logo

Đặt câu có chứa từ "đi học"

Câu hỏi: Đặt câu có chứa từ "đi học"

Trả lời:

- Ngày mai, em đi học.

- Hôm nay tôi đi học bằng xe đạp.

- Tôi còn nhớ như in hình ảnh mẹ âu yếm dắt tay tôi đến trường trong ngày đi học đầu tiên của mình.

- Những ngày tháng được đi học, vui chơi cùng bạn bè là những ngày tháng tuyệt vời nhất.

Các em cùng Top lời giải tìm hiểu thêm về ý nghĩa của việc học tập nhé!


1. Nghị luận về tầm qua trọng của việc học

[CHUẨN NHẤT] Đặt câu có chứa từ "đi học"

     Nhà bác học Lênin đã từng nói "Học, học nữa, học mãi", qua câu nói của ông, chúng ta đã ngầm hiểu được tầm quan trọng của việc học và sự gắn bó mật thiết giữa việc học tập với cuộc sống của con người. Hay trong câu thành ngữ "Bộ lông làm đẹp con công, học vấn làm đẹp con người", chúng ta càng phải nhận thức sâu sắc hơn về vai trò và tầm quan trọng của việc học. Coi trọng việc học chính là coi trọng cuộc sống của chúng ta.

     Trước hết, chúng ta cần hiểu "việc học" ở đây cụ thể là "công việc" như thế nào. "Việc học" hay chính là "học tập", "học hành" hay "học hỏi", nói chung đây là một quá trình tiếp thu, thu nhập, bổ sung và trau dồi những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, giá trị và nhận thức mới mẻ. Có thể nói, đây là một khả năng bẩm sinh, vốn có thuộc sở hữu của không chỉ riêng loài người, liên quan đến nhiều những thông tin khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu và mục đích học tập của mỗi người. Học tập được coi là một quá trình, quá trình này có thể bài bản hoặc đơn sơ và không bắt buộc, bởi việc học tập là một phần của giáo dục và phát triển cá nhân. Tuy nhiên ngày nay, việc học tập đối với mỗi con người và mỗi xã hội đã tiến tới bắt buộc, bởi con người và xã hội nhận thức rõ tầm quan trọng của việc học đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người.

     Lịch sử nhân loại trải qua hàng nghìn năm đã để lại và lưu truyền cho các thế hệ sau, để có thể tiếp tục tiếp thu và lưu truyền tinh hoa trí tuệ đó chúng ta phải đi theo con đường học tập. Ngay từ nhỏ, chúng ta đã được học, đó là học ăn, học nói, học đi... lớn hơn chúng ta học thêm các kiến thức khoa học - nhân văn - xã hội, học về các mối quan hệ xã hội. Ở Việt Nam, người học sinh trải qua 12 năm học phổ thông, 3 - 6 năm trung cấp, cao đẳng và đại học rồi học các học vị thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư... Nhìn chung dù học ở cấp độ nào cũng có tầm quan trọng nhất định. Học tập giúp cá nhân con người hòa nhập với cộng đồng và giao lưu với xã hội, việc trau dồi kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm trong quá trình học tập sẽ giúp cho mọi công việc đạt được hiệu quả cao, ngày càng cải tiến hiện đại và không bị lạc hậu và thời đại. Trong thời đại công nghiệp hóa hiện đại hóa với những tiến bộ không ngừng của khoa học kĩ thuật, sức mạnh của con người chính là tri thức, mà tri thức chỉ có thể có được bằng cách học tập không ngừng nghỉ. Tri thức là tiền đề quan trọng nhất để sống trong kỉ nguyên số, có tri thức giống như người đi trong đêm tối mà có đèn soi sáng. Quá trình học không chỉ mang lại cho con người tri thức, kĩ năng và kinh nghiệm mà còn rèn giũa nhân cách, phẩm chất đạo đức con người. Học để biết được điều hay lẽ phải, học để biết phân biệt phải - trái, đúng - sai trong các mối quan hệ xã hội, và học để có thể thấu hiểu cái lý - cái tình, những quy luật trong xã hội. Một xã hội có học tập là một xã hội văn minh, tiên tiến, có nền tảng và có động lực để phát triển.

