logo

Dẫn chứng học học nữa học mãi

Thế nào là học học nữa học mãi? Các biểu hiện của người có học? học nữa học mãi là gì? Hãy cùng Top lời giải đi tìm hiểu về khái niệm và các dẫn chứng về học học nữa học mãi qua các bài văn mẫu sưu tầm cực kì đặc sắc sau đây.


Khái niệm học học nữa học mãi

         Đối với mỗi con người chúng ta, việc học tập là vô cùng cần thiết và quan trọng. Học để chúng ta lĩnh hội kiến thức và phục vụ cho công việc, cho cuộc sống sau này. Chính vì thế mà việc học là một việc mỗi con người chúng ta đều phải học. nhưng học như thế nào cho đúng, cho hiệu quả thì ai có thể làm được. nhà triết học Lê- Nin đã có một câu nói về cách học mà chúng ta cần phải học hỏi, đó là "Học, học nữa, học mãi”. 

Dẫn chứng học học nữa học mãi ngắn gọn, hay nhất

         Học là một quá trình thu nhận, tích lũy kiến thức, kĩ năng để giúp cho bản thân có thêm hiểu biết về trình độ khoa học, kĩ thuật. Học là một khái niệm rất rộng chứ không phải bó hẹp trong phạm vi ngôi trường mà ngay từ nhỏ khi sống giữa vòng tay yêu thương của cha mẹ, ông bà chúng ta đã được dạy dỗ từ cách ăn nói, ứng xử, đi đứng đối xử với người trên với bạn bè. Thế rồi khi đến trường chúng ta lại được các thầy cô dạy kiến thức về khoa học về xã hội, và dưới bàn tay chăm sóc Ân cần của các thầy cô giáo ta còn được học cả rèn luyện cả về đạo đức. Và khi đi ra ngoài xã hội ta còn được học hỏi qua bạn bè, qua những người xung quanh mình, rồi còn qua các thông tin đại chúng như đài báo sách vở… Song có một điều chúng ta cần chú ý là phải học toàn diện tránh tình trạng hỏi về bất cứ vấn đề về tự nhiên thì đều biết còn hỏi về các vấn đề xã hội thì chẳng biết gì.

         “Học nữa” là học hết trình độ này chúng ta phải chuyển sang trình độ khác, từ dễ đến khó, từ phạm vi hẹp đến phạm vi rộng. Việc học không bao giờ được ngừng nghỉ mà là một mạch nối tiếp nhau và không ngừng nâng cao để ta có cơ hội trau dồi tri thức, nâng cao trình độ hiểu biết của mình. Mỗi lần nâng lên một mức học con người sẽ trưởng thành và vững chắc thêm một bước về tri thức và trình độ và đó là thứ hành trang quý giá giúp con người tự tin khi bước vào cuộc sống tự lập sau này và quan trọng nhất là có tri thức trí tuệ để có thể vận dụng tốt vào công việc và có thể sáng tạo ra những công trình khoa học, góp phần xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.

         Còn “học mãi” là học liên tục, học không ngừng nghỉ suốt đời, luôn nâng cao trình độ hiểu biết của mình. Học mãi để tạo thành thói quen ham học hỏi, say mê với khoa học. Và việc học phải được liên tục không bị hạn chế bởi tuổi tác. Khi ta còn trẻ việc học tập là đương nhiên thế nhưng khi ta càng cao tuổi thì việc học không vì thế mà ngưng trệ, mà ta cũng cần chăm chỉ học hỏi hơn nữa bằng cách tự học, nghiên cứu qua sách vở. Như vậy việc học là vô tận vừa học vừa làm vô cùng có lợi bởi quá trình làm việc sẽ giúp ta hiểu được mình còn thiếu kiến thức gì và việc học sẽ bổ sung cho ta. Như vậy câu nói rất đơn giản của Lênin đã cho ta thấy cần phải học như thế nào mới giúp ta trở thành con người hoàn thiện, một người có tri thức.


