Tổng hợp Dàn ý nghị luận về ý nghĩa của cách sống ở thế chủ động do Top lời giải sưu tầm và biên soạn. Qua dàn ý và các bài văn mẫu được biên soạn ngắn gọn, chi tiết, hay nhất dưới đây sẽ giúp các bạn có thêm tài liệu, các cách hành văn khác nhau, qua đó có thể tiếp cận vấn đề cần nghị luận với cái nhìn đa chiều, mới mẻ hơn. Mời các bạn cùng xem!
1. Mở bài:
- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận : "vai trò của sự chủ động, chuẩn bị trước những tình huống xấu của cuộc sống"
2. Thân bài:
- Giải thích khái niệm: "Chủ động", "Chuẩn bị trước"
- Nêu ví dụ, phân tích ví dụ
- Tác dụng:
- Không bối rối, lúng túng khi gặp tình huống xấu
- Có cách giải quyết thích hợp
- Đạt được thành công trong công việc
- Phát huy được hết khả năng của bản thân
- Hậu quả của việc không chuẩn bị trước với những tình huống xấu
- Mở rộng vấn đề,liên hệ thực tế, cách để chuẩn bị trước những tình huống xấu
3. Kết bài:
- Khẳng định lại vai trò của sự chủ động, chuẩn bị trước những tình huống xấu của cuộc sống
1. Mở bài
- Xác định vấn đề cần nghị luận: Sống ở thế chủ động có ý nghĩa với tuổi trẻ hôm nay.
2. Thân bài
- Giải thích:
+ Chủ động là tự mình hành động, không bị chi phối bởi người khác hoặc hoàn cảnh bên ngoài.
+ Sống ở thế chủ động là hành động độc lập với hoàn cảnh xung quanh, làm chủ được tình thế, dám nghĩ, dám hành động trên tất cả mọi lĩnh vực, chủ động tìm tòi, chủ động đề nghị, chủ động dấn thân…
- Bàn luận:
+ Cuộc sống luôn đặt tuổi trẻ vào những tình huống, thử thách phải chủ động tìm cách giải quyết;
+ Sống chủ động khiến con người tự tin, bản lĩnh, linh hoạt ứng xử trong mọi tình huống để vượt qua khó khăn, hoàn thành mục tiêu, khát vọng, ước mơ;
+ Tuổi trẻ chủ động sẽ không ngừng tạo được cơ hội mới khẳng định bản thân, đạt được thành công;
+ Xã hội có nhiều cá nhân sống chủ động sẽ tạo ra một bầu không khí dám nghĩ, dám làm, nâng cao chất lượng công việc và cuộc sống. (D/c minh họa)
+ Cần phê phán những bạn trẻ sống dựa dẫm, thiếu tự tin, thụ động: Sống ở thế chủ động cần thiết trong môi trường xã hội hôm nay, là một thái độ tích cực của tuổi trẻ trong thời đại toàn cầu hóa, đặc biệt không thể thiếu đối với công dân toàn cầu.
3. Kết bài
- Bài học: Tuổi trẻ cần tự tin, dám nghĩ, dám làm, chủ động sáng tạo tìm kiếm những cơ hội và xây dựng kế hoạch để chinh phục ước mơ.
Có ai trên đời này lại không muốn tự quyết định cuộc đời mình? Có ai muốn nhất nhất nghe theo sự chỉ huy của người khác? Muốn thế chỉ có cách ta phải “sống ở thế chủ động”.
Chủ động – có thể được hiểu là tự mình lập kế hoạch, thực hiện, và chịu trách nhiệm với mọi vấn đề trong cuộc sống mà không chịu sự chi phối bởi hoàn cảnh bên ngoài. Có thể ví cuộc sống mỗi chúng ta như một chặng đường, thì chủ động chính là chúng ta biết được hướng đi, tốc độ, điểm dừng, đích đến, chính vì thế mà người chủ động thường dễ thành công hơn. Chỉ có sống trong thế chủ động, Bác mới hướng mình sang phương Tây, để tìm hiểu cuộc sống nhân dân bên đó, để tìm ra con đường cứu nước cứu dân. Chỉ có sống và làm chủ bản thân, Bill Gate hay Mark mới bỏ ngang trường đại học danh giá nhất nước Mỹ để thực hiện ước mơ của mình. Và cũng chỉ có thế chủ động, bất cứ ai trong chúng ta mới có thể sẵn sàng đối diện với sóng gió. Người xưa đã từng than thở “gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu?”, thế hệ thanh niên của chúng ta ngày hôm nay không thể bị động như thế, không thể đóng vai “hành khách” trên chuyến xe mà người khác cầm lái. Có thể chúng ta chưa làm được điều gì to lớn, nhưng ít nhất sáng mai ăn gì, học như thế nào, thi trường gì, chúng ta hãy chủ động quyết định. Người chủ động phải là người luôn cầu tiến, ham học hỏi, rèn luyện và chuẩn bị hành trang cần thiết cho chuyến đi của mình.
