logo

Đặc điểm tư duy của học sinh tiểu học

Học sinh tiểu học được hiểu là người có độ tuổi vào học lớp một là 06 tuổi và được tính theo năm. Học sinh Tiểu học được học các chương trình học trong trường tiểu học, học sinh tiểu học bao gồm học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Để hiểu rõ đặc điểm tư duy của học sinh tiểu học thì mời bạn đọc cùng Toploigiai theo dõi nội dung bài viết dưới đây!


1. Học sinh tiểu học là gì?

Học sinh tiểu học là chỉ các em nhỏ đã đến độ tuổi vào học cấp tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5 (bắt đầu từ 6 tuổi). Đây là độ tuổi còn khá nhỏ, nhận thức của các em vẫn còn hạn chế và đang là độ tuổi phát triển cả về mặt tâm lý và nhận thức.

Giáo dục tốt ở lứa tuổi này sẽ đặt nền tảng vững chắc cho các em sau này. Vì vậy, việc giáo dục đối với các em học sinh tiểu học luôn được gia đình và nhà trường tạo điều kiện cũng như chú trọng, quan tâm hơn cả.

>>> Tham khảo: Nhiệm vụ của học sinh tiểu học?


2. Đặc điểm về hoạt động và môi trường sống của học sinh tiểu học

a. Hoạt động của học sinh tiểu học

- Nếu như ở bậc mầm non hoạt động chủ đạo của trẻ là vui chơi, thì đến tuổi tiểu học hoạt động chủ đạo của trẻ đã có sự thay đổi về chất, chuyển từ hoạt động vui chơi sang hoạt động học tập. Tuy nhiên, song song với hoạt động học tập ở các em còn diễn ra các hoạt động khác như:

+ Hoạt động vui chơi: Trẻ thay đổi đối tượng vui chơi từ chơi với đồ vật sang các trò chơi vận động.

+ Hoạt động lao động: Trẻ bắt đầu tham gia lao động tự phục vụ bản thân và gia đình như tắm giặt, nấu cơm, quét dọn nhà cửa,...Ngoài ra, trẻ còn còn tham gia lao động tập thể ở trường lớp như trực nhật, trồng cây, trồng hoa,...

+ Hoạt động xã hội: Các em đã bắt đầu tham gia vào các phong trào của trường, của lớp và của cộng đồng dân cư, của Đội thiếu niên tiền phong,...

b. Những thay đổi kèm theo

- Trong gia đình: các em luôn cố gắng là một thành viên tích cực, có thể tham gia các công việc trong gia đình. Điều này được thể hiện rõ nhất trong các gia đình neo đơn, hoàn cảnh, các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn,...các em phải tham gia lao động sản xuất cùng gia đình từ rất nhỏ.

- Trong nhà trường: do nội dung, tích chất, mục đích của các môn học đều thay đổi so với bậc mầm non đã kéo theo sự thay đổi ở các em về phương pháp, hình thức, thái độ học tập. Các em đã bắt đầu tập trung chú ý và có ý thức học tập tốt.

- Ngoài xã hội: các em đã tham gia vào một số các hoạt động xã hội mang tính tập thể (đôi khi tham gia tích cực hơn cả trong gia đình). Đặc biệt là các em muốn thừa nhận mình là người lớn, muốn được nhiều người biết đến mình.

Biết được những đặc điểm nêu trên thì cha mẹ và thầy cô phải tạo điều kiện giúp đỡ trẻ phát huy những khả năng tích cực của các em trong công việc gia đình, quan hệ xã hội và đặc biệt là trong học tập.

>>> Tham khảo: Thủ tục xin chuyển trường cho học sinh tiểu học


3. Đặc điểm tư duy của học sinh tiểu học

Đặc điểm tư duy của học sinh tiểu học

Tư duy là hạt nhân của hoạt động trí não, kỹ năng này bắt đầu phát triển từ giai đoạn ấu thơ. Khi trẻ trong độ tuổi tiểu học, khả năng tư duy đã khá phát triển, trẻ đã có ý thức, ghi nhớ, tư duy tổng hợp, phát tán và đánh giá đối với các tranh vẽ, ký hiệu, ngữ nghĩa và hành vi...

Theo Tâm lý học, tư duy của trẻ tiểu học mang tính đột biến, chuyển từ tư duy tiền thao tác sang tư duy thao tác. Sở dĩ có nhận định như vậy là bởi trẻ trong giai đoạn mẫu giáo và đầu tiểu học tư duy chủ yếu diễn ra trong trường hành động: nghĩa là những hành động trên các đồ vật và hành động tri giác (phối hợp hoạt động của các giác quan). Thực chất của loại tư duy này là trẻ tiến hành các hành động để phân tích, so sánh, đối chiếu các sự vật, các hình ảnh về sự vật. Về bản chất, trẻ chưa có các thao tác tư duy - với tư cách là các thao tác trí óc bên trong. Trong giai đoạn tiếp theo, thường ở đa số học sinh lớp 3 và lớp 4, trẻ đã chuyển được các hành động phân tích, khái quát, so sánh... từ bên ngoài thành các thao tác trí óc bên trong. Đó là các thao tác cụ thể.

Tư duy là một hoạt động của não bộ, do đó đây cũng là cách kích thích cho não bộ phát triển, không bị ỳ trệ. Lâu dần, não bộ của trẻ được phát triển và hoàn thiện hơn. Rèn luyện tư duy mỗi ngày thông qua những kiến thức và vấn đề đơn giản ở độ tuổi này sẽ tạo nền tảng cho việc tư duy ở độ tuổi lớn hơn.

Cho trẻ rèn luyện tư duy ngay từ nhỏ chính là việc cha mẹ hướng dẫn, tạo cơ hội cho các con làm quen với việc nhận thức từ đơn giản cho tới phức tạp dần. Thực hiện một cách thường xuyên sẽ giúp thúc đẩy quá trình nhận thức ở các con diễn ra đúng đắn và hiệu quả. Trong tất cả các môn học của con, từ môn năng khiếu tới các môn khoa học, xã hội, các con đều cần đến khả năng tư duy logic và tư duy sáng tạo để có thể nắm bắt và giải quyết vấn đề. Chính vì vậy, cho trẻ em luyện tập tư duy từ nhỏ sẽ giúp chuẩn bị cho các bạn một nền tảng tốt trên con đường học vấn của mình.

Bên cạnh đó. Một trong những khả năng của tư duy sáng tạo, đó chính là khả năng ngôn ngữ. Việc rèn luyện tư duy sáng tạo cần trẻ phải tập viết, tập nói, tập đọc thường xuyên và đều đặn. Qua đó, trẻ sẽ tích lũy được một kho tàng ngôn ngữ, biết cách sử dụng và vận dụng chúng một cách linh hoạt. Đây chính là cách giúp thúc đẩy phát triển ngôn ngữ, khả năng giao tiếp ở trẻ.

-------------------------------------

Như vậy, qua bài viết Toploigiai đã giải đáp câu hỏi đặc điểm tư duy của học sinh tiểu học và cung cấp kiến thức về học sinh tiểu học. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích trong học tập, chúc bạn học tốt! 

icon-date
Xuất bản : 05/09/2022 - Cập nhật : 22/04/2024