Dẫn chứng học học nữa học mãi – Bài mẫu 1

         Lênin là nhà cách mạng kiệt xuất của nhân loại. Tên tuổi của Người gắn liền với cuộc Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại. Bên cạnh đó, đối với nhiều thế hệ người Việt Nam, tên tuổi Lênin đã trở thành thân thuộc với câu châm ngôn nổi tiếng: “Học, học nữa, học mãi”.

         Khái niệm “học” mà Lê-nin sử dụng ở đây có thể hiểu theo những cách khác nhau, tùy theo mức độ rộng hay hẹp trong ý nghĩa.

         Theo nghĩa hẹp: học là hoạt động thu nhận và tái hiện tri thức của học sinh dưới sự hướng dẫn và truyền đạt của thầy giáo trong nhà trường. Hoạt động học như thế gắn liền với một giai đoạn cụ thể trong cuộc đời: lứa tuổi thanh thiếu niên, gắn liền với một không gian xác định: nhà trường.

         Theo nghĩa rộng: Hoạt động học diễn ra ở mọi nơi mọi lúc, trong suốt cuộc đời một con người. Không phải ngẫu nhiên người ta gọi cuộc đời là “trường đời”. đây là mái trường mở ra theo bước chân của con người trên mọi nẻo đường đời, ở mọi lứa tuổi. Theo ý nghĩa này, Gorki đã gọi cuộc đời là “trường đại học của tôi”. Và đây cũng là ý nghĩa chính trong khái niệm học của Lê-nin. Bản thân cuộc đời Lênin là một minh chứng cho quan niệm này. Qua trường đời, Lê-nin thu nhận tri thức để trở thành nhà trường có kiến thức sâu rộng. Qua trường đời, Lê-nin “học làm cách mạng" rồi trở thành nhà cách mạng vĩ đại. Tri thức của nhà trường theo nghĩa hẹp dù phong phú, toàn diện đến đâu cũng có giới hạn. Tri thức của tnrờng đời mới là nguồn tri thức rộng lớn, phong phú. Trong trường đời mọi sự kiện, mọi lĩnh vực đời sống là trang sách. Mọi người quanh ta đều là thầy ta. Người ta phải học tất thảy mọi điều dù là nhỏ nhặt nhất như câu tục ngữ đã tổng kết: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”.

         Với cách hiểu trên, hoại động học là rất cần thiết. Nhờ học mà xã hội loài người luôn phát triển. Thế hệ sau kế thừa những thành tựu của thế hệ trước để từ đó tạo lập nên những thành tựu mới. Lí giải về sự thành công của mình, nhà bác học Niutơn đã nói một cách hõm hỉnh: Tôi đã đứng trên vai người khổng lồ. “Người khổng lồ” ở đây lá một cách nói hình tượng về những tri thức đã được nhà bác học tiếp thu qua nhưng hoạt động học tập của mình.

         Nghĩa gốc của từ “học” trong tiếng Nga mà Lênin sử dụng chỉ hoạt động diễn ra trong một quá trình kéo dài. Người lặp lại từ này ba lần chính là để nhàn mạnh tính thường xuyên, liên tục, không ngừng của hoạt động học. Có điều đó là bởi tri thức trong trường đời là vô hạn. Nó bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau và luôn luôn được bổ sung, phát triển. Đây chính là lí do để chúng ta phải “học nữa, học mãi”. Ngừng học tập cũng tức là chúng ta đặt mình ra khỏi vòng quay của cuộc sống đang không ngừng đổi thay, phát triển.

         Nhưng “học nữa, học mãi” không có nghĩa là học tràn lan mọi lĩnh vực, học không có trọng điểm kiến thức. Bên cạnh việc học toàn diện, chúng ta còn phải biết hướng sự học vào giải quyết những mục tiêu cụ thể trong cuộc sống. Mục đích của học không phải chỉ để tiếp thu tri thức mà còn phải vận dụng tri thức đó vào thực tế cuộc sống, để đạt tới những thành tựu có ý nghĩa, để tạo ra tri thức mới. Học như thơ mới đem lại sự say mê và bổ ích. Đây là động lực để hoạt động học gắn bó với con người trong cuộc đời của mình.

