logo

Đọc hiểu Ngừng phán xét

Trả lời câu hỏi Đọc hiểu Ngừng phán xét: Những con chim bồ câu lựa chọn cho mình một cách sống như thế nào? Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích? Theo tác giả, người hay phán xét nhất là người ra sao? Chỉ ra và nêu ngắn gọn hiệu quả của biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu văn “Thấy bảo nó kiếm mồi cũng vất vả lắm, không như chúng mình sung sướng, ngày ngày có người cho ăn”

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

“Những con chim bồ câu tụ tập với nhau trong một cái chuồng trên ngọn cây, chúng thấy con chim đại bàng sải cánh trên cao, bèn bàn luận:

- Eo ơi, gió đùng đùng thế kia mà nó cứ bay lên cao làm gì nhỉ. Không xuống đây như bọn mình có phải an toàn hơn không?

- Báu bở gì cái trò bay một mình, cô đơn bỏ xừ! Thấy bảo nó kiếm mồi cũng vất vả lắm, không như chúng mình sung sướng, ngày ngày có người cho ăn… Đúng là đồ dở hơi!

Đại bàng tung hoành trong cơn bão, rồi đi săn mồi về tổ, nó nào ngó xuống để suy nghĩ về mấy con chim bồ câu?

Rồi một ngày, người chủ mang mấy con chim ra thịt đãi khách. Trước khi bị cắt tiết, chúng tiếc nuối nhớ về hình ảnh con chim đại bàng.

Đại bàng vẫn đi săn mồi, nào hay biết gì về mấy con chim bồ câu?

Con người khác con chim ở chỗ được lựa chọn, không nhất thiết phải là đại bàng hay bồ câu, nhưng dù ngồi ở vị trí nào, chủ động cho cuộc sống của chính mình vẫn là tốt nhất. Và đừng bao giờ phán xét người khác khi họ không thèm để ý đến mình.

Những người không quản trị nổi chính cuộc sống của bản thân, thiếu tự tin nhất, buồn thay lại là những người hay phán xét nhất!”

(“Ngừng phán xét”, Ừ thì yêu! Đời có bao nhiêu, An Xinh Trương, NXB Phụ nữ, 2018, tr.156,157)

Đọc hiểu Ngừng phán xét

Đọc hiểu Ngừng phán xét

Câu 1: Những con chim bồ câu lựa chọn cho mình một cách sống như thế nào?

Câu 2: Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích

Câu 3: Theo tác giả, người hay phán xét nhất là người ra sao?

Câu 4: Chỉ ra và nêu ngắn gọn hiệu quả của biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu văn “Thấy bảo nó kiếm mồi cũng vất vả lắm, không như chúng mình sung sướng, ngày ngày có người cho ăn”

Câu 5: Anh/chị có đồng tình với quan điểm “Đừng bao giờ phán xét người khác” của tác giả không? Vì sao?


Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1:

Những con chim bồ câu lựa chọn cho mình một cách sống nhàn hạ, thảnh thơi và an toàn, vì vậy chúng có rất nhiều thời gian rảnh để phán xét về người khác

Câu 2:

Phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích: tự sự

Câu 3:

Theo tác giả, người hay phán xét nhất là người không quản trị nổi chính cuộc sống của bản thân, thiếu tự tin nhất

Câu 4:

Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn “Thấy bảo nó kiếm mồi cũng vất vả lắm, không như chúng mình sung sướng, ngày ngày có người cho ăn” là đối lập (kiếm mồi vất vả - sung sướng, ngày ngày có người cho ăn)

Hiệu quả: làm tăng sự kịch tính cho văn bản, làm nổi bật lên sự đối lập về hai cách sống, cách suy nghĩ của bồ câu và đại bàng. Đại bàng chọn cách sống vất vả nhưng tự do, còn bồ câu có cuộc sống an toàn nhưng mất đi sự tự do của mình.

Câu 5:

Em đồng tình với quan điểm “Đừng bao giờ phán xét người khác" của tác giả vì việc phán xét người khác là hành động không đúng với chuẩn mực đạo đức. Chúng ta không sống cuộc sống của họ, không thể đặt mình vào vị trí đó, không thể hiểu được những gì họ trải qua nên không thể phán xét những việc mà họ làm. Mỗi người sẽ có những trải nghiệm riêng trong cuộc sống, chúng ta không thể đánh giá mọi thứ một cách phiến diện được. Vì vậy, hãy ngừng phán xét người khác, thay vào đó chúng ta có thể tìm hiểu và góp ý cho cuộc sống của mỗi người, cùng nhau tốt lên mỗi ngày.

---------------------------------- 

Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các bạn những kiến thức bổ ích qua bài Đọc hiểu Ngừng phán xét. Hi vọng những kiến thức trên sẽ giúp các bạn đạt được kết quả cao trong học tập.

icon-date
Xuất bản : 25/05/2023 - Cập nhật : 19/08/2023