Làm gì có người leo núi nào lại không chuẩn bị thể lực, đồ dùng, làm gì có người gương buồm ra khơi nào mà không biết trước hướng đi. Điều đó có nghĩa, chủ động nhưng không liều lĩnh, chủ động cần tỉnh táo, tham khảo ý kiến mọi người, hạn chế mức thấp nhất sai lầm, thất bại, sẵn sàng đối diện với khó khăn.
Cuộc sống khắc nghiệt luôn tồn tại vô vàn khó khăn và bất ngờ đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng thích nghi và giải quyết vấn đề. Thật vậy, để làm được điều đó mỗi người trong chúng ta đều rất cần sự chủ động để giải quyết những tình huống xấu có thể xảy ra trong cuộc sống.
Vậy theo các bạn chủ động là gì? Tại sao chúng ta lại cần phải chuẩn bị trước những tính huống xấu? Trước tiên, chủ động là có thể tự mình xoay sở, có biện pháp đối phó và khắc phục, không bị bất ngờ dẫn đến bất động không thể phản ứng được. Chúng ta luôn cần phải chuẩn bị trước những tình huống có thể xảy đến và trong cuộc đời hữu hạn này, cơ hội chỉ đến trong phút chốc, nếu chúng ta không biết nắm bắt sẽ hối hận cả đời. Việc chuẩn bị trước những tình huống xấu giúp ta có sự nhanh gọn trong việc xử lý mọi việc, ít tổn thất và đạt được mục đích của mình. Bạn sẽ không trở nên lúng túng hay sững sờ vì những gì xảy ra bởi chăng mọi chuyện đều đã được bạn dự đoán và bạn biết phải làm thế nào cho đúng.
Cuộc sống luôn mang đến những điều bất ngờ và khó lý giải. Bởi vậy, chúng ta phải luôn trong tâm thế chủ động và sẵn sàng đón nhận, giải quyết. Chúng ta càng giải quyết vấn đề nhiều thì càng trở nên nhạy bén và nhanh nhẹn với các tình huống trong cuộc sống. Một ví dụ rất gần gũi mà trong chúng ta ai cũng trải qua đó là những bài kiểm tra bất chợt khi bắt đầu môn học. Đó thực sự cũng chẳng phải là tình huống xấu nhưng với lứa tuổi học sinh thì những bài kiểm tra như thế sẽ trở thành cơn ác mộng nếu không thể làm được. Khi được thông báo có bài kiểm tra 15 phút chắc hẳn ai cũng sẽ hoàn mang và bắt đầu lo lắng, thế nhưng nếu chúng ta luôn học bài cũ và chuẩn bị bài mới ở nhà thì sẽ không có nhiều lo lắng như vậy, công việc tiếp theo của chúng ta chỉ là chờ cô giáo phát đề và đặt bút làm trong khi các bạn xung quanh đang hoảng loạn tìm người giúp đỡ. Vậy là, nếu có chuẩn bị trước chúng ta sẽ được ở trong trạng thái chủ động và đạt được kết quả tốt trong công việc.
Chuẩn bị trước những tình huống xấu trong trong cuộc sống rất quan trọng ngay cả khi công việc của bạn đang thuận buồm xuôi gió. Có thể hiện tại, bạn đang là một học sinh giỏi, nhưng cũng đừng quá tự mãn về thành tích của mình, việc học là không ngừng trau dồi và rèn luyện, vì vậy, nếu bạn không tiếp tục chăm chỉ và rèn luyện rồi sẽ có một ngày thành tích của bạn đi xuống vì lượng kiến thức hao hụt ngày càng nhiều. Học là một quá trình nối tiếp không ngừng nghỉ và khi bạn không có được kiến thức nền tảng thì sẽ không thể học được nâng cao, và như bạn đã biết những bài kiểm tra thường không ở mức độ trung bình và cơ bản như sách giáo khoa. Vì vậy đừng dừng lại ngay cả khi bạn đã có được thành công!