         Ngày xưa ông cha ta đã có một truyền thống hiếu học như Mạc Đĩnh Chi là con nhà nghèo nhưng vẫn ham mê học đêm đến vì nhà nghèo không có đèn học nôn ông phải bắt đom đóm cho vào vỏ trứng để học và sau thành tài… Ngày xưa chúng ta có biết bao tấm gương chăm học tập và ngày nay chúng ta cũng cần noi gương theo cha ông.

         Song việc học như thế nào để đem lai hiệu quả tốt thì chúng ta thấy cần phải học tập thật chăm chỉ, học say mê hứng thú và phải luôn sáng tao, bên cạnh đó chúng ta cũng cần xem xét phương pháp học tập sao cho đại được kết quả cao. Khi đến lớp cần chăm chú nghe cô giáo giảng bài, ghi chép đầy đủ về nhà học lại và làm bài tập đầy đủ, chuẩn bị bài mới trước khi đến lớp. Ngoài ra ta còn phải học hỏi thêm bạn bè thầy cô giáo và quan trọng là chúng ta phải luôn chủ động trong việc học tránh sự sao chép học tủ học lệch để có thể phát huy được tính sáng tạo của mình. Luôn tạo cho mình một thói quen học tập thật nghiêm túc, say mê, sáng tạo. Học phải đi đôi với hành bởi có như vậy chúng ta mới nhớ lâu kiến thức đã được học.

         Câu nói trên của Lênin đã khuyên chúng ta phải học tập thật nhiều học không mệt mỏi để tạo thành nguồn kiến thức vô tận trong mỗi người để sau này trưởng thành có thể làm chủ mọi công việc, góp phần xây đựng đất nước, xã hội ngày một giàu đẹp văn minh. Đó là một lời khuyên mà mỗi học sinh chúng ta cần nhớ và làm theo.


Dẫn chứng học học nữa học mãi – Bài mẫu 2

         Trước yêu cầu ngày càng cao của xã hội và sự phát triền nhanh chóng của khoa học- kĩ thuật, đòi hỏi học sinh chúng ta cũng như tất cả mọi người phải không ngừng học tập để có trình độ đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Vì thế, Lê -nin đã từng nhắc nhở: “ Học, học nữa, học mãi”. Câu nói đó đã trở thành chân lí cho mọi thời đại.

         Vậy học là gì? Học là một công việc mà mỗi chúng ta phải làm hằng ngày và có thể là suốt đời. Học là một hoạt động tư duy trí tuệ, tiếp nhận những tri thức của xã hội loài người để mở mang hiều biết của mình. Xã hội ngày càng tiến bộ bao nhiêu thì khoa học ngày càng phát triển bấy nhiêu, làm cho nhiều vấn đề này sinh trong cuộc sống cần được tiếp thu và giải quyết. Muốn theo kịp đà tiến hoá của xã hội loài người thì phải học tập, học không ngừng nghỉ, học tập suốt đời. Lê-nin đã khuyên chúng ta không ngừng học tập để nâng cao kiến thức.

         Tại sao lại còn phải học nữa và học mãi? Bởi điều ta biết chỉ là những giọt nước nhỏ bé, điều ta chưa biết là biển cả, cho nên, chúng ta không được thảo mãn với những gì mà mình đã có, mà cần luôn học tập để nâng cao trình độ. Mỗi lần học tập để nâng cao trình độ, ta sẽ cảm thấy kiến thức của mình thu được quá ít so với biển kiến thức mênh mông của nhân loại. Vì thế, con người cần tiếp tục học, học không ngừng, học ở mọi lúc mọi nơi, học để hiểu biết hơn.

         Vì sao chúng ta phải hiểu như vậy? Trước hết là vì bản thân chúng ta. Nếu không học, chúng ta sẽ không có tri thức, thiếu hiểu biết để vận dụng vào cuộc sống, kết quả công việc sẽ không tốt đẹp như ta mong đợi. Người xưa có câu: “ Nhân bất học bất tri lí- Ấu bất học lão hàn vi”. Bởi vậy, chúng ta cần phải học để có trình độ, có kiến thức, để có việc làm tốt nuôi sống bản thân mình, giúp đỡ gia đình và phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xa hơn nữa là bước tới tầm cao của nhân loại. Học và chỉ có học nữa, học mãi thì đó sẽ là chìa khoá mở cửa cho mọi kho báu trên đời.

