Câu trả lời đúng nhất: Đặc trưng của kịch gồm có kịch xung đột, hành động kịch, nhân vật kịch, ngôn ngữ kịch. Vậy để hiểu rõ về kịch mời cùng Toploigiai theo dõi bài đọc dưới đây nhé!
- Kịch là loại hình nghệ thuật tổng hợp. Có sự tham gia của nhiều yếu tố, nhiều người thuộc các lĩnh vực khác nhau: tác giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên, nhạc công, họa sĩ thiết kế…
- Phân biệt kịch văn học và kịch biểu diễn:
+ Kịch bản văn học là tác phẩm văn học, có đầy đủ đặc điểm của nghệ thuật ngôn từ. Còn sân khấu thuộc nghệ thuật biểu diễn.
+ Kịch bản văn học viết ra là để biểu diễn nên cũng đậm chất sân khấu. Vì thế khi xem xét kịch bản văn học một mặt phải xem nó như một tác phẩm nghệ thuật, mặt khác không thể tách rời nó khỏi nghệ thuật sân khấu mới thấy hết được những đặc trưng của nó.
a. Xung đột
- Khái niệm: Là biểu hiện cao nhất sự phát triển mâu thuẫn giữa các lực lượng, các cá tính trong vở kịch, từ đó tạo ra sự kịch tính, thúc đẩy sự phát triển hành động kịch, bộc lộ tính cách nhân vật.
- Xung đột là cơ sở của kịch.
- Phân loại: có hai loại là xung đột bên ngoài và xung đột bên trong
+ Xung đột bên ngoài là xung đột giữa các nhân vật.
+ Xung đột bên trong là xung đột trong nội tâm nhân vật.
b. Hành động kịch
- Hành động kịch là sự tổ chức các tình tiết, sự kiện, biến cố trong cốt truyện theo một trình tự logic, chặt chẽ, chủ yếu theo quy luật nhân quả.
- Hành động kịch được miêu tả căng thẳng, gấp gáp, hết hành động này đến hành động khác, ngay cả khi thực hiện những hành động suy tư, ngẫm nghĩ cũng diễn ra rất nhanh.
c. Nhân vật kịch
- Luôn ở trạng thái căng thẳng (xúc động, xao xuyến, chờ đợi, lo lắng), được xây dựng bằng ngôn ngữ.
- Xung đột kịch được cụ thể hóa thành hành động kịch. Nhân vật kịch là người thực hiện các hành động kịch.
d. Ngôn ngữ kịch
- Khái niệm: Ngôn ngữ biểu hiện đặc điểm, tính cách, phẩm chất của nhân vât, “cá tính hóa”.
- Đặc điểm:
+ Tính hành động: thể hiện tranh luận, tấn công, chống đỡ, thuyết phục, cầu khẩn, đe dọa, ra lệnh…
+ Tính khẩu ngữ cao: gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày.
- Phân loại:
+ Đối thoại: là lời đối đáp giữa các nhân vật
+ Độc thoại: là lời nhân vật tự nói với mình
+ Bàng thoại: lời nhân vật nói với khán giả
Dựa vào loại hình xung đột, mục đích cuộc đấu tranh của nhân vật trung tâm, tình cảm thẩm mĩ trong tiếp nhận nghệ thuật, người ta chia kịch thành ba thể: bi kịch, hài kịch, chính kịch (hay còn gọi là kịch đram).
- Bi kịch là một thể của kịch, đối lập với hài kịch. Bi kịch phản ánh những mâu thuẫn, xung đột căng thẳng không thể giải quyết trong đời sống hiện thực, vì thế được kết thúc bằng sự thảm bại, hoặc cái chết của nhân vật. Nhân vật của bi kịch bao giờ cũng là con người lương thiện, dũng cảm, anh hùng, cao thượng, đấu tranh vì mục đích tốt đẹp, vì lí tưởng cao quý, nhưng điều kiện khách quan chưa cho phép thực hiện. Cái chết hoặc sự thảm bại của nhân vật mang lại cho độc giả và khán giả sự thanh lọc tâm hồn.
- Hài kịch là một thể của kịch, đối lập với bi kịch. Đối tượng thể hiện của hài kịch là cái xấu, cái không có giá trị, không có nội dung, nhưng luôn tỏ ra là có nội dung, có giá trị. Các tính cách, hành động và tình huống được trình bày trong hài kịch dưới hình thức cười cợt hoặc thấm đậm chất hài. Ở các nhân vật hài kịch, phẩm chất bên trong không tương xứng với vị trí, thân phận của nó, và do vậy nó đáng là nạn nhân của tiếng cười. Hài kịch tạo ra tiếng cười hả hê, sảng khoái, thể hiện thái độ châm biếm, đả kích, vạch trần cái xấu, cái què quặt, méo mó của nhân cách hoặc hoàn cảnh xã hội để góp phần hoàn thiện con người và đời sống. Hài kịch sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật như nói mỉa, chơi chữ, phóng đại, tăng cấp, tương phản, đối lập… Phạm vi của hài kịch rất rộng, từ châm biếm chính trị đến hài hước vui nhộn nhẹ nhàng. Dựa vào nội dung, hài kịch có thể chia thành hai thể nhỏ: hài kịch tình huống và hài kịch tính cách.
- Chính kịch còn gọi là kịch đram, hoặc kịch, là thể trung gian giữa bi kịch và hài kịch. Nó ra đời vào thế kỉ XVIII trong sáng tác của chủ nghĩa Khai sáng nhằm chống lại tính phiến diện của hài kịch và bi kịch cổ điển. Đối tượng phản ánh của chính kịch là cái hằng ngày, thường ngày vẫn diễn ra trong đời sống hiện tại của xã hội. Mâu thuẫn, xung đột được phản ánh trong chính kịch gay gắt, căng thẳng, nhưng không phải là không thể giải quyết. Nhân vật của chính kịch là những con người bình thường, trong đó có cái cao cả đồng thời cũng có sự thấp hèn. Thể hiện một nội dung như thế, chính kịch phá vỡ những khuôn phép luật lệ của kịch truyền thống, tạo ra những cách tân táo bạo. Đây là hình thức thể loại phù hợp với đời sống của thời hiện đại. Các vở kịch Đội kịch chim chèo bẻo của Nguyễn Văn Niêm, Lòng dân của Nguyễn Văn Xe, Lời thề thứ 9, Khoảnh khắc và vô tận, Tôi và chúng ta, Lời nói dối cuối cùng của Lưu Quang Vũ, Cuộc chiến đấu thầm lặng, T5 hành động, Người tìm thuốc trường sinh, Kiếm khách Linh Sơn Tự của Nguyễn Trí Công… thuộc loại này.
---------------------------
Bài viết này Toploigiai đã cùng các bạn tìm hiểu về đặc trưng của kịch và cung cấp kiến thức về kịch. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt!