logo

Đọc hiểu Bí quyết thành công của Bill

Tuyển tập Bộ đề Đọc hiểu Bí quyết thành công của Bill hay nhất. Tổng hợp, sưu tầm các đề Đọc hiểu Bí quyết thành công của Bill đầy đủ nhất.


Đọc hiểu Bí quyết thành công của Bill - Đề số 1

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu nêu dưới đây:

Mỗi người trên thế giới đều là những người khách bộ hành, mỗi ngày đều bước đi một cách chủ động hoặc bị động trên con đường mình đã chọn…

Cuộc đời không chỉ là con đường đi khó, đôi khi chúng ta còn gặp phải những hố sâu do người khác đào ra, gặp phải sự tấn công của thú dữ, mưa bão và tuyết lạnh. Bất luận gian khó thế nào, chỉ cần chúng ta còn sống, chúng ta còn phải đối mặt. Sống tức là thực hiện một cuộc hành trình không thể trì hoãn…

Trước muôn vàn lối rẽ, không ai có được bản đồ trong tay, cũng không phải ai cũng có kim chỉ nam dẫn đường, tất cả đều phải dựa vào sự phán đoán và lựa chọn của bản thân. Nếu bạn rẽ nhầm lối, khoảng cách với xuất phát điểm sẽ bị rút ngắn ngược lại, nếu rẽ đúng, con đường phía trước sẽ bằng phẳng, rộng rãi.

(Trích Bí quyết thành công của Bill Gates, Khẩm Sài Nhân, NXB Hồng Đức)

Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản trên.

Câu 2: Chỉ ra và phân tích tác dụng của các biện pháp tu từ được sử dụng trong câu: Cuộc đời không chỉ là con đường đi khó, đôi khi chúng ta còn gặp phải những hố sâu do người khác đào ra, gặp phải sự tấn công của thú dữ, mưa bão và tuyết lạnh.

Câu 3: Anh/ Chị hiểu như thế nào về câu nói: Nếu bạn rẽ nhầm lối, khoảng cách với xuất phát điểm sẽ bị rút ngắn ngược lại, nếu rẽ đúng, con đường phía trước sẽ bằng phẳng, rộng rãi?

Câu 4: Thông điệp nào trong đoạn trích có ý nghĩa nhất với anh/chị?


Lời giải

Câu 1:

- Phong cách ngôn ngữ: chính luận

Câu 2:

- Các biện pháp tu từ trong câu:

+ So sánh: cuộc đời – con đường đi khó.

+ Ẩn dụ: những hố sâu do người khác đào ra/sự tấn công của thú dữ, mưa bão và tuyết lạnh – tượng trưng cho những cạm bẫy do con người tạo ra hoặc những khó khăn do thiên nhiên gây ra  trên đường đời.

+ Liệt kê những cạm bẫy, khó khăn trên đường đời: (gặp phải những hố sau do người khác đào ra, gặp phải sự tấn công của thú dữ, gặp phải mưa bão và tuyết lạnh).

- Tác dụng: biện pháp so sánh, liệt kê và ẩn dụ đã cho thấy vô vàn những khó khăn mà chúng ta sẽ gặp trên con đường đời. Bởi vậy cần có ý chí mạnh mẽ, niềm tin sắt đá và nghị lực để vượt qua mọi trở ngại đó.

Câu 3:

- Câu nói đã khẳng định trong cuộc đời nếu ta lựa chọn sai hướng đi sẽ khó có thể đi đến thành công, ngược lại nếu có quyết định lựa chọn đúng đắn sẽ mang đến những kết quả, thành công tốt đẹp.

Câu 4: 

Cần rút ra thôn điệp phù hợp , có thể rút ra những thông điệp sau:

- Thông điệp của tác phẩm:

+ Trong cuộc đời sẽ phải trải qua rất nhiều khó khăn, vấp ngã, thậm chí thất bại nhưng khi còn sống, còn hơi thở thì ta không ngừng nỗ lực, cố gắng.

