Chăn nuôi có vị trí quan trọng, là ngành kinh tế sản xuất chính của nông nghiệp nước ta. Nhưng ngành chăn nuôi và chăn nuôi lợn hiện nay còn gặp nhiều thách thức, ảnh hưởng không nhỏ đến người chăn nuôi và sự phát triển bền vững. Đặc điểm nào sau đây không đúng với ngành chăn nuôi ở nước ta? Hãy cùng Toploigiai tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
A. Tỉ trọng của ngành chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng.
B. Sản xuất hàng hóa là xu hướng nổi bật trong chăn nuôi.
C. Hiệu quả chăn nuôi ngày càng cao và ổn định.
D. Hình thức chăn nuôi trang trại ngày càng phổ biến.
Đáp án đúng là: C. Hiệu quả chăn nuôi ngày càng cao và ổn định.
Đặc điểm không đúng với ngành chăn nuôi ở nước ta là hiệu quả chăn nuôi ngày càng cao và ổn định. Chăn nuôi có vị trí quan trọng, là ngành kinh tế sản xuất chính của nông nghiệp nước ta. Việc phát triển chăn nuôi và ổn định thị trường ngành hàng thịt có ý nghĩa quan trọng, chi phối chỉ số phát triển chăn nuôi và thị trường thực phẩm nước ta.
Trong suốt thời kỳ đổi mới, khi nước ta thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, Đảng ta đã thường xuyên bổ sung những quan điểm, định hướng phát triển ngành chăn nuôi sát với tình hình trong nước và thế giới, đem lại nhiều thành tựu cho ngành chăn nuôi.
Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” định hướng: “Phát triển nhanh ngành chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp, an toàn dịch bệnh, phù hợp với lợi thế của từng vùng...; tập trung cải tạo và nâng cao chất lượng giống, áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả; tăng cường công tác thú y, phòng, chống dịch bệnh; phát triển sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp; tổ chức lại và hiện đại hoá cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm”.
Trước đây chăn nuôi là một trong những ngành trọng điểm của nền kinh tế nước ta. Cùng với sự phát triển của các ngành kinh tế khác ngành chăn nuôi ngày càng được đẩy mạnh. Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay hiện bộ phận này gặp phải nhiều khó khăn và thách thức.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, năm 2020 tình hình sản xuất chăn nuôi của cả nước được duy trì tốt, hầu hết các đối tượng vật nuôi đều tăng trưởng và phát triển. Trong đó, về tình hình chăn nuôi trâu, bò trên cả nước nhìn chung ổn định, không có biến động lớn. Các địa phương đã và đang chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống và giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh. Đàn trâu cả nước tiếp tục xu hướng giảm do hiệu quả kinh tế không cao, diện tích chăn thả bị thu hẹp. Đàn bò phát triển khá do có thị trường tiêu thụ tốt, giá bán thịt bò hơi ở mức khá, người chăn nuôi có lãi ổn định, đồng thời có được sự hỗ trợ nguồn vốn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi của các ngành, các cấp và chính quyền địa phương.
Ước tính tổng số trâu của cả nước tháng 12 năm 2020 giảm khoảng 2,2%, tổng số bò tăng khoảng 2,5% so với cùng thời điểm năm 2019. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng cả năm 2020 ước tính đạt 95,8 nghìn tấn, tăng 1,4% so với năm 2019 (quý IV đạt 26,8 nghìn tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước); sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 371,5 nghìn tấn, tăng 4,6% (quý IV đạt 98,9 nghìn tấn, tăng 1,5%); sản lượng sữa bò tươi đạt 1.086,3 nghìn tấn, tăng 10,2% (quý IV ước đạt 287,1 nghìn tấn, tăng 10,9%).
So với các thị trường xuất khẩu thực phẩm gia súc, gia cầm trên thế giới nước ta đang ở vị trí khó có thể cạnh tranh với các cường quốc khác. Xét về mặt chất lượng, các sản phẩm nước ta cung cấp không hề thua kém họ tuy nhiên giá cả nước ta đưa ra lại cao hơn các nước, do đó khả năng cạnh tranh thị trường xuất khẩu đối với nước ta khá thấp.
Có thể nói vấn đề hội nhập vừa là cơ hội vừa là thách thức cho ngành chăn nuôi hiện nay. Bởi lẽ nếu kịp thời tận dụng những ưu thế mà hội nhập quốc tế mang lại sẽ tạo ra một cơ hội phát triển mạnh mẽ, nếu ngược lại sẽ là một thách thức lớn mà nước ta sẽ phải đối mặt.