Hướng dẫn trả lời đề Đọc hiểu Những cánh đồng mùa thu chi tiết, chính xác giúp bạn ôn luyện đề thi Ngữ văn Đọc hiểu đạt kết quả cao
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Những cánh đồng mùa thu
Những cánh đồng mùa thu
Con chim chào mào ăn rồi nhả hạt
Những bông lúa cầu vồng vươn ngút mắt
Lo âu bàn tay đợi hạt vuông tròn
Những cánh đồng vàng hơn mỗi hoàng hôn
Màu no ấm hòa trong màu trời đất
Phù sa đỏ sông nước ngọt lòng như mật
Thì thầm khua bến nước, chiếc thuyền xuôi
Những cánh đồng cô đơn ngủ lịm giữa tháng mười
Khi hạt lúa bồi hồi phơi mình trên sân gạch
Gió đi qua vùng nắng xối đập vào chân bức vách
Kể về tháng ngày xa cùng những nỗi nhọc nhằn
Bề bộn mây trời bầm lên màu trở trăn
Nói giản dị lời yêu mặt đất
Ôi tháng mười lo toan và tất bật
Cứ đến rồi đi, góa bụa những cánh đồng.
(Chỉ em và chiếc bình pha lê biết - Bình Nguyên Trang, NXB Hội Nhà văn, 2003, tr.30-31)
Đọc hiểu Những cánh đồng mùa thu
Câu 1: Khái quát những cảm nhận của nhân vật trữ tình biểu hiện trong từng thời điểm của “cánh đồng mùa thu”.
Câu 2: Trình bày cách hiểu của anh/chị về ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh “những cánh đồng mùa thu” và hình ảnh “tháng mười cứ đến rồi đi” trong bài thơ?
Câu 3: Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa được sử dụng trong những câu thơ sau:
Những cánh đồng cô đơn ngủ lịm giữa tháng mười
Khi hạt lúa bồi hồi phơi mình trên sân gạch
Câu 4: Anh/chị rút ra những bài học ý nghĩa nào qua đoạn thơ sau:
Những cánh đồng mùa thu
Con chim chào mào ăn rồi nhả hạt
Những bông lúa cầu vồng vươn ngút mắt
Lo âu bàn tay đợi hạt vuông tròn
Trả lời câu hỏi
Câu 1.
- Khi cánh đồng mùa thu trổ bông: những bông lúa có hình dáng như cầu vồng, vươn lên đầy sức sống.
- Khi cánh đồng lúa chín: cả cánh đồng ngập sắc vàng, ánh ngời một màu no ấm.
- Khi cánh đồng lúa vào thời điểm thu hoạch: cánh đồng chìm trong giấc ngủ cô đơn khi hạt lúa theo bàn tay người lao động về nhà; thấm thía những nhọc nhằn, lam lũ của người gieo hạt.
Câu 2.
- “Những cánh đồng mùa thu” (mùa thu hoạch): biểu tượng cho bức tranh thiên nhiên, cuộc sống sinh động; cho thành quả ngọt ngào sau những tháng ngày vất vả, gian lao…
- “Tháng mười cứ đến rồi đi”: biểu tượng cho sự chảy trôi của thời gian; cho quy luật bất biến của tạo vật và cuộc sống con người…
Câu 3.
- Phép tu từ nhân hóa: cánh đồng cô đơn, ngủ lịm; hạt lúa bồi hồi, phơi mình.
- Tác dụng:
+ Về nội dung: Khắc họa sinh động trạng thái, vẻ đẹp của cánh đồng, hạt lúa, của thiên nhiên trong mùa thu. Cánh đồng, hạt lúa có hành động, tâm trạng, cảm xúc giống như con người trong mùa thu hoạch. Đồng thời thể hiện tâm trạng bâng khuâng, bồi hồi, xúc động của nhân vật trữ tình trước hình ảnh cánh đồng cô đơn, bị bỏ quên giữa tháng mười; trước hình ảnh hạt thóc vàng phơi mình trên sân trong mùa thu hoạch; cùng nỗi nhọc nhằn, vất vả của những người nông dân.
+ Về nghệ thuật: Làm cho lời thơ trở nên sinh động, giàu hình ảnh, giàu giá trị biểu cảm.
Câu 4.
- Mỗi người cần có lòng biết ơn, trân trọng công sức lao động của người khác...
- Mỗi người cần có ý chí, nghị lực; tinh thần lạc quan để vươn lên, hướng tới ánh sáng của những điều tốt đẹp.
- Mỗi người cần có lòng kiên trì, nhẫn nại vượt qua mọi gian nan, vất vả; hi vọng vào những thành quả tốt đẹp phía trước…