logo

Dàn bài kể lại một trải nghiệm với người bạn đã để lại cho em một bài học về tình yêu thương

Hướng dẫn lập dàn ý Kể lại một trải nghiệm với người bạn đã để lại cho em một bài học về tình yêu thương hay nhất. Với các bài dàn ý và văn mẫu được tổng hợp và biên soạn dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn. Cùng tham khảo nhé! 


Dàn ý Kể lại một trải nghiệm với người bạn đã để lại cho em một bài học về tình yêu thương

I. Mở bài

- Nêu vấn đề cần nghị luận: Ý nghĩa của tình yêu thương

Ví dụ:

Mỗi chúng ta ai cũng đã từng nghe câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân”, đó là một nghĩa cử rất cao đẹp của con người. Trong cuộc sống chúng ta cần mở lòng để yêu thương và giúp đỡ những người xung quanh khó khăn hơn ta. Khi chúng ta yêu thương người khác thì chúng ta sẽ được yêu thương và được quý mến hơn. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về tình yêu thương con người.

II. Thân bài

1. Giải thích

- Tình yêu thương là một khái niệm chỉ một phẩm chất tình cảm, vẻ đẹp tâm hồn của con người. Đó là tình cảm thương yêu, chia sẻ và đùm bọc một cách thắm thiết.

+ Yêu thương con người là sự quan tâm, giúp đỡ của chúng ta đối với những người xung quanh

+ Là làm những điều tốt đẹp cho người khác và nhất là những người gặp khó khăn hoạn nạn.

+ Là thể hiện tình cảm yêu thương và quý mến người khác.

2. Bàn luận

a, Biểu hiện của tình yêu thương:

- Trong gia đình:

+ Ông bà thương con cháu, cha mẹ thương con, con thương ba mẹ

+ Cha mẹ chấp nhận hi sinh, cực nhọc để làm việc vất vả và nuôi dạy con cái nên người

+ Con cái biết nghe lời, yêu thương cha mẹ là thể hiện tình yêu thương của mình đối với ba mẹ

+ Tình yêu thương còn thể hiện ở sự hòa thuận quý mến lẫn nhau giữa anh em với nhau.

- Trong xã hội:

+ Tình yêu thương thể hiện ở tình yêu đôi lứa

+ Tình yêu thương con người là truyền thống đạo lí

+ Tình thương dành cho những con người có số phận đau khổ, bất hạnh.

+ Quan tâm, chia sẻ vật chất cho những người sống khó khăn, thiếu thốn, cần sự giúp đỡ ở quanh mình.

+ Lên án, đấu tranh chống lại những thế lực đày đọa, bóc lột, ngược đãi con người.

b, Ý nghĩa của tình yêu thương:

- Sưởi ấm tâm hồn những con người cô đơn, đau khổ, bất hạnh, truyền cho họ sức mạnh, nghị lực để vượt lên hoàn cảnh.

- Tạo sức mạnh cảm hoá kì diệu đối với những người “lầm đường lạc lối”; mang lại niềm hạnh phúc, niềm tin và cơ hội để có cuộc sống tốt đẹp hơn;

- Là cơ sở xây dựng một xã hội tốt đẹp, có văn hóa.

* Phản đề: Phê phán những người trong xã hội sống thiếu tình thương, vô cảm, dửng dưng trước nỗi đau chung của đồng loại; những kẻ ích kỉ, chỉ biết lo cho cuộc sống của bản thân mình mà không quan tâm đến bất cứ ai.

3. Bài học nhận thức và hành động

- Tình yêu thương có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống

- Chúng ta hãy nâng niu hạnh phúc gia đình; hãy sống yêu thương, biết sẻ chia, đồng cảm với những cảnh ngộ trong cuộc đời.

III. Kết bài:

- Tổng kết, khẳng định lại vấn đề: Tình yêu thương có vai trò quan trọng trong cuộc sống con người, là lẽ sống của mỗi người

- Mỗi người chúng ta phải biết yêu thương lẫn nhau, yêu thương đồng loại.

