logo

Đọc hiểu Kẻ mưu ma, người chước quỷ

Huyện Trìa là viên quan huyện xử kiện bất minh. Vì háo sắc, Huyện Trìa ngang nhiên biến công đường thành nơi tán tỉnh gái góa, xưng hô thớ lợ; xét xử thiên vị, tùy tiện, bất minh. Dưới đây là đề Đọc hiểu Kẻ mưu ma, người chước quỷ. Hãy cùng Toploigiai tham khảo bài viết này nhé!

Đọc hiểu Kẻ mưu ma, người chước quỷ

Câu 1: Phân tích tính cách của nhân vật Huyện Trìa qua hành động, lời nói của ông ta trong văn bản.

Trả lời:

- Huyện Trìa là viên quan mang nhiều thói hư tật xấu như: háo sắc, dại gái, sợ vợ; tham tiền; thích nhàn hạ hưởng thụ, chểnh mảng việc công; xử án ăn tiền, bất cần luật lệ; … (qua những lời bàng thoại).

- Huyện Trìa là viên quan huyện xử kiện bất minh. Vì háo sắc, Huyện Trìa ngang nhiên biến công đường thành nơi tán tỉnh gái góa, xưng hô thớ lợ; xét xử thiên vị, tùy tiện, bất minh (qua những lời đối thoại, phán quyết trong phiên tòa) .

Lưu ý: Đây không còn là hình ảnh một Huyện Trìa với vẻ ngoài đạo mạo nơi công đường, mà là một Huyện Trìa đang đêm lẻn đến nhà Thị Hến trong tình trạng đã bị vợ “lột trần lột trụi”; một Huyện Trìa si mê Thị hến đến mức sẵn sàng tắt đuốc, “làm cú” , “làm ma” nhát vợ, một Huyện Trìa là đối tượng của hài tuồng mang lại những tràng cười hả hê cho người đọc, người xem.

Câu 2: Qua các lời thoại, văn bản cho thấy xung đột giữa hai nhân vật Huyện Trìa và Bà Huyện, vợ ông có quá trình nảy sinh, phát triển, lên đến cao trào (điểm đỉnh). Hãy tóm tắt quá trình ấy và làm rõ tác động qua lại giữa các nhân tố/ hành động và biểu hiện độ căng của xung đột theo mẫu bảng sau (làm vào vở):

Quá trình nảy sinh, phát triển xung đột giữa Huyện Trìa và Bà Huyện

Quá trình

Tác động qua lại giữa các nhân tố/ hành động

Độ căng của xung đột biểu hiện qua lời thoại

Nảy sinh

 

 

Phát triển

 

 

Cao trào/ Điểm đỉnh

 

 

Trả lời:

Qua các lời thoại, văn bản cho thấy xung đột giữa hai nhân vật Huyện Trìa và Bà Huyện, vợ ông, có thể tóm tắt quá trình nảy sinh, phát triển, lên đến cao trào (điểm đỉnh) của xung đột như sau:

Quá trình nảy sinh, phát triển xung đột giữa Huyện Trìa và Bà Huyện

Quá trình

Tác động qua lại giữa các nhân tố/ hành động

Độ căng của xung đột biểu hiện qua lời thoại

Nảy sinh

Tại nhà Huyện Trìa, trước khi Thị hến cho Gia đinh đến mời Huyện Trìa

- Lời Đề Hầu tố Huyện Trìa với Bà Huyện.

- Huyện Trìa oán trách vợ.

- Bà Huyện theo dõi, biết rõ sự việc, nổi cơn thịnh nộ, lột trng phục của Huyện Trìa để trói chân chồng.

Bà Huyện:

Mụ phen này quyết phá tan hoang

Ông đã đành bạc ngãi bạc tình,

Mụ cũng quyết lột trần lột trụi

Phát triển

Tại nhà Huyện Trìa, khi Gia đinh của Thị Hến đến mời Huyện Trìa

- Huyện Trìa lấy cắp khăn, thay đổi hình dạng trốn vợ ra đi;

- Bị Bà Huyện canh chừng, Huyện Trìa vẫn quyết chí tìm cách lẻn đi.

Huyện Trìa:

Nghĩ vợ con quá chán

Nỗi duyên nợ băng xăng

Vào buồng kia ăn cắp cái khăn,

Ra ngõ nọ sửa sang nhan sắc.

Thói mụ thiệt hay ghen lặt vặt

Nghĩ mình đà lắm việc lăng nhăng.

Chỉ Thanh Hà nhẹ gót phăng phăng

Mang nón ngựa chúc ba phơi phới

Cao trào/ Điểm đỉnh

 

Trên đường Huyện Trìa đến nhà Thị Hến

- Đêm tối Bà Huyện vẫn cố đuổi theo

- Huyện Trìa tắt đuốc, giả làm tiếng cú, Bà Huyện sợ trời tối, sợ ma không dám đuổi theo, nhưng vô cùng căm tức.

Bà Huyện:

Bất ngãi! Chơn bất ngãi!

Mưu thâm! Quả mưu thâm!

Tắt đuốc đi đường sá chẳng thấy tăm

Trời tối quá bụi bờ không lướt tới.

Tại ta hay ghen dại,

Nên chồng phải làm ma

(Nói thiệt) Ông dầu ló cổ về nhà

Mụ quyết ra tay xé lỗ!

