị tha hơn.