+ Cuộc đời của chúng ta ra sao, thành công hay thất bại đều do chính mỗi chúng ta lựa chọn.

+ Cuộc sống có muôn vàn khó khăn thử thách, chúng ta không thể chọn cách trốn tránh mà cần phải đối mặt, đương đầu để vượt qua.

+ Trước muôn vàn ngã rẽ của cuộc đời, chúng ta cần suy nghĩ chín chắn, lựa chọn cẩn thận, trách nghiệm và quyết đoán để đưa ra những quyết định đúng đắn nhất.


Đọc hiểu Bí quyết thành công của Bill - Đề số 2


I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:

… Đáng tiếc, hiện nay rất nhiều thanh niên lại vứt bỏ quyền lựa chọn tương lai của mình, họ quen hoặc thích được người khác sắp xếp hơn, từ những việc nhỏ như thi vào trường đại học nào, học chuyên ngành gì, đến những chuyện lớn như đi đến nơi nào để phát triển sự nghiệp, lựa chọn ngành nghề nào, làm công việc gì.

Người khác có thể lựa chọn cho chúng ta phương hướng của cuộc sống nhưng không ai có thể chịu trách nhiệm đối với kết quả của cuộc đời chúng ta. Không phải họ không muốn mà là không thể chịu trách nhiệm, kể cả bố mẹ chúng ta.

…Giao tay lái chiếc xe cuộc đời mình vào tay người khác, chúng ta khó tránh được việc phải đóng vai hành khách.

Kinh nghiệm của những người thành đạt cho chúng ta thấy, bất kì một cuộc sống lí tưởng, hạnh phúc, thành đạt nào, về cơ bản cũng đều được quyết định bởi những lựa chọn và hành động của chính bản thân họ.

(Trích Bí quyết thành công của Bill Gates, Khẩm Sài Nhân, NXB Hồng Đức)

Câu 1. Chỉ ra phong cách ngôn ngữ của đoạn trích. (0,5 điểm)

Câu 2.“Đáng tiếc, hiện nay rất nhiều thanh niên lại vứt bỏ quyền lựa chọn tương lai của mình”. Anh/Chị có đồng tình với quan điểm đó của tác giả không, vì sao? (0,5 điểm)

Câu 3. Theo anh/chị vì sao tác giả cho rằng: “Người khác có thể lựa chọn cho chúng ta phương hướng của cuộc sống nhưng không ai có thể chịu trách nhiệm đối với kết quả của cuộc đời chúng ta”? (1,0 điểm)

Câu 4. Thông điệp nào trong đoạn trích có ý nghĩa nhất với anh/chị? (1,0 điểm)


II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu:“Giao tay lái chiếc xe cuộc đời mình vào tay người khác, chúng ta khó tránh được việc phải đóng vai hành khách”.

Câu 2. (5,0 điểm)

Về nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài, có ý kiến cho rằng:“Đó là một người phụ nữ lao động miền núi Tây Bắc vừa rất đáng thương vừa rất đáng khâm phục”.

Từ sự cảm nhận về nhân vật Mị, anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.


Lời giải

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

1. Phong cách ngôn ngữ của đoạn trích: Chính luận 

2. – HS trình bày quan điểm riêng của mình. Câu trả lời cần hợp lí, có sức thuyết phục.Tham khảo các hướng trả lời sau:

– Nếu đồng tình, vì: nhiều thanh niên sống ỷ nại, thụ động, quen hoặc thích được người khác sắp xếp hơn.

– Nếu không đồng tình, vì: Có rất nhiều bạn trẻ sống chủ động nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm và đã đạt được những thành công từ rất sớm.

– Nếu vừa đồng tình vừa phản đối: Kết hợp cả hai cách lập luận trên. 