Đọc hiểu Kẻ mưu ma, người chước quỷ

Câu 3: Cho biết, theo bạn:

a. Có thể xem các lớp tuồng trên đây là những màn hài kịch hay không? Vì sao?

b. Có thể rút ra được những lưu ý gì về cách đọc hiểu một văn bản tuồng qua việc đọc văn bản trên?

Trả lời:

a. Trên thực tế, Kẻ mưu ma, người chước quỷ (trích vở tuồng Nghêu, Sò, Ốc, Hến) về mặt thể loại là tuồng đồ. Nhưng tuồng đồ cũng là tuồng hài, sử dụng nhiều thủ pháp trào phúng của hài kịch dân gian. Ở đó các nhân vật Đề Hầu, Huyện Trìa, Bà Huyện đều hiện thân cho cái thấp kém và các xung đột nảy sinh giữa các nhân vật này là xung đột giữa cái kém và cái thấp kém. Vì thế, có thể xem Kẻ mưu ma, người chước quỷ là một màn hài kịch, trong một vở hài kịch lớn: Nghêu, Sò, Ốc, Hến.

b. Một số lưu ý khi đọc hiểu phân tích văn bản tuồng:

- Nắm vững một số khái niệm làm công cụ cho việc đọc kịch nói chung, đọc kịch bản tuồng nói riêng: hành động kịch, xung đột kịch; nhân vật kịch, cốt truyện kịch, ngôn ngữ kịch; màn, lớp; đối thoại, độc thoại, bàng thoại, chỉ dẫn sân khấu, thủ pháo trào phúng,…

- Vận dụng các khái niệm công cụ để đọc hiểu; đặc biệt phải chú ý xác định được hành động kịch, hành động của nhân vật, quá trình nảy sinh phát triển giải quyết xung đột theo lối tuồng hài và các thủ pháp trào phúng.

>>>Xem thêm: Đọc hiểu Tranh Đông Hồ - nét tinh hoa của văn hóa dân gian Việt Nam

Câu 4: Từ nhan đề, lời thoại trong văn bản và tóm tắt nội dung vở tuồng, bạn hãy:

a. Xác định vị trí của văn bản (trích) trên đây trong toàn thể vở tuồng Nghêu, Sò, Ốc, Hến.

b. Nêu một số bằng chứng cho thấy sự phù hợp/ chưa phù hợp (nếu có) giữa nhan đề với nội dung văn bản.

Trả lời:

a. Văn bản xoay quanh ý đồ và hành động hẹn hò vụng trộm giữa Huyện Trìa và Thị Hến. Hành động này xảy ra sau phiên tòa Huyện Trìa xử cho Thị Hến trắng án ở công đường. Đề Lại muốn có cái quyền thực hiện cuộc hẹn hò vụng trộm giữa y với Thị Hến nên tố giác với Bà Huyện để loại một tình địch. Huyện Trìa vẫn tìm cách đến nhà Thị hến, ông ta không hài, không áo, choàng khăn, tắt đuốc, giả tiếng cú nhát vợ.

b. Một văn bản có thể đặt nhiều nhan đề. “Kẻ mưu ma, người chước quỷ” là một nhan đề phù hợp với văn bản nêu trong bài tập vì mưu kế của Đề Hầu, Huyện Trìa, hành động của Bà Huyện đều có thể xem là “mưu ma, chước quỷ”, tạo nên xung đột giữa cái thấp kém với cái thấp kém được thể hiện trong văn bản.

Câu 5: Động cơ nào khiến Đề Hầu tố giác hành vi của Huyện Trìa với Bà Huyện ở lớp 14? Hành động, lời nói của Đề Hầu, phản ứng của Bà Huyện giúp bạn hiểu gì về tính cách của các nhân vật này?

Trả lời:

- Động cơ khiến Đề Hầu tố giác hành vi của Huyện Trìa với Bà Huyện ở lớp 14 là muốn một mình đến cuộc hẹn với Thị Hến, tán tỉnh ve vãn thị mà không bị Huyện Trìa đến phá hỏng.

- Tính cách của nhân vật Đề Hầu: háo sắc, phản thầy theo lối đưa chuyện, tố giác sau lưng kiểu “thọc gậy bánh xe”.

- Tính cách của nhân vật Hà Huyện: một quý bà nóng này, khi ghen thì lồng lộn; không ngần ngại uy hiếp, nhiếc móc, làm xấu mặt chồng.

Câu 6: Chỉ ra một số điểm tương đồng và khác biệt giữa hai nhân vật Đề Hầu và Huyện Trìa trong văn bản trên.

Trả lời:

Điểm tương đồng: Cả hai nhân vật đều là những gã dại gái, háo sắc, mê mẩn Thị hến, bất chấp thể diện và không từ một hành vi, mưu chước thấp kém khôi hài nào (vì thế, về sau đều mắc lỡm Thị Hến).

Điểm khác biệt: Đề Hầu tỏ ra gian xảo, nhỏ nhen; Huyện Trìa vừa sợ vợ vừa tệ bạc với vợ; một ông quan bị chính vợ mình hạ bệ thảm hại trước mắt thiên hạ, dại gái đến mức không còn biết thế nào là điếm nhục.

icon-date
Xuất bản : 01/10/2022 - Cập nhật : 19/11/2022