logo

Đề đọc hiểu Nhàn

Tuyển tập Bộ đề Đọc hiểu Nhàn hay nhất. Tổng hợp, sưu tầm các đề Đọc hiểu Nhàn có đáp án trả lời chi tiết, đầy đủ nhất.


Đề đọc hiểu Nhàn - Đề số 1 

Đề đọc hiểu Nhàn

       Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

       (…) Nguyễn Bỉnh Khiêm là người có học vấn uyên thâm. Vua Mạc cũng như các chúa Trịnh, Nguyễn có việc hệ trọng đều hỏi ý kiến ông và ông đều có cách mách bảo kín đáo, nhằm hạn chế chiến tranh, chết chóc. Mặc dù về ở ẩn, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn tham vấn cho triều đình nhà Mạc. Ông được phong tước Trịnh Tuyền hầu, Trình Quốc công nên có tên gọi là Trạng Trình.

       Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà thơ lớn của dân tộc. Ông để lại tập thơ chữ Hán Bạch Vân am thi tập ( khoảng 700 bài) và tập thơ chữ Nôm Bạch Vân quốc ngữ thi( khoảng trên 170 bài). Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm mang đậm chất triết lí, giáo huấn, ngợi ca chí của kẻ sĩ, thú thanh nhàn, đồng thời phê phán những điều xấu xa trong xã hội. Nhàn là bài thơ Nôm trong Bạch Vân quốc ngữ thi(…)

( Trích Nhàn, Trang 128, Ngữ văn 10, Tập I, NXBGD, 2006)

1/ Nêu những ý chính của văn bản trên .

2/ Văn bản trên gồm mấy đoạn? Xác định câu chủ đề của mỗi đoạn? Mỗi đoạn được triển khai bằng thao tác lập luận diễn dịch hay quy nạp?

3/ Thế nào là người có học vấn uyên thâm?

4/ Viết đoạn văn ngắn ( 5 đến 7 dòng) trả lời câu hỏi: bản thân em sẽ làm gì để có học vấn uyên thâm?

Lời giải

1/ Những ý chính của văn bản trên: Đánh giá về học vấn và sự nghiệp văn học của nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Giới thiệu xuất xứ bài thơ Nhàn.

2/ Văn bản trên gồm 02 đoạn. Xác định câu chủ đề của mỗi đoạn:

       + Đoạn 1: Nguyễn Bỉnh Khiêm là người có học vấn uyên thâm

       + Đoạn 2: Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà thơ lớn của dân tộc.

Mỗi đoạn được triển khai bằng thao tác lập luận diễn dịch.

3/Người có học vấn uyên thâm là người có hiểu biết sâu rộng, có kiến thức sâu sắc về một lĩnh vực nào đó.

4/ Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu:

- Hình thức: 

       - Đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, lập luận chặt chẽ;

- Nội dung: 

       - Từ tài năng và trí tuệ của Nguyễn Bỉnh Khiêm, thí sinh trả lời câu hỏi: bản thân em sẽ làm gì để có học vấn uyên thâm? Cụ thể: siêng năng, chăm chỉ, cần cù, sáng tạo trong học tập và rèn luyện. Có phương pháp học khoa học, tránh học vẹt, máy móc. Gắn học đi đôi với hành. Đam mê đọc sách. Có tinh thần vượt khó…


Đề đọc hiểu Nhàn - Đề số 2

       Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

“ Một mai, một cuốc, một cần câu

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn, người đến chốn lao xao

Thu ăn năng trúc, đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao

Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống

Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao.”

( Nhàn, Trang 128, Ngữ văn 10, Tập I,NXBGD, 2006)

1/ Văn bản trên có chủ đề là gì?

2/ Xác định nhịp thơ ở câu thơ 1? Nêu hiệu quả nghệ thuật của nhịp thơ đó?

3/ Xác định phép đối trong câu thơ 3 và 4? Nêu hiệu quả nghệ thuật của phép đối đó?

4/ Viết đoạn văn ngắn ( 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về lối sống đẹp trong cuộc sống hôm nay từ văn bản trên.

Lời giải

1/ Văn bản trên có chủ đề: Bài thơ Nhàn thể hiện được một cách sâu sắc cái thú và ý nghĩa triết lí trong lối sống nhà dật mà tác giả đã lựa chọn. Đó là quan niệm sống hoà hợp với tự nhiên, giữ cốt cách thanh cao, vượt lên trên danh lợi.

2/ Nhịp thơ ở câu thơ 1 là  2/2/3. Hiệu quả nghệ thuật của nhịp thơ đó: cho thấy cái chủ động, sẵn sàng, thanh thản của cụ Trạng Trình với cuộc sống điền dã và còn như có chút ngông ngạo trước thói đời.

