Tuyển tập Bộ đề Đọc hiểu Một thời đại trong thi ca hay nhất. Tổng hợp, sưu tầm các đề Đọc hiểu Một thời đại trong thi ca có đáp án trả lời chi tiết, đầy đủ nhất.
Đọc đoạn trích trong “Một thời đại trong thi ca” và trả lời các câu hỏi sau:
“Bi kịch ấy họ gửi cả vào tiếng Việt. Họ yêu vô cùng thứ tiếng trong mấy mươi thế kỉ đã chia sẻ vui buồn với cha ông. Họ dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt. Tiếng Việt, họ nghĩ, là tấm lụa đã hứng vong hồn những thế hệ qua. Đến lượt họ, họ cũng mượn tấm hồn bạch chung để gửi nỗi băn khoăn riêng.”
(trích Một thời đại trong thi ca– Hoài Thanh)
Câu 1. Đoạn trích được viết theo phong cách ngôn ngữ nào ? Xác định các phương thức biểu đạt
được sử dụng (0.5 điểm)
Câu 2. Khi nói đến tình yêu tiếng Việt của các nhà thơ mới, tác giả đã dùng những từ, những hình ảnh thấm đượm tình cảm nào ? (0.25 điểm)
Câu 3. Cách diễn đạt “là tấm lụa đã hứng vong hồn những thế hệ qua” có nghĩa là gì ? (0.5 điểm)
Câu 4. Viết lại một câu thơ ở một trong các bài thơ “Vội vàng” (Xuân Diệu), “Tràng giang” (Huy Cận), “Đây thôn Vĩ Dạ” (Hàn Mặc Tử), “Tương tư” (Nguyễn Bính)… đã học để minh chứng cho tình yêu nước qua tình yêu tiếng Việt của các nhà thơ mới (0.25 điểm)
Lời giải
Câu 1.
– Đoạn văn thuộc phong cách ngôn ngữ khoa học
– Các phương thức biểu đạt được sử dụng: nghị luận, biểu cảm.
Câu 2.
– Những từ ngữ, hình ảnh thấm đượm tình cảm: gửi cả, yêu vô cùng, chia sẻ vui buồn, dồn tình yêu, tấm lụa đã hứng vong hồn, gửi nỗi băn khoăn riêng.
Câu 3.
– Cách diễn đạt hình ảnh “là tấm lụa đã hứng vong hồn những thế hệ qua” biểu đạt ý nghĩa: tiếng Việt rất trong sáng, giàu đẹp, phong phú, là giá trị tinh thần cao quý của dân tộc; tiếng Việt chất chứa vẻ đẹp tâm hồn của con người Việt Nam qua bao thế hệ vì tiếng Việt đã được sáng tạo, giữ gìn, trau chuốt bởi con người Việt Nam qua bao thế kỉ.
Câu4.
- Thí sinh viết lại một câu thơ ở một trong các tác phẩm của các nhà thơ: Xuân Diệu với “Vội vàng”.., Huy Cận với “Tràng giang”, Hàn Mặc Tử với “Đây thôn Vĩ Dạ” để chứng minh cho tình yêu tiếng Việt của tác giả đó
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi ở dưới:
“Đời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận”.
1. Nêu nội dung chính của đoạn trích trên
2. Chỉ ra 2 phép liên kết được sử dụng trong đoạn trích
3. Hày liệt kê ít nhất 4 từ chỉ trạng thái tình cảm của tác giả trong đoạn trích trên
4. Đoạn trích trên gợi cho anh/ chị suy nghĩ gì về phong trào thơ mới? Trả lời trong khoảng 3-5 câu
Lời giải
1. Nội dung: Cảm nhận chung của tác giả về thơ mới, nét đặc sắc trong sáng tác của một số nhà thơ tiêu biểu
2. Trả lời 2 trong 3 phép liên kết sau:Phép lặp, phép nối, phép liên tưởng
3. Phiêu lưu, điên cuồng, đắm say, bơ vơ, buồn,…
4. Gợi ý: Học sinh nêu suy nghĩ về phong trào thơ mới với các ý như: Phong trào gắn liền với sự thức tỉnh cái tôi cá nhân, diễn tả nỗi buồn và sự bế tắc của một thế hệ nhà thơ thời bấy giờ,…