         Nhưng để học, học nữa, học mãi thì phải làm thế nào? Những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường phải học như thế nào cho có hiều quả? Với con người có nhiều cách học khác nhau; nhưng quan trọng nhất học phải đi đôi với hành. Chúng ta được học qua nhà trường, qua sách vở thì phải học có lí thuyết vững vàng, phải biết kết hợp làm cho lí thuyết gắn liền với thực tế. để bổ sung kiến thức, chúng ta cần nghiên cứu và tham khảo thêm nhiều sách vở, các thông tin khác..Là học sinh chúng ta phải có tính tự giác trong học tập, học từ thầy, cô, bạn bè, sách vở,… phải biết dựa vào những điều đã học được để vận dụng vào cuộc sống. Cần say me, sáng tạo trong học tập.

         Câu nói của Lê- nin luôn mang một giá trị to lớn, khích lệ chúng ta cần chăm chỉ, cần cù học tập thường xuyên mới đảm bảo cho mình một cuộc sống tiến bộ không ngừng.


Dẫn chứng học học nữa học mãi – Bài mẫu 3

         Kể từ khi hình thành xã hội loài người cho đến nay, mấy ngàn năm đã trôi qua. Từ thực tế cuộc sống, con người đã đúc kết được vô vàn kinh nghiệm thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Những kinh nghiệm đó được lưu truyền từ đời này sang đời khác qua các hình thức truyền miệng hay sách vở. Muốn tiếp thu được kho tàng kiến thức phong phú, đa dạng của người xưa để lại, chỉ có một con đường duy nhất là học tập. Bể học không bờ (Khổng Tử), cho nên chúng ta phải học tập suốt đời để không ngừng bồi bổ, nâng cao kiến thức cho kịp với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kĩ thuật trong thời đại ngày nay.

          Lê-nin - vị lãnh tụ vĩ đại của phong trào Cách mạng vô sản Nga đầu thế kỉ XX đã có lời khuyên thật sáng suốt cho mọi người: Học, Học nữa, Học mãi! Qua lời khuyên này, Lê-nin khẳng định tầm quan trọng lớn lao của việc học tập và nhấn mạnh rằng việc học tập phải được duy trì suốt cả đời.

         Bên cạnh quyền được sống tự do, con người còn có quyền được ăn no, mặc ấm và được học hành. Học tập vừa là nghĩa vụ , vừa là quyền lợi. Việc học tập tạo nên giá trị tinh thần và mang lại những hiệu quả vật chất lớn lao. Phải trải qua một quá trình học tập lâu dài và gian khổ thì con người mới trở nên hoàn thiện.

         Tại sao chúng ta phải học? Câu hỏi thật đơn giản: Có học thì mới tiếp thu được tri thức và có tri thức chúng ta mới làm tốt được mọi việc. Thực tế cho thấy trình độ văn hóa rất quan trọng. Ví dụ như cùng đứng trước một công việc hay một vấn đề nào đó thì người có trình độ cao hơn sẽ có cách giải quyết nhanh chóng và hợp lí hơn. Cho nên, muốn mọi việc đạt được hiệu quả tốt, bắt buộc chúng ta phải học. Lí thuyết sẽ soi sáng thực tế, giúp ta tiết kiệm công sức, rút ngắn được thời gian mò mẫn, thử nghiệm. Tất nhiên, khi đó chất lượng công việc cũng sẽ được nâng lên.

         Trong thời đại khoa học kĩ thuật phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì việc học tập lại vô cùng quan trọng. Nếu dễ dàng thỏa mãn với những gì đã có thì điều đó chứng tỏ rằng ta đã lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Quy luật cuộc sống là tiến về phía trước. Nó sẽ đào thải tất cả những cái thấp kém, lỗi thời và có như vậy thì cuộc sống của nhân loại mới ngày càng giàu đẹp, văn minh.

