Hướng dẫn trả lời đề Đọc hiểu Quê Hương (Trúc Quỳnh) chi tiết, chính xác giúp bạn ôn luyện đề thi Ngữ văn Đọc hiểu đạt kết quả cao.
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
QUÊ HƯƠNG
(1) Quê hương giản dị chẳng đâu xa
Bãi mía vườn rau với ruộng cà
Khóm trúc bờ đê chiều nhạt nắng
Dập dờn sóng lúa chạy la đà
(2) Quê hương mộc mạc chẳng kiêu sa
Mái lá đơn sơ dưới nắng tà
Khói toả lam chiều thơm gạo mới
Du dương tiếng gió hát ngân nga
(3) Quê hương sách sử đã in ra
Một dải cong cong khảm ngọc ngà
Núi đá chênh vênh bên biển lớn
Rừng xanh suối mát trải muôn hoa
(4) Quê hương êm ả những lời ca
Điệu Bắc Nam ai thật mặn mà
Xứ Huế Trường Tiền thôn Vỹ Dạ
Ai nghe thấy tiếng cũng mơ ra
(5) Quê hương nhuộm đỏ bởi phù sa
Chín nhánh rồng bay tạo vóc ngà
Vựa lúa phì nhiêu xanh bát ngát
Đàn cò trắng lượn phía trời xa
(6) Quê hương mãi mãi ở trong ta
Dẫu có tha phương biệt mái nhà
Đất Tổ là gì ai cũng hiểu ...
Như là ... chỉ một Mẹ và Cha!
(Trúc Quỳnh)
Câu 1. Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào?
Câu 2. Nêu chủ đề của bài thơ?
Câu 3. Trong khổ thơ đầu, quê hương hiện lên qua những hình ảnh nào? Những hình ảnh đó gợi cho em suy nghĩ gì?
Câu 4. Chỉ ra và phân tích tác dụng của một biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ:
Quê hương mãi mãi ở trong ta
Dẫu có tha phương biệt mái nhà
Đất Tổ là gì ai cũng hiểu ...
Như là ... chỉ một Mẹ và Cha!
Câu 5. Nêu những thông điệp mà em nhận được sau khi đọc xong văn bản trên.
Trả lời câu hỏi
Câu 1.
Bài thơ trên được viết theo thể thơ: Bảy chữ.
Câu 2.
Nêu chủ đề của bài thơ: Tình yêu quê hương, đất nước
HS có thể : khắc họa vẻ đẹp quê hương đất nước ; ngợi ca vẻ đẹp quê hương đất nước, khắc họa vẻ đẹp thanh bình từ đó bộc lộ niềm tự hào…
Câu 3.
Trong khổ thơ đầu, quê hương hiện lên qua những hình ảnh: Bãi mía, vườn rau, ruộng cà, khóm trúc, bờ đê, sóng lúa…
=> HS chỉ cần nêu 3/ 6 chi tiết là được tối đa
=> Đó là những hình ảnh thân thuộc, gần gũi, giản dị, mộc mạc, đơn sơ.. .( HS có thể diễn đạt bằng từ ngữ khác nhưng đảm bảo đồng nghĩa )
Từ đó, thể hiện (bồi đắp) tình yêu quê hương đất nước; trân trọng, tự hào về vẻ đẹp của quê hương
Câu 4.
Chỉ ra và phân tích tác dụng của 1 biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ.
HS có thể chỉ ra và phân tích những biện pháp tu từ sau:
- Biện pháp tu từ so sánh: Quê hương (Đất Tổ) – người mẹ, cha
- Tác dụng:
+ Nhấn mạnh tầm quan trọng của quê hương đối với mỗi con người; thể hiện tình cảm yêu mến, gắn bó sâu nặng giữa quê hương với con người.
+ Đánh giá về tài năng của tác giả
- Biện pháp tu từ: Hoán dụ : “ biệt mái nhà”: chỉ mái ấm
-> Thể hiện tình cảm gắn bó với quê hương
Câu 5.
Thông điệp: Quê hương là cội nguồn và là điều giản dị thân thuộc đối với tất cả mọi người, nơi chứa đựng nhiều vẻ đẹp. Vậy nên mỗi con người đều phải biết trân quý và tự hào về quê hương.