Dàn bài kể lại một trải nghiệm với người bạn đã để lại cho em một bài học về tình yêu thương

Kể lại một trải nghiệm với người bạn đã để lại cho em một bài học về tình yêu thương - Mẫu số 1

Hôm ấy, chiều thứ bảy, em sang nhà ngoại chơi. Khi đi đến gần đồn công an, một sự việc xảy ra làm em chú ý. Ngay trước cổng đồn, một người phụ nữ đang vừa khóc vừa nói gì đó với chú công an. Người phụ nữ khoảng bốn mươi tuổi, ăn mặc giản dị, tay xách một gói đồ. Còn chú công an khoảng hai mươi lăm tuổi. Người phụ nữ vẫn vừa khóc vừa cầu cứu chú công an: - Chú ơi! Chú cứu tôi với. Bây giờ tôi biết làm sao đây! Chú công an ôn tồn nói với người phụ nữ: - Chị cứ bình tĩnh kể đầu đuôi sự việc. Chúng tôi sẽ giúp chị. Người phụ nữ nức nở: - Tôi đưa cháu đi chợ để mua quần áo, sách vở chuẩn bị cho cháu vào năm học mới. Trả tiền xong, quay lại, tôi đã không thấy cháu đâu cả. Tôi tìm mấy vòng quanh nơi mua bán cũng không thấy. Tôi lo quá không biết tính sao. Thế là tôi lại đây. Chú ơi! Chú giúp tôi với! Chú công an hỏi: - Cháu bé là trai hay gái? Cháu mấy tuổi? An mặc thế nào? Người phụ nữ kể cho chú công an nghe. Chú ghi ghi, chép chép ... Đúng lúc đó tôi thấy chị Lan, gần nhà tôi, tay dắt một đứa bé trai khoảng 5 tuổi đến cổng đồn công an. Em bé vừa đi vừa khóc, mồ hôi nhễ nhại. Chị Lan dùng khăn giấy lau cho em và nói với em điều gì đó. Vừa nhìn thấy bé trai, người phụ nữ mừng quýnh: - Oi! Con tôi! Chú công an ơi! Cháu đây rồi! Người phụ nữ ôm chầm lấy con. Có lẽ mừng quá nên mất mục lúc sau người phụ nữ mới quay sang cảm ơn chị Lan rối rít: - Cô cảm ơn cháu nhiều lắm! Nếu không có cháu bây giờ cô không biết sẽ làm sao? Chị Lan nhẹ nhàng đáp: - Dạ, không có gì đâu cô ạ! Cháu sang nhà bạn. Trên đường đi, cháu thấy em đang ngồi bên gốc cây và khóc. Cháu hỏi nhưng em không nhớ số nhà nên cháu không thể đưa em về nhà được. Cháu quyết định đưa em đến đây để nhờ các chú công an giúp đỡ. Người phụ nữ nói tiếp: - Cháu ngoan quá! Cháu tên gì? Cháu học lớp mấy? Chị Lan chỉ cười, rồi xin phép về. Mọi người nhìn chị Lan bằng ánh mắt trìu mến. Riêng tôi, tôi rất yêu quý chị Lan. Chị không chỉ giúp đỡ bà con, cô bác lối xóm mà chị luôn sẵn sàng giúp đỡ tất cả mọi người.


Kể lại một trải nghiệm với người bạn đã để lại cho em một bài học về tình yêu thương - Mẫu số 2

Chẳng phải ngẫu nhiên mà đại thi hào Nguyễn Du lại khẳng định “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (Truyện Kiều). Chỉ khi con người đối với con người bằng cái tâm, bằng tình yêu thương thì cuộc sống này mới tốt đẹp và thực sự trở nên ý nghĩa. Tình thương là nền tảng của mọi mối quan hệ xã hội, là đích đến của mọi giao tiếp, là cách sống đẹp, sống hay mà ai cũng cần hướng tới. Sống như nào để yêu thương, chia sẻ lẫn nhau luôn là câu hỏi lớn của mọi đời, mọi người… 