         Học, Học nữa, Học mãi ! Học trong sách vở, học ngoài cuộc đời. Học để làm giàu tri thức và vốn sống thực tế. Việc học không bị hạn chế bởi tuổi tác và hoàn cảnh mà tùy thuộc vào ý thức của mỗi người. Ông Giám đốc một cơ quan, xí nghiệp nào đó muốn điều hành và quản lí tốt mọi hoạt động của đơn vị mình thì phải học. Người công nhân muốn nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm cũng phải thường xuyên học hỏi, rút kinh nghiệm. Nông dân muốn đỡ vất vả trong công việc trồng trọt, chăn nuôi và tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống thì đương nhiên cũng phải học tập khoa học kĩ thuật và áp dụng nó vài thực tế. Muốn có một công tình nghiên cứu hay một phát minh nào đó, nhà khoa học phải học tập và làm việc trong một thời gian dài ba năm, năm năm, mười năm, có khi cả đời người... Và khi phát minh ấy có kết quả thì nó sẽ đem lại lợi ích lớn lao cho cả nhân loại.

         Xung quanh chúng ta có biết bao tấm gương kiên trì học tập và đã thành công. Tri thức do học tập đem lại là chiếc chìa khóa vàng để chúng ta mở được mọi cánh cửa của cuộc đời.

         Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có lời khuyên sáng suốt rút ra từ thực tế cuộc sống cách mạng sôi động và phong phú của Người: Học ở trường, Học trong sách vở, Học lẫn nhau và học ở dân. Ngoài trường học còn có trường đời. Nếu có ý chí, có quyết tâm và khiêm tốn, chuyên cần học hỏi, chúng ta sẽ thành công.

Dẫn chứng học học nữa học mãi ngắn gọn, hay nhất (ảnh 2)

         Việc học có tầm quan trọng rất lớn, nó quyết định sự thành công hay thất bại của một con người. Tuy vậy, hiện nay vẫn có một số người coi thường việc học với suy nghĩ thiển cận là không cần học cũng kiếm ra tiền, vẫn sống. Họ không biết rằng thất học là sự thiệt thòi, là nỗi bất hạnh của con người và nếu dân trí thấp thì đất nước khó có thế phát triển về mọi mặt.

         Thấu hiểu ý nghĩa sâu sắc trong lời khuyên của Lê-nin, tuổi trẻ cần phải cố gắng học tập để nâng cao hiểu biết, hoàn thiện bản thân. Học và học không ngừng, như vậy chúng ta mới có thể trở thành người có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của thời đại, xứng đáng là chủ nhân của đất nước giàu đẹp trong tương lai.


Dẫn chứng học học nữa học mãi – Bài mẫu 4

         Học hỏi là một việc rất quan trọng đối với nhân dân ta, đối với cả nhân loại từ ngàn xưa cho đến nay. Nó giúp con người mở mang kiến thức,nó giúp cho đất nước văn minh, tiến bộ, nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, tuy phải bận trăm công nghìn việc, nhưng Lê-nin vẫn thường khuyên cán bộ và tự đặt cho mình nhiệm vụ: “Học! học nữa! học mãi!”.

         Học là việc học sinh tiếp thu kiến thức của nhân loại dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo…khi học chúng ta phải tìm tòi, suy nghĩ để hiểu rõ và mở rộng các kiến thức đã thu thập được. như thế lời dạy của Lê-nin có ý nghĩa là khuyên chúng ta phải luôn học hỏi không ngừng, học hỏi suốt đời chẳng những trong nhà trường và cả ngoài xã hội…

         Đó là một chân lí, một sự thật hiển nhiên, rõ ràng từ trước đến nay. bởi vì kiến thức của nhân loại bao la mênh mông như biển cả còn sự hiểu biết của mỗi người trong chúng ta chỉ như giọt nước. hơn thế nữa, mỗi một giây phút trôi qua thì hành tinh của chúng ta lại có một phát minh mới ra đời, vì thế ko bao giờ chúng ta học được hết những kiến thức đó và cũng vì thế mà chúng ta phải luôn luôn học tập không ngừng. Làm sao chúng ta có thể quên được tấm gương của nhà bác học Lê Quý Đôn của đất nước Việt Nam hay các bác học Newtơn, Ampere… trên thế giới đã suốt đời học hỏi và cống hiến nhiều kiến thức quý báo cho nhân loại. ngoài ra, lời nhận định này cũng đúng vì nó có giá trị về mặt giáo dục con người mới, giáo dục lý tưởng sống cao quý. Cho nên chúng ta không lạ gì khi thấy các danh nhân trên thế giới cũng từng có những suy nghĩ tương tự như câu nói nổi tiếng của Darwin:

“Nhà bác học không có nghĩa là ngừng học” hay:

“Đường đời là chiếc thang không nấc chót, việc học là quyển sách không trang cuối cùng.” (Kalinin). 

Hay câu của Bác Hồ :

“Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời”.

         Chính câu nói của các nhà bác học càng làm tăng thêm giá trị chân lí của lời nhận định của Lê-nin.

         Nhưng thật đáng tiếc là có những người làm ngược lại với lời dạy bảo quý giá này. thật đáng tiếc là trong nhà trường có những học sinh lười biếng, ko cố gắng chăm lo học tập, kiền thức nông cạn, dở dang. Cũng như thế trong xã hội còn có những kẻ tự kiêu, tự mãn khi đã đạt được bằng cấp mà ko chịu tiếp tục học hỏi. và đương nhiên những kẻ đó đáng bị chê trách vì đã không nghe theo lời khuyên bảo tốt đẹp này.

         Do đó, học hỏi suốt đời là một việc phải làm và cần làm. Ý nghĩa trọn vẹn, sâu xa của câu nói cũng là muốn chúng ta thực hiện được điều đó. Nhưng làm như thế vẫn chưa đủ. để việc học hỏi đạt kết quỷ thật tốt, chúng ta phải xác định rõ động cơ học tập là vì tổ quốc, vì nhân dân, học để trở thành người lao động mới có khả năng trình độ để phục vụ đất nước, sẵn sàng xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Bên cạnh mục đích học tập, chúng ta còn phải có tinh thần thái độ học tập đúng đắn, học đi đôi với hành, học ở nhà trường, học ngoài xã hội..

         Nếu đạt được những điều kiện trên thì việc học hỏi sẽ mang lại 1 tác dụng, 1 kết quả thật to lớn là kiến thức của mỗi người trong chúng ta sẽ được liên tục nâng cao, từ đó sẽ giúp cho đất nước ngày càng văn minh tiến bộ. đặc biệt là đối với đất nước chúng ta ngày nay, nhiệm vụ học tập càng trở nên vô cùng cấp thiết, trở thành nghĩa vụ của mỗi người công dân vì đất nước ta, sau gần một trăm năm đô hộ của thực dân Pháp, sau hơn hai mươi năm chiến đấu chống đế quốc Mỹ, đa số nhân dân ta không có thời giờ và phương tiện để học tập. Nên muốn nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân, khôi phục và phát triển kinh tế, tiến tới xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ và phồn vinh, ta cần phải cố gắng học tập gấp năm mười lần trước đây thì mới mong có một đội ngủ cán bộ quản lí, khoa học kĩ thuật đông đảo, công nhân lành nghề,nông dân có trình độ cao để tiếp thu kỹ thuật mới tăng nâng suất lao động.

         Rõ ràng nhận định của lê-nin đúng là một sự thật hiển nhiên trong cuộc sống, là một chân lí của thời đại. Đồng thời,câu nói trên cũng bộc lộ tấm lòng, ước muốn thiết tha của Lê-nin.


Dẫn chứng học học nữa học mãi – Bài mẫu 5

         Ai cũng biết, việc học là việc rất quan trọng và nó quyết định cuộc đời của mỗi con người chúng ta, đó là một con đường gian khổ và khó khăn nhất để dẫn đến thành công. Học không phải ngày một ngày hai mà vội vàng được, học là học suốt đời, cũng giống như Lê-Nin đã từng nói: “Học, học nữa, học mãi.”