     Giả định như con người không học tập, thứ nhất là sẽ không thể tiếp thu và lưu truyền được những tinh hoa tri thức của nhân loại hàng ngàn năm, con người sẽ mãi sống trong thời tiền sử, không phát triển và không có xã hội loài người như bây giờ. Con người không học tập sẽ trở thành người lạc hậu, tách biệt với xã hội và không thể đóng góp cho xã hội. Giống như tình trạng một số công ty, xí nghiệp ở nước ta đòi hỏi bằng tốt nghiệp trung học phổ thông đối với các công nhân. Đòi hỏi ấy là thiết thực và phù hợp với yêu cầu công việc, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Tuy nhiên, vẫn biết việc học là quan trọng nhưng vẫn có những thành phần chưa nhận thức được tầm quan trọng đó, nhiều em học sinh bỏ học, chán học và không muốn đi học, chỉ thích đi chơi, giao du với các đối tượng xấu đi vào con đường tệ nạn. Những kẻ đó không chỉ không có tri thức mà còn mất đi nhân cách trở thành gánh nặng cho gia đình và nguy hại cho xã hội. Tri thức là vô tận, việc học không bao giờ là muộn và không bao giờ thừa, chỉ sợ chúng ta không muốn học mà thôi. Bản thân những người học sinh chúng ta phải cố gắng và nỗ lực học tập hơn nữa, không chỉ tiếp thu kiến thức trên ghế nhà trường mà cả ở ngoài xã hội, cố gắng hoàn thiện bản thân và giúp ích cho xã hội, đừng để lãng phí những cơ hội được học tập bởi rồi khi chúng ta có hối hận cũng không còn kịp nữa.

     Như vậy, có thể khẳng định rất rõ ràng rằng việc học có tầm quan trọng rất lớn đối với con người, nó là tiền đề quyết định đến sự tồn tại, hòa nhập và phát triển của con người trong xã hội. Cần phải nhận thức rõ tầm quan trọng của việc học để có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày cao của đất nước, xã hội trong những giai đoạn mới.


2. Nghị luận về ý thức học tập

     Học tập là mục tiêu suốt đời của mỗi người. Chúng ta hiện nay đang phấn đấu xây dựng một xã hội học tập, nhằm phát huy tối đa khả năng cũng như quyền được học tập của mỗi người. Có một câu ngạn ngữ của người Gruzia "Học tập là hạt giống của kiến thức, kiến thức là hạt giống của hạnh phúc".

     Thật vậy! Kiến thức không phải tự nhiên mà có. Đó là tích lũy hiểu biết của nhân loại, của cộng đồng, của nhiều thế hệ thông qua quá trình học tập mà thành. Học tập chính là quá trình tích lũy kiến thức! Câu ngạn ngữ trên đã có một ví von rất hay khi đưa ra hình ảnh "hạt giống" để nhấn mạnh tầm quan trọng của học tập. Hạt giống sẽ nảy nở phát triển thành cây. Quá trình học tập cũng như gieo hạt giống cho trí não và tâm hồn. Kiến thức nhiều cũng là kết quả tích lũy hạt giống để hứa hẹn một mùa bội thu. Kiến thức tốt, đầy đủ, phong phú sẽ gieo những hạt giống cho tương lai của mỗi con người. Tuy nhiên cần phải hiểu thấu đáo hơn câu ngạn ngữ này ở nghĩa bao quát của nó Hạt giống chuẩn bị không tốt, cây sẽ phát triển èo uột, cũng giống như kiến thức nông cạn ít ỏi khiến chúng ta gặp vô vàn khó khăn, lúng túng và bế tắc trong công việc. Và một người học tập được điều hay lẽ phải thì cũng chính là tích lũy hạt giống tốt, còn kiến thức lệch lạc, sai lầm thì như hạt giống xấu làm hủy hoại tư duy và tâm hồn, sẽ không tránh khỏi gây tác hại cho đời sống. Cũng như vậy, chỉ trên nền tảng một kiến thức đầy đủ mới có tương lai hạnh phúc. Bởi vậy, trong đời sống, ta gặp không ít những tấm gương đổi đời nhờ kiến thức.

   Tuy nhiên mối quan hệ học tập – kiến thức - hạnh phúc không chỉ được hiểu đơn giản một chiều mà cần phải thấy rõ mối quan hệ biện chứng nhân quả của nó. Ông bà ta cũng thường nói "gieo nhân nào, gặt quả ấy" như một cảnh tỉnh. Xét mối quan hệ trong ba yếu tố học tập – kiến thức - hạnh phúc cũng cần được nhìn nhận từ nhiều phía. Học tập đúng đắn, có phương pháp, có chọn lọc thì mới có kiến thức tốt, đa dạng, phong phú. Kiến thức tốt cần gắn với thức đem kiến thức ấy phục vụ cho xã hội và cho bản thân, không chỉ là những kiên thức thu lượm được theo kiểu thực dụng ích kỷ, vì nếu hạnh phúc của ta lại đem bất hạnh cho người khác thì cũng là chứng tỏ ta đã tích lũy hạt giống xấu cho chính ta, gieo mầm bất hạnh cho kẻ khác.

   Vì vậy, mỗi chúng ta phải xác định động cơ học tập đúng đắn, thu lượm kiến thức bổ ích, hướng tới hạnh phúc của cộng đồng hài hòa với hạnh phúc cá nhân. Có như vậy mới thật sự trở thành con người có ích cho xã hội

icon-date
Xuất bản : 23/09/2021 - Cập nhật : 24/09/2021

Tham khảo các bài học khác