Tình yêu thương xuất hiện khi những quan tâm đơn giản nhất được xuất hiện. Đó là sự chăm sóc, che chở, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống đời thường. Sức mạnh kì diệu của nó là giúp chúng ta thân thiết, gần gũi và sống có trách nhiệm với nhau hơn. Muốn đón nhận tình yêu thương, hãy học cách yêu thương chính bản thân mình trước. Chỉ khi bản thân đủ mạnh mẽ, đủ chân thành thì mới có thể mang yêu thương tới những mảnh đời khác. Yêu thương sẽ nhóm lửa trong gia đình khi cha mẹ yêu thương con cái, con cái hiếu thảo với ông bà cha mẹ, anh chị em trong nhà hoà thuận với nhau. Trong xã hội, tình thương lại tồn tại dưới nhiều dạng thức khác nhau: tình yêu lứa đôi hay đạo lí “thương người như thể thương thân” ngàn đời của dân tộc. Với tấm lòng ấy, con người không chỉ được bù đắp về mặt vật chất mà cao cả hơn, đó là liều thuốc tinh thần, là điểm tựa cho niềm tin của những ai đang đánh mất phương hướng… Thời xưa chẳng có tấm gương tướng Trần Quốc Tuấn đồng cam cộng khổ với tướng sĩ trong ba lần chống giặc Nguyên Mông xâm lược ấy sao? Người lãnh tụ vĩ đại của chúng ta, người thanh niên Nguyễn Tất Thành xuất phát từ tình thương với đồng bào chịu cảnh nô lệ mà lên đường tìm cách cứu nước hay như Đảng và nhà nước ta trong đợt đại dịch Covid 19 vừa rồi đã sẵn sàng cử đoàn bay đến tâm dịch Vũ Hán để đón đồng bào về nước an toàn,… Ở đâu có tình yêu thương, ở đó còn có sự chở che của cánh chim hoà bình và lưỡi hái tử thần do chiến tranh mang lại sẽ mãi không thể chạm đến chúng ta được. Đây chính là những viên gạch vững chắc nhất để xây dựng một xã hội văn minh, hạnh phúc.

Vậy mà đáng buồn thay trong xã hội ngày nay tồn tại không ít con người có lối sống thờ ơ, vô cảm với nỗi đau của người khác. Lại có những người vô trách nhiệm với nỗi đau, với những vấn đề của cộng đồng xã hội: ra đường thấy người hoạn nạn không giúp đỡ, đánh nhau, lừa lọc,… Tất cả những hành vi đó đều thật đáng phê phán, lên án. Thiếu đi tình yêu thương, con người sẽ mất đi phần “người” và chỉ còn lại phần “con” như bao sinh vật bình thường khác. Tố Hữu từng có những vần thơ rằng:

“Nếu là con chim, chiếc lá

Thì con chim phải hót, chiếc lá phải bay

Lẽ nào vay mà không có trả?

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”

(Một khúc ca)

Thật vậy, chỉ có sẻ chia hạnh phúc, ta mới nhận được những hạnh phúc lớn hơn. Sống cho bản thân, sống cho người khác mới là cách sống chúng ta cần tôi luyện. Đây chính là nền tảng đạo đức, là giá trị sống của mỗi con người. Học cách quan tâm, yêu thương những người xung quanh mình chưa bao giờ là đủ! Nhân cách của con người cũng vì thế mà trở nên đẹp đẽ và hoàn thiện hơn.

Thế giới vẫn vận động từ ngày và tình yêu thương là lẽ sống cao cả của con người. Yêu thương để học tập, yêu thương để phát triển. Mỗi người chúng ta cần trân trọng, phát huy giá trị của tình yêu thương. Nó chính là chìa khoá vạn năng giải quyết những vấn đề giữa người với người. Truyền thống tốt đẹp này cũng đã được ông cha ta nhắc nhở từ ngàn xưa:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng.”

icon-date
Xuất bản : 19/03/2022 - Cập nhật : 22/03/2022