logo

Dàn ý cảm nhận bài Chạy giặc của Nguyễn Đình Chiểu

Tham khảo Dàn ý Cảm nhận bài Chạy giặc của Nguyễn Đình Chiểu ngắn gọn, chi tiết, hay nhất. Qua các dàn ý sau đây sẽ giúp các bạn nắm được những ý chính và cách triển khai các luận điểm nhằm hoàn thiện bài viết một cách hoàn chỉnh nhất. Mời các bạn cùng tham khảo!


Dàn ý Cảm nhận bài Chạy giặc của Nguyễn Đình Chiểu -  Mẫu số 1

Dàn ý cảm nhận bài Chạy giặc của Nguyễn Đình Chiểu ngắn gọn nhất

Mở bài:

- Giới thiệu khái quát về Nguyễn Đình Chiểu: là một người chịu nhiều bất hạnh trong cuộc đời.

- Giới thiệu chung về hoàn cảnh ra đời bài thơ "Chạy giặc".

Thân bài:

a. Cảnh đất nước và nhân dân khi thực dân Pháp đến xâm lược (6 câu đầu)

a.1. Hai câu đề

“Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây

Một bàn cờ thế phút sa tay”

- Giặc đến:

+ Thời điểm: tan chợ => nơi đông đúc, thời khắc hướng về sự đoàn viên, sum họp, quây quần.

+ Âm thanh: súng Tây => lần đầu tiên xuất hiện trong văn học => gợi sự tàn bạo, hủy diệt hàng loạt.

=> Sự hoảng loạn, kinh hoàng của con người trước âm thanh ghê rợn, gây tàn sát trong thời điểm không ngờ tới.

- Đất nước: bàn cơ thế/phút/sa tay

=> Tình thế bất ngờ, thất thế, mất chủ động

=> Giặc đến phá tan cuộc sống yên bình của nhân dân. Đất nước rơi vào tình trạng nguy ngập.

a.2. Hai câu thực

- “Bỏ nhà”, “lơ xơ chạy”, “mất ổ”, “dáo dát bay” => sự tan nát, tán loạn, hãi hùng

- “Lũ trẻ”, “đàn chim” => hai hình ảnh điển hình cho nỗi đau thương của nhân dân

- Nghệ thuật đảo ngữ nhấn mạnh: bỏ nhà, mất ổ => tạo nỗi ám ảnh bi thương về cảnh chạy giặc của dân làng

=> Cảnh chạy giặc trong nỗi kinh hoàng của nhân dân

a.3. Hai câu luận

“Bến Nghé cửa tiền tan bọt nước

Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây”

- Các địa danh nổi tiếng Bến Nghé cửa tiền => tan bọt nước; Đồng Nai tranh ngói

=> nhuốm màu mây.

=> Cảnh trù phú, sầm uất, tươi đẹp, bình yên trước kia đã bị hủy diệt đến kiệt cùng, tan hoang khi giặc đến.

    Như vậy, sáu câu thơ với hình ảnh chân thực, tiêu biểu đã vẽ lại toàn cảnh quê hương khi giặc đến. Một cuộc sống an bình không còn, thay vào đó là sự tan hoang, đau thương.

b. Tâm trạng, thái độ của tác giả (hai câu cuối)

- Tâm trạng của tác giả được thể hiện qua câu hỏi tu từ:

Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng

Lỡ để dân đen mắc nạn này

=> Tái hiện hiện thực: quê hương ngập tràn bóng giặc nhưng triều đình không có một biểu hiện động thái nào => Từ đó bộc lộ tâm trạng phẫn uất, thất vọng đồng thời thể hiện nỗi chờ mong khắc khoải sự xuất hiện của trang dẹp loạn để cứu nước

=> Đó là lời kêu gọi tha thiết lòng yêu nước trong mỗi người để hành động chống lại kẻ thù xâm lược.