         Theo thời gian, câu nói đó vẫn giữ nguyên giá trị và cũng đã khiến cho con người hiểu được phần nào. Phải khẳng định rằng không có con đường nào mà luôn trải đầy hoa hồng. Học là một cách trau dồi kiến thức để chúng ta biết được những gì diễn ra trong xã hội đời thường, những gì ông cha đã đã nghiên cứu và gây dựng nên. Mọi người ai cũng biết, nguồn kiến thức là vô tận, nó không bao giờ có giới hạn vậy hằng ngày, khi chúng ta cắp sách tới trường học thì đó chính là những bước khởi đầu để đi đến con đường học vấn. Thử so sánh, học như một cánh cửa kì diệu nhưng không có chiếc chìa khóa nào để mở nó ra, vậy chúng ta học đó cũng là chúng ta đang dần dần chế tạo ra chiếc “chìa khóa” đó và khám phá mọi điều ở bên trong cánh cửa, đó là kiến thức và sự thành công. Giống như một câu truyện mà tôi đã từng học về cuộc nói chuyện của nhà bác học Đác-Uyn và cậu con trai của ông, khi đó ông đã nói: "Bác học không có nghĩa là ngừng học”. Hay như ông Đoàn Tử Quang – một con người có nghị lực phi thường. Sau nhiều lần đi thi không đỗ, ông vẫn tu dưỡng dùi mài kinh sử đèn sách, tiếp tục đi thi nhiều lần và đến năm 81 tuổi, ông đỗ Trạng Nguyên. Thật là một tấm gương sáng để khẳng định giá trị: “Học mãi ”. Có rất nhiều bạn học tốt, nhưng chỉ vì chủ quan rằng học như thế thì đã đủ, đã hơn rất nhiều người rồi nên không cần học thêm nữa, đó là một suy nghĩ tiêu cực, có khi nó sẽ khiến việc học trở nên sa sút.

“Bể học mênh mông tựa đất trời

Khuyên con gắng học chớ ham chơi”

         Vâng, “bể học’’ đó mênh mông rộng lớn, chưa một ai đã chinh phục được “bể học” đó, cho dù con người có đã thành công, đã có sự hiểu biết cao đến mấy nhưng họ vẫn đều phải tiếp tục học và đó là “Học nữa, học mãi”. Trong thời đại hiện đại như ngày nay, đã có rất nhiều công cụ, thiết bị điện tử được ra đời, đó là kết quả, là những gì mà học hỏi đã tạo nên. Thử hỏi tại sao thời xưa, thời của ông cha ta có rất nhiều người tài giỏi và họ đã khám phá ra biết bao nhiêu điều, còn bây giờ: “Nhân tài như lá mùa thu”, không phải bây giờ không có người tài giỏi nhưng rất hiếm, bởi vì họ không biết “Học nữa”. Vậy giá trị của sự “Học nữa, học mãi “đã vậy, cứ mỗi giờ trôi qua, mỗi ngày trôi qua thì lượng kiến thức lại càng nhiều, do đó chúng ta cần phải luôn luôn học hỏi.

         Câu nói của Lê-Nin: “Học, học nữa, học mãi’’- một câu nói hay và ẩn chứa rất nhiều lời khuyên ý nghĩa và rất thấm thía, vậy chúng ta hãy cố gắng học và tiếp tục học học cho đúng, học, học nữa học mãi, chúng ta là những thành phần của xã hội vậy hãy là những con người có ích, hãy chính là tâm điểm sáng suốt trong mọi thời đại.


Dẫn chứng học học nữa học mãi – Bài mẫu 6

         Đất nước ngày càng phát triển, chúng ta đang tiến lên theo con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Vì vậy, cần có những người có đầy đủ kiến thức khoa học kĩ thuật, văn hoá… để tiếp xúc với cái mới. Học sinh chúng ta cũng như tất cả mọi người cần phải không ngừng học tập để có trình độ đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Lê-nin đã từng nhắc nhở: Học, học nữa, học mãi!. Câu nói đã trở thành một chân lí cho mọi thời đại, mọi thế hệ con người.