3. Tác giả cho rằng: Người khác có thể lựa chọn cho chúng ta phương hướng của cuộc sống nhưng không ai có thể chịu trách nhiệm đối với kết quả của cuộc đời chúng ta vì:

– Mỗi lựa chọn sẽ đều tác động trực tiếp lên cuộc sống của chính mỗi chúng ta chứ không phải của ai khác.

– Không ai có thể đi cùng ta hết cả cuộc đời, mỗi chúng ta sẽ là người đầu tiên và cũng là người cuối cùng chịu hậu quả hoặc kết quả từ những lựa chọn cho cuộc sống của chính bản thân mình.

4. HS trình bày quan điểm riêng của mình. Câu trả lời cần hợp lí, có sức thuyết phục. Tham khảo các hướng trả lời sau:

– Cần làm chủ cuộc sống của chính bản thân mình.

– Mỗi lựa chọn trong cuộc sống đều liên quan trực tiếp đến thành bại của mỗi người. Vì vậy chúng ta cần suy nghĩ chín chắn, cẩn trọng, trách nhiệm và quyết đoán để có những lựa chọn đúng đắn.

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Yêu cầu về kĩ năng:

– Biết cách viết đoạn văn nghị luận xã hội, vận dụng tốt các thao tác lập luận để giải quyết vấn đề một cách thuyết phục.

– Đoạn văn có bố cục mạch lạc; lập luận chặt chẽ; dẫn chứng tiêu biểu, xác đáng; hành văn trong sáng, giàu cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

Yêu cầu về kiến thức:

Có thể có những quan điểm khác nhau nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức, lẽ phải. Dưới đây chỉ là những định hướng cơ bản:

1. Giải thích: 0,5

– Giao tay lái chiếc xe cuộc đời mình vào tay người khác: Để người khác điều khiển cuộc đời của mình.

– đóng vai hành khách: rơi vào sự bị động.

Câu nói khẳng định: Nếu để người khác điều khiển, sắp xếp, quyết định thay, chúng ta sẽ rơi vào sự bị động trên con đường đi đến tương lai, xây dựng hạnh phúc cho chính bản thân mình.

2. Bàn luận, chứng minh: 1,0

Việc giao tay lái chiếc xe cuộc đời mình vào tay người khác để lại hậu quả nặng nề:

– Chúng ta sẽ ỷ nại, trông chờ, phó mặc cuộc đời mình vào sự sắp đặt của người khác; đánh mất đi sự chủ động trong việc lựa chọn và quyết định tương lai của chính mình.

– Chúng ta sẽ phải sống cuộc đời của người khác, đánh mất quyền được sống với đúng khả năng, khát vọng, đam mê của chính mình.

3. Bài học nhận thức và hành động: 0,5

– Không để hoàn cảnh làm chủ bản thân hay người khác lựa chọn và định đoạt cuộc đời mình, chấp nhận sự sắp xếp một cách vô điều kiện. Cần học cách tự quyết định và chịu trách nhiệm về những lựa chọn của bản thân mình.

– Tuy nhiên cũng cần lắng nghe, tham khảo một cách có chọn lọc ý kiến từ người khác để có được những quyết định đúng đắn, sáng suốt trong cuộc sống.

Lưu ý: Nếu viết không đúng hình thức đoạn văn thì trừ 0,5 điểm.

Câu 2 (5,0 điểm)

Yêu cầu về kĩ năng:

Hiểu đề, biết cách làm bài văn nghị luận văn học. Biết phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Hành văn trôi chảy. Văn viết có cảm xúc. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.

Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau song cần đáp ứng được những ý cơ bản sau:

1. Giới thiệu chung: Tác giả Tô Hoài, tác phẩm Vợ chồng A Phủ và nhân vật 0,5

2. Giải thích ý kiến: 0,5

– Là người phụ nữ lao động miền núi đáng thương: số phận bất hạnh, sống kiếp nô lệ, chịu sự áp bức bóc lột của bọn phong kiến, chúa đất.

– Là người phụ nữ lao động miền núi đáng khâm phục: có ý thức phản kháng và sức sống tiềm tàng mãnh liệt.

