logo

Trả lời 9 câu hỏi Đọc hiểu Ngọn gió và cây sồi

icon_facebook

Hướng dẫn trả lời đề Đọc hiểu Ngọn gió và cây sồi, chính xác giúp bạn ôn luyện đề thi Ngữ văn Đọc hiểu đạt kết quả cao

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Ngọn gió và cây sồi

Một ngọn gió dữ dội băng qua khu rừng già. Nó ngạo nghễ thổi tung tất cả các sinh vật trong rừng, cuốn phăng những đám lá, quật gẫy các cành cây. Nó muốn mọi cây cối đều phải ngã rạp trước sức mạnh của mình. Riêng một cây sồi già vẫn đứng hiên ngang, không bị khuất phục trước ngọn gió hung hăng. Như bị thách thức ngọn gió lồng lộn, điên cuồng lật tung khu rừng một lần nữa. Cây sồi vẫn bám chặt đất, im lặng chịu đựng cơn giận dữ của ngọn gió và không hề gục ngã.
Ngọn gió mỏi mệt đành đầu hàng và hỏi:
- Cây sồi kia! Làm sao ngươi có thể đứng vững như thế?
Cây sồi già từ tốn trả lời:
- Tôi biết sức mạnh của ông có thể bẻ gẫy hết các nhánh cây của tôi, cuốn sạch đám lá của tôi và làm thân tôi lay động. Nhưng ông sẽ không bao giờ quật ngã được tôi. Bởi tôi có những nhánh rễ vươn dài, bám sâu vào lòng đất. Đó chính là sức mạnh sâu thẳm nhất của tôi. Nhưng tôi cũng phải cảm ơn ông, ngọn gió ạ! Chính cơn điên cuồng của ông đã giúp tôi chứng tỏ được khả năng chịu đựng và sức mạnh của mình.

(Theo Viva Consunlting - Hạt giống tâm hồn - Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2009, tr. 126 - 127)

Đọc hiểu Ngon gió và cây sồi

Câu 1. Văn bản Ngọn gió và cây sồi được viết theo thể loại nào?
 A. Truyện vừa. B. Truyện ngắn.                      
 C. Truyện dài.   D. Truyện cổ tích.

Câu 2. Văn bản trên được kể theo ngôi thứ mấy? 
 A. Ngôi thứ nhất. B. Ngôi thứ hai.
 C. Ngôi thứ ba. D. Ngôi thứ nhất và thứ ba.

Câu 3. Theo văn bản, vì sao ngọn gió không quật ngã được cây sồi?  
A. Vì cây sồi luôn tự tin, vững vàng trước mọi kẻ thù.
B. Vì cây sồi khỏe hơn ngọn gió rất nhiều.
C. Vì cây sồi có những nhánh rễ vươn dài, bám sâu vào lòng đất.   
D. Vì cây sồi có những cành lá xum suê, rợp đầy trời.

Câu 4. Trong câu: “Nó ngạo nghễ thổi tung tất cả các sinh vật trong rừng, cuốn phăng những đám lá, quật gẫy các cành cây” có mấy phó từ?  
A. Một.                                               B. Hai.
C. Ba.                                                 D. Bốn.

Câu 5. Theo em từ  hiên ngang trong câu văn sau: “Riêng một cây sồi già vẫn đứng hiên ngang, không bị khuất phục trước ngọn gió hung hăng” có nghĩa là gì?
A. Tỏ ra không chút sợ sệt, mà coi thường, bất chấp tất cả.
B. Tỏ ra đường hoàng, tự tin, không chịu khuất phục trước sự đe doạ.
C. Tỏ ra kiêu kì, ngạo mạn, tự coi mình hơn hẳn người khác.
D. Tỏ ra tự tin, tự hào một cách thái quá đến mức mất đi sự tôn trọng đối với người khác.

Câu 6. Thông điệp nào được rút ra từ văn bản trên?
A. Thất bại là mẹ của thành công, trải qua vấp ngã con người sẽ vững vàng vượt qua những trở ngại, khó khăn của cuộc sống.
B. Sáng tạo là con đường ngắn nhất dẫn đến thành công, chúng ta cần phải có sự sáng tạo khi đối mặt với những khó khăn, thử thách của cuộc sống.
C. Nghị lực và bản lĩnh vững vàng sẽ giúp con người vượt qua những trở ngại, khó khăn của cuộc sống.
D. Tình yêu thương là món quà quý giá nhất giúp con người vượt qua những khó khăn, trở ngại của cuộc sống.

Câu 7. Tìm những chi tiết, hình ảnh miêu tả cây sồi già khi bị ngọn gió dữ dội thổi qua?

Câu 8. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa trong câu văn sau: “Cây sồi vẫn bám chặt đất, im lặng chịu đựng sự giận dữ của ngọn gió và không hề gục ngã”.

Câu 9.
a. Hình ảnh ngọn gió và cây sồi tượng trưng cho những kiểu người nào trong xã hội?
b. Qua hai hình ảnh đó, em rút ra những bài học gì cho bản thân?

Trả lời câu hỏi

Câu 1: B

Câu 2: C

Câu 3: C

Câu 4: C

Câu 5: B

Câu 6: C

Câu 7:

- Khi bị ngọn gió dữ dội băng qua, hình ảnh cây sồi già hiện lên:
+ Vẫn đứng hiên ngang.
+ Không bị khuất phục.
+ Vẫn bám chặt đất.
+ Im lặng chịu đựng.
+ Không hề gục ngã.

Câu 8:

- Biện pháp tu từ:  Nhân hóa: Cây sồi bám chặt đất, im lặng chịu đựng, không hề gục ngã.

- Tác dụng của biện pháp tu từ: 
+ Làm cho câu văn trở nên giàu hình ảnh, sinh động, hấp dẫn, ấn tượng hơn; tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
+ Khiến cho hình ảnh cây sồi trở nên gần gũi với con người. Đồng thời gợi nên hình ảnh mạnh mẽ, kiên cường, nhẫn nại,... của cây sồi già trước sự giận dữ của ngọn gió.
+ Từ đó khuyên chúng ta cần bình tĩnh, kiên trì, nhẫn nại,...để vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

Câu 9:

a.Hình ảnh ngọn gió và cây sồi tượng trưng cho những kiểu người trong xã hội là:
+ Ngọn gió: Tượng trưng cho những người hung hăng, kiêu ngạo, suy nghĩ nông cạn, coi thường người khác,...
+ Cây sồi: Tượng trưng cho những người điềm đạm, dày dặn kinh nghiệm sống, khiêm tốn, dũng cảm, không chịu ngục ngã trước khó khăn, thử thách, ...
b.Học sinh rút ra được những bài học cho bản thân.
+ Cần bình tĩnh, nhẫn nại, kiên trì,... trước những khó khăn, thử thách.
+ Cần có lòng dũng cảm, sự tự tin, bản lĩnh vững vàng vượt qua những khó khăn, thử thách để đạt được thành công.
+ Không nên bỏ cuộc trước khó khăn, thử thách.
+ Không nên bi quan, tuyệt vọng, chán nản trước những khó khăn, thử thách. 
+ Không nên huênh hoang, kiêu ngạo và quá tự tin vào sức mạnh bản thân.

icon-date
Xuất bản : 19/08/2021 - Cập nhật : 19/12/2024

Câu hỏi thường gặp

Đánh giá độ hữu ích của bài viết

😓 Thất vọng
🙁 Không hữu ích
😐 Bình thường
🙂 Hữu ích
🤩 Rất hữu ích
image ads