Việc chủ động, chuẩn bị trước những tình huống cũng đúng với việc kinh doanh buôn bán. Giả sử ở thời điểm hiện tại mặt hàng mà bạn kinh doanh rất thu hút thị hiếu người dân và bán chạy, nhưng rồi vì ham mê lợi nhuận mà bạn chỉ tập trung vào việc sản xuất mà bỏ qua bước nghiên cứu thị trường thì chỉ sau một thời gian ngắn, công việc kinh doanh của bạn sẽ đổ bể bởi sở thích của con người rất dễ thay đổi. Nó phụ thuộc vào từng thời điểm và chịu tác động bởi nhiều nhân tố bên ngoài, vậy nên chuẩn bị trước những tình huống xấu có thể xảy ra là rất quan trọng, tự tin với khả năng của bản thân là tốt nhưng đồng thời cũng nên không ngừng nghi ngờ để tìm ra những lỗ hổng, những tình huống xấu để chủ động hơn nhằm giảm thiểu tổn thất và hậu quả.
Con người dù sống lành mạnh và may mắn đến đâu nhưng rồi cũng có thể mắc bệnh và khi ấy chúng ta phải chuẩn bị tâm lý để chiến đấu đẩy lùi bệnh tật. Khi tiêu dùng hằng ngày, chúng ta cũng nên tích góp dành dụm để phòng cho những lúc gặp khó khăn bởi bệnh tật. Chúng ta cũng cần có những mối quan hệ vững chắc để ủng hộ mình, giúp bản thân vượt qua khó khăn. Họ sẽ trở thành hậu phương vững chắc mà sau này chúng ta cần đến.
Không một ai có thể dự đoán trước được điều gì sẽ xảy đến với mình trong tương lai, vậy nên, tất cả đều phải chủ động chuẩn bị với những tình huống xấu. Khi đã có chuẩn bị, chúng ta sẽ chủ động hơn trong việc giải quyết vấn đề, không bối rối lúng túng và có cách giải quyết thích hợp. Khi có sự chuẩn bị trước, chúng ta có thể phát huy hết khả năng của bản thân, từ đó giảm thiểu thiệt hại cũng như có cơ hội xoay chuyển tình thế gặt hái được thành công trong công việc của mình. Và ngược lại, nếu như không có chuẩn bị, chúng ta sẽ hoàn toàn bất lực trước những gì xảy ra, để rồi khi mọi việc trôi qua lại tiếc nuối để rồi nói giá như, nếu như mình làm thế này thì tốt. Và đó cũng là câu nói của đa số mọi người thường than vãn về sự thất bại của mình. Bí quyết của người thành công là không ngừng phấn đấu, không ngừng chuẩn bị để đón nhận những bất ngờ từ cuộc sống. Chỉ có mạnh dạn dấn thân vào khó khăn, mạo hiểm thì mới gạt hạt được thành công lớn vì vậy hãy dốc hết sức mình để tìm nước cờ đúng nhất cho bước đi của mình.
Cuộc sống là của bạn, lựa chọn sống như thế nào cũng là quyền của bạn nhưng nên nhớ rằng chuẩn bị trước không có gì là thừa, những cố gắng, công sức của bạn sau này ắt sẽ có câu trả lời xứng đáng vì vậy đừng từ bỏ, đừng vì đôi phút lười biếng mà hủy hoại cả sự nghiệp của mình. Khó khăn rồi sẽ qua, có công mài sắt rồi sẽ có ngày nên kim và bạn có thành công hay không đều phụ thuộc vào khả năng ứng biến trước những tình huống bất ngờ xảy đến trong công sống của mình. Nếu muốn thành công, nếu muốn có được kết quả tốt nhất hãy chủ động chuẩn bị trước những tình huống xấu của cuộc sống.
---/---
Như vậy, Top lời giải đã vừa cung cấp những dàn ý cơ bản cũng như một số bài văn mẫu hay nghị luận về ý nghĩa của cách sống ở thế chủ động để các em tham khảo và có thể tự viết được một bài văn mẫu hoàn chỉnh. Chúc các em học tốt môn Ngữ Văn !