=> Tấm lòng yêu nước sâu sắc của cụ đồ Chiểu.

Kết bài:

    Cảm nhận chung về giá trị tư tưởng, nội dung, nghệ thuật của bài thơ.


Dàn ý Cảm nhận bài Chạy giặc của Nguyễn Đình Chiểu -  Mẫu số 2

Dàn ý cảm nhận bài Chạy giặc của Nguyễn Đình Chiểu ngắn gọn nhất (ảnh 2)

Mở bài

    Giới thiệu bài thơ: “Chạy giặc” là bài thơ kết tinh tình yêu nước và phong cách nghệ thật của cụ Đồ Chiểu.

Thân bài

– Mở đầu bài thơ, Nguyễn Đình Chiểu đã gợi ra khung cảnh hỗn loạn khi tiếng súng Tây bất ngờ nổ rền trong không gian

+ Khung cảnh họp chợ nhộn nhịp, huyên náo quen thuộc bỗng trở nên náo loạn, tiếng súng Tây bắt ngờ rền vang trong sự hốt hoảng tột độ của mọi người.

+ “Một bàn cờ thế phút sa tay” gợi cho chúng ta nhiều liên tưởng, đó có thể là hình ảnh tả thực về một bàn cờ đang chơi dang dở thì bị bỏ ngang vì tiếng súng giặc, đó cũng có thể là hình ảnh ẩn dụ cho thế cuộc giằng co gay gắt

– Tiếng súng của giặc Pháp đã tạo nên sự hoảng loạn, kinh hoảng đến tột độ.

+Hình ảnh những đứa trẻ lơ xơ chạy, đàn chim dáo dát bay không chỉ gợi ra không khí bom đạn dữ dội mà còn tái hiện tình cảnh đáng thương của con người trước thực cảnh tàn bạo mà kẻ thù gây ra.

– Tiếp đến hai câu luận, nhà thơ đã phát triển và mở rộng ý thơ để lên án tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân, đất nước ta

+ Trong thế kỉ XIX, Đồng Nai và Bến Nghé là những vựa lúa rộng lớn, là trung tâm buôn bán sầm uất bậc nhất. Thế nhưng chỉ trong phút chốc, bom đạn cùng âm mưu thâm độc của kẻ thì đã phá hủy tất cả.

+ “Tan bọt nước”, “nhuốm màu mây” đã diễn tả chân thực khung cảnh điêu tàn mà Pháp đã gây ra

– Kết thúc bài thơ, tác giả Nguyễn Đình Chiểu đã thể hiện sự trăn trở, suy tư trước vận mệnh của đất nước

+ Câu hỏi của nhà thơ vừa là lời lên án sự nhu nhược, hèn nhát của quân lính triều đình khi để giặc chiếm đóng quê hương, bờ cõi vừa là mong muốn về một trang hào kiệt có thể cứu nước, cứu dân khỏi thực cảnh nô lệ, mất tự do.

+ “Nỡ để dân đen mắc nạn này”, câu thơ mang hình thức của câu hỏi nhưng lại thể hiện được tình yêu thương sâu sắc của nhà thơ đối với những người dân cần lao.

Kết bài

    Chạy giặc là bài thơ yêu nước tiêu biểu không chỉ ghi lại được sự kiện lịch sử đau thương của đất nước mà còn là bài ca yêu nước có thể làm sống dậy và hướng tới chúng ta khát vọng độc lập, tự do.


Dàn ý Cảm nhận bài Chạy giặc của Nguyễn Đình Chiểu -  Mẫu số 3

    Lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, chứng kiến cảnh đất nước rơi vào tay kẻ thù ngoại xâm, Nguyễn Đình Chiểu cũng mang trong mình những tâm tư, tình cảm của bao người dân mất nước. Trong bài thơ Chạy giặc, người đọc bắt gặp một Nguyễn Đình Chiểu với bao nỗi đau đời khôn khuây.