         Vậy học là gì? Học là một công việc mà mỗi chúng ta phải làm hằng ngày và có thể là cả cuộc đời. Học là một quá trình tìm hiểu, thu nhận, tích lũy kiến thức của thầy cô giáo, của những người đi trước truyền lại, nhằm tăng thêm hiểu biết về mọi mặt trong xã hội. Học ở đây không chỉ đến trường mới học, mà ngay từ nhỏ, khi ta còn sống trong vòng tay của bố mẹ, bố mẹ đã dạy ta học ăn, học nói, học cách cư xử trong cuộc sống. Đến tuổi đi học, chúng ta được học tập theo chương trình của từng cấp học với sự dạy dỗ tận tình của thầy, cô giáo. Bên cạnh những kiến thức học được ở trường, chúng ta còn học qua bạn bè, qua sách, báo và các phương tiện thông tin đại chúng.

         Kiến thức nhân loại vô cùng phong phú, khoa học kĩ thuật không ngừng phát triển, có nhiều vấn đề nảy sinh trong cuộc sống cần được giải quyết và tiếp thu, nếu ta không học tập thì sẽ bị lạc hậu, hơn nữa yêu cầu xã hội ngày càng cao, là học sinh, sinh viên… lại càng cần phải học một cách toàn diện, đầy đủ, học lí thuyết gắn với thực hành, vận dụng vào đời sống để nắm chắc bài học hơn.

         Tại sao lại còn phải học nữa và học mãi? Bởi điều ta biết chỉ là giọt nước. Điều ta chưa biết là biển cả, cho nên, chúng ta không được thoả mãn với bằng cấp mà mình đã có mà cần luôn học tập để nâng cao trình độ. Mỗi lần học tập để nâng cao trình độ, ta sẽ cảm thấy kiến thức của mình thu được quá ít so với biển kiến thức mênh mông của nhân loại, vì thế con người cần tiếp tục học, học không ngừng, học ở mọi lúc mọi nơi, học để hiểu biết hơn, học để nâng cao năng suất lao động.

         Vì sao chúng ta phải hiểu như vậy? Trước hết là vì bản thân chúng ta. Nếu không học, chúng ta sẽ không có tri thức, thiếu hiểu biết để vận dụng vào cuộc sống, kết quả công việc sẽ không tốt đẹp như ta mong đợi. Người xưa có câu rằng: Nhân bất học bất tri lí; Ấu bất học lão hàn vi. Bởi vậy, chúng ta cần phải học để có trình độ, có kiến thức để có việc làm tốt nuôi sống bản thân mình, giúp đỡ gia đình và phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xa hơn nữa là bước tới tầm cao nhân loại. Thực hiện lời mong muốn của Bác Hồ: Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu. Nếu chúng ta chăm chỉ học tập, rèn luyện thì đó sẽ là những nhân tố tích cực xây dựng đất nước ta giàu đẹp, văn minh, Tổ quốc Việt Nam sẽ sánh vai các cường quốc năm châu. Một đất nước ấm no, hạnh phúc thì mỗi gia đình, bản thân chúng ta sẽ được sống đầy đủ, hạnh phúc hơn. Như vậy, học và chỉ có học nữa, học mãi thì đó sẽ là chìa khóa mở cửa mọi khó báu trên đời.

         Tóm lại, tuổi chúng ta còn trẻ, chúng ta cần phải tranh thủ học tập tốt. Đừng bao giờ cho rằng học đã đủ mà hãy nhớ rằng cần học nhiều hơn nữa để trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước. Đừng bao giờ hỏi rằng mình đã được những gì mà hãy tự hỏi rằng mình đã học và đã làm gì cho đất nước và đừng quên lời dạy của Lê-nin: Học, học nữa, học mãi! Hãy xem lời dạy của Lê-nin là kim chỉ nam cho mục đích, phương hướng học tập của chúng ta.

---/---

Trên đây là một số bài văn mẫu Dẫn chứng học học nữa học mãi mà Top lời giải đã biên soạn. Hy vọng sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện cùng tác phẩm. Chúc các em có một bài văn thật tốt!

icon-date
Xuất bản : 25/06/2021 - Cập nhật : 26/06/2021