Ý kiến khẳng định về nhân vật Mị là một người phụ nữ có số phận bất hạnh đáng thương nhưng lại có sức sống mãnh liệt đáng khâm phục.

3. Phân tích, chứng minh 3,5

a) Mị là người phụ nữ lao động miền núi rất đáng thương: 1,75

– Vì món nợ truyền kiếp từ thời cha mẹ, Mị buộc phải trở thành con dâu gạt nợ cho nhà thống lí, sống kiếp đời nô lệ – không bằng con trâu, con ngựa:

+ Mị bị tước đoạt tự do, tước đoạt tình yêu, hạnh phúc.

+ Mị bị bóc lột đến tận cùng về sức lao động, đẩy vào thói quen nô lệ – ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi.

+ Mị bị chà đạp về thể xác:

+ Mị bị giam hãm về tinh thần.

– Dưới sự áp chế của cường quyền, thần quyền, Mị từ một cô gái trẻ trung, yêu đời, rơi vào kiếp sống câm lặng, vô cảm – lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa; lúc nào cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi…

b) Mị là người phụ nữ lao động miền núi rất đáng khâm phục 1,75

– Mị có sự phản kháng mãnh liệt khi biết mình phải làm con dâu gạt nợ cho nhà thống lí: từ chối cuộc hôn nhân, làm nương để trả nợ; bị bắt về làm dâu, hàng tháng trời đêm nào Mị cũng khóc; Mị có ý định ăn lá ngón để tự tử…

– Mị có sức sống tiềm tàng, khao khát tình yêu, hạnh phúc: Trong đêm tình mùa xuân, dưới tác động của rượu, của tiếng sáo, Mị thức dậy lòng yêu đời, yêu sống– Mị thấy mình còn trẻ. Mị muốn đi chơi.

– Mị có sức sống mãnh liệt, khát vọng tự do và sự công bằng: Trong đêm đông cởi trói cho A Phủ, khi chứng kiến giọt nước mắt của A Phủ, Mị thương mình, thương người, phẫn nộ trước áp bức, bất công – chúng nó thật độc ác/ người kia việc gì mà phải chết… Điều đó thôi thúc Mị vượt lên trên cả nỗi sợ hãi cường quyền để cắt dây trói cho A Phủ. Khi nhìn thấy A Phủ vùng chạy, niềm khao khát sống đã thôi thúc Mị “cắt” nốt sợi dây trói của thần quyền và tự giải phóng cho chính mình: Mị đứng lặng trong bóng tối…/ A Phủ, cho tôi đi với, ở đây thì chết mất.

4. Bình luận, đánh giá 0,5

– Ý kiến trên hoàn toàn đúng đắn làm nổi bật nhân vật Mị là một người phụ nữ có số phận bất hạnh nhưng lại có sức sống tiềm tàng mãnh liệt và ý thức sâu sắc về giá trị một cuộc sống có ý nghĩa.

– Để làm nổi bật hình tượng, nhà văn đã đặt nhân vật vào hoàn cảnh, tình huống đặc biệt, khai thác triệt để các chi tiết nghệ thuật, đi sâu miêu tả tâm lí nhân vật: những trạng thái tâm lí mâu thuẫn, phức tạp được lí giải logic trong sự tương tác giữa tính cách với hoàn cảnh.

– Nhân vật Mị tiêu biểu cho cuộc đời, số phận và những phẩm chất tốt đẹp của con người lao động miền núi dưới ách áp bức bóc lột của bọn phong kiến, chúa đất.

– Nhà văn vừa bộc lộ tình yêu thương, sự đồng cảm vừa thể hiện những khám phá mới mẻ – phát hiện và khẳng định sức sống, khả năng cách mạng của những con người lao động nhỏ bé.

Điểm toàn bài là điểm tổng của các câu cộng lại, làm tròn đến 0,25

icon-date
Xuất bản : 29/05/2021 - Cập nhật : 29/05/2021