3/Phép đối trong câu thơ 3 và 4: 

       Ta dại - Người khôn; tìm-đến; nơi vắng vẻ - chốn lao xao

       - Hiệu quả nghệ thuật của phép đối đó: vừa để khẳng định sự lựa chọn phương châm sống, cách ứng xử của tác giả- chọn lối sống tĩnh tại, an nhàn, không trang giành, vừa thể hiện sắc thái trào lộng, mỉa mai đối với cách sống ham hố danh vọng, phú quý.

4/ Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu:

- Hình thức: 

       - Đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, cảm xúc chân thành;

- Nội dung: 

       - Từ quan niệm, cách xử thế trong lối sống Nhàn của nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, thí sinh suy nghĩ về lối sống đẹp trong cuộc sống hôm nay. Đó là lối sống hoà hợp, gắn bó với thiên nhiên. Đó là sống và cống hiến, tránh xa những mưu toan, bon chen, giành giật lợi danh. Phê phán lối sống ích kỉ, sống vì tiền tài, danh vọng mà trở nên suy thoái đạo đức. Rút ra bài học nhận thức và hành động.


Đề đọc hiểu Nhàn - Đề số 3

       Đọc bài thơ sau và thực hiện những yêu cầu nêu ở dưới:

Một mai, một cuốc, một cần câu,

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,

Người khôn, người đến chốn lao xao.

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.

Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống,

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.

        (Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nhàn, Sgk Ngữ văn 10, Tập một, Nxb Giáo dục, 2006)

1. Trình bày xuất xứ, từ đó xác định văn tự của bài thơ (1 điểm).

2. Quan niệm về dại – khôn của tác giả trong bài thơ có gì đặc biệt? Qua đó, anh (chị) hiểu gì về nhân cách nhà thơ (2 điểm)?

Lời giải

1. Bài thơ nằm trong tập thơ Bạch Vân Quốc ngữ thi của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bài thơ được viết bằng chữ Nôm (Quốc âm)

2. Quan niệm về dại – khôn của tác giả:

       - Dại: “tìm nơi vắng vẻ” – nơi tĩnh tại của thiên nhiên, thảnh thơi của tâm hồn.

       - Khôn: “đến chốn lao xao” – chốn cửa quyền bon chen, thủ đoạn sát phạt.

=> Thực chất đó là một cách nói ngược: khôn mà khôn dại/ dại mà dại khôn của tác giả. Qua đó cho thấy trí tuệ sắc sảo và nhân cách cao quý, không màng danh lợi của nhà thơ.


Đề đọc hiểu Nhàn - Đề số 4

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:                       

“Một mai, một cuốc, một cần câu,

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,

Người khôn, người đến chốn lao xao.

Thu ăn năng trúc, đông ăn giá,

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.

Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống,

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.”

  (Nhàn, Trang 128, Ngữ văn 10, Tập I, NXBGDVN)

Câu 1 (0.5 điểm): Xác định nhịp thơ ở câu thơ 1? Nêu tác dụng của cách ngắt nhịp đó?

Câu 2 (1.0 điểm): Tìm biện pháp tu từ trong câu thơ 3 và 4? Hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ đó?

Câu 3 (0.5 điểm): Triết lí sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm được thể hiện như thế nào qua hai câu kết của bài thơ?

Câu 4 (1.0 điểm): Anh/chị hiểu như thế nào là nhàn? Quan niệm về chữ nhàn của tác giả trong bài thơ trên?

Lời giải

Câu 1:

       - Nhịp thơ ở câu thơ 1 là 2/2/3. (0,25 điểm)

       - Tác dụng của cách ngắt nhịp: cho thấy cái chủ động, sẵn sàng, thanh thản của Trạng Trình với cuộc sống điền dã, có chút ngông ngạo trước thói đời. (0,25 điểm)

Câu 2:

       - Biện pháp nghệ thuật tu từ trong câu thơ 3 và 4: Phép đối (Ta dại - Người khôn; nơi vắng vẻ - chốn lao xao) (0,5 điểm)

       - Hiệu quả nghệ thuật của phép đối đó: vừa để khẳng định sự lựa chọn phương châm sống, cách ứng xử của tác giả - chọn lối sống tĩnh tại, an nhàn, không tranh giành, vừa thể hiện sắc thái châm biếm, mỉa mai đối với cách sống mưu cầu danh lợi, ham danh vọng, phú quý của một bộ phận người. (0,5 điểm)

Câu 3:

       Danh vọng, tiền tài cũng chỉ là phù du, hư vô. Tất cả sẽ vô nghĩa sau một cái khép mắt khẽ khàng. Đó là cái nhìn của một bậc đại nhân, đại trí.

Câu 4:

Chữ nhàn được hiểu là:

       - Nhàn là có ít hoặc không có việc gì phải làm, phải lo nghĩ đến. (0,5 điểm)

       - Quan niệm về chữ nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm (0,5 điểm)

       + Là không tranh đua, không màng danh lợi, không bon chen, không cơ mưu, tự dục.

       + Là sống thanh thản, an nhiên, tự tại bởi những thú vui riêng của mình.

icon-date
Xuất bản : 12/06/2021 - Cập nhật : 13/06/2021