    Bài thơ được Nguyễn Đình Chiểu sáng tác ngay sau khi thành Gia Định bị thực dân Pháp bắt đầu tấn công (ngày 17- 2- 1859). Là một trong các nạn nhân của cuộc đánh chiếm bất ngờ, nhà thơ không giấu nổi nỗi bàng hoàng:

Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,

Một bàn cờ thế phút sa tay.

    Hình ảnh bàn cờ thế phút sa tay đã thể hiện một cách hình tượng sụp đổ vỡ trong phút chốc, không thể cứu vãn trước thảm họa bất ngờ ập đến. Và ngay sau đó, đất nước, nhân dân rơi vào thảm cảnh đau đớn:

Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy,

Mất ổ bầy chim dáo dác bay.

Bến Nghé của tiền tan bọt nước,

Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây.

    Trong cảnh chạy giặc nhốn nháo, Nguyễn Đình Chiểu ấn tượng nhất với sự hốt hoảng, ngơ ngác, mất phương hướng của những sinh linh bé nhỏ yếu ớt (lũ trẻ, bầy chim). Nhà thơ đau đớn, xót xa trước sự tan tác, chia lìa không thể cứu vãn. Và càng đau xót hơn khi sự loạn li, hoang tàn, đổ nát không chỉ diễn ra ở một nơi mà trên cả vùng đất Nam Bộ (Bến Nghé, Đồng Nai). Giặc đi đến đâu là đốt phá, cướp bóc đến đó, thẳng tay giết hại sinh linh. Thiên nhiên cũng nhuốm màu tang tóc (tan bọt nước, nhuốm màu mây). Lời thơ cất lên lộ rõ âm hưởng xót xa, ai oán. Vẽ nên thảm cảnh nước mất nhà tan, tác giả đã vạch trần tội ác tày trời của lũ cướp nước. Qua đó, ta cũng hiểu được tâm trạng đau xót cực độ trong ông. Bài thơ kết thúc bằng một câu hồi bỏ ngỏ:

Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng,

Nỡ để dân đen mắc nạn này?

    Nguyễn Đình Chiểu không hỏi đích danh một ai nhưng rõ ràng lời thơ hướng đến các đấng, bậc quân vương, trụ cột của triều đình nhà Nguyễn những kẻ lẽ ra phải ra tay cứu nước, giúp đời. Hỏi đấy, gọi tên đấy nhưng đâu có ai ra lời, xuất biện. Và hói đấy nhưng thực chất là trách móc, lên án sự nhu nhược, hèn nhát, thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm của quan quân triều đình nhà Nguyễn. Câu thơ không giấu giếm nỗi thất vọng về sự hèn yếu bất lực của triều đình. Cũng từ hai câu kết, chúng ta thấy được nỗi lo lắng xót xa chân thành của nhà thơ mù với bao người dân vô tội.

    Bài thơ được viết lên từ những điều trông thấy của Nguyễn Đình Chiểu chan chứa tình cảm sâu nặng đối với nhân dân. Phải là con người có nhân cách cao đẹp, vị tha, bao dung tột cùng, Nguyễn Đình Chiểu mới đau nỗi đau của dân, thương dân như con, yêu nước hết mình như thế.

    Đọc Chạy giặc, người đọc muôn thế hệ đã, đang và sẽ mãi đồng cảm với nỗi lòng tâm sự của cụ Đồ Chiểu. Và hơn hết, khi gấp trang thơ lại, trong mỗi người còn lắng lại một lòng yêu mến, kính trọng khôn cùng dành cho nhà thơ xứ Bến Tre.

---/---

Dựa vào Dàn ý cảm nhận bài Chạy giặc của Nguyễn Đình Chiểu được Top lời giải sưu tầm được, hy vọng các em sẽ có thêm nhiều kiến thức và những gợi ý hay để có thể làm tốt bài văn của mình. Chúc các em học tốt!

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021