logo

Cốt truyện (khái niệm, phân loại, chức năng, thành phần, ví dụ)

icon_facebook

Một tác phẩm văn học hay không chỉ ở nội dung, tình huống truyện mà nó còn thể hiện ở cốt truyện. Vì thế, cốt truyện có vai trò quan trọng tạo nên thành công cho tác phẩm. Bài viết dưới đây của Toploigiai sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cốt truyện. Cùng theo dõi nhé!


01. Cốt truyện là gì?

Cốt truyệnhệ thống những tình tiết, sự kiện, biến cố, hành động diễn ra theo một thứ tự nhất định trong các tác phẩm tự sự và tác phẩm kịch. Cốt truyện thể hiện mối quan hệ qua lại giữa các tính cách trong một hoàn cảnh xã hội nhất định để thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm văn học. Như vậy, cốt truyện thực hiện chức năng gắn kết các sự kiện, bộc lộ xung đột, mâu thuẫn của nhân vật. Từ đó hình thành một ý nghĩa về nhân sinh.

Cốt truyện là hình thức cơ bản nhất và là yếu tố quan trọng nhất của tác phẩm tự sự và kịch. Vì thế, không phải tác phẩm nào cũng có cốt truyện. Đặc biệt là các tác phẩm trữ tình thường không có cốt truyện.


02. Chức năng của cốt truyện

- Tạo thành lịch sử cuộc đời nhân vật với những thăng trầm, biến đổi. 

Ví dụ: Cốt truyện Tấm Cám cho thấy số phận của một cô gái quê nghèo, hiền lành, chăm chỉ, trải qua bao khó khăn, vất vả, thậm chí phải chết đi sống lại nhiều lần, để cuối cùng có được một hạnh phúc lâu dài. Cốt truyện còn góp phần bộc lộ xung đột, mâu thuẫn của con người, có ý nghĩa nhân sinh. 

Cốt truyện Cây khế có những sự kiện có vẻ như trùng lặp nhưng cuối cùng dẫn đến hai kết cục hoàn toàn khác biệt do cách ứng xử nhân sinh khác biệt với từng sự kiện đó. 

- Cốt truyện còn có nhiệm vụ tạo nên sự hấp dẫn cho câu chuyện, cho nên những phép ngẫu nhiên, bất ngờ, lặp lại, đột ngột, lắp ghép, giả mà như thật... đều làm cho cốt truyện tăng thêm phần hấp dẫn. Cốt truyện phiên lưu cho thấy nhân vật luôn phải tự gỡ mình thoát ra khỏi các tình huống gay cấn. Cốt truyện tài hoa tài tử gặp gỡ bao giờ cũng có những trở ngại và cuối cùng đoàn viên hạnh phúc...

- Ngoài ra, bên cạnh cốt truyện, như là thành phần động, còn có các thành phần khác, mang tính tĩnh tại, có thể gọi là thành phần xen, hay thành phần ngoài cốt truyện. Đây là những thành phần như miêu tả, kể, bình luận, trữ tình, cảnh thiên nhiên, môi trường,giới thiệu lai lịch, khắc họa nội tâm, giới thiệu phong tục... Những thành phần này tuy không đóng vai trò quan trọng trong cốt truyện, nhưng chính nó góp phần làm cho tác phẩm trở thành một sinh mệnh đầy đặn, có sự sống, có linh hồn. Đây là thành phần giàu chất tạo hình và biểu hiện, làm cho văn học có thể so sánh với hội họa, điêu khắc, âm nhạc, cung cấp những bức tranh hấp dẫn, sinh động về hiện thực, vừa giàu khả năng lí giải tường tận tâm lí, hành động nhân vật cũng như các nội dung khác của đời sống.

Ví dụ: 

Đoạn miêu tả tiếng đàn của Thúy Kiều, miêu tả không gian đêm về trong truyện Hai đứa trẻ (Thạch Lam), sự mở rộng các thành phần tĩnh tại này làm cho tác phẩm tự sự có khả năng trình bày trọn vẹn đầy đặn về cuộc sống, tạo không khí, nhịp điệu, ấn tượng, cách đánh giá và cảm thụ thế giới với những đặc sắc thẩm mĩ. Sự luân phiên các thành phần động (sự kiện), tĩnh (miêu tả, bình luận, kể...) sẽ tạo nên nhịp điệu trần thuật. Nếu tập trung vào sự kiện (thành phần động), nhịp điệu câu chuyện sẽ nhanh, còn tập trung vào thành phần tĩnh, nhịp điệu câu chuyện sẽ trở nên chậm rãi.


03. Các loại cốt truyện

Các loại cốt truyện

04. Ví dụ về cốt truyện

- Cốt truyện của Dế Mèn phiêu lưu kí là kể về cuộc phiêu lưu của nhân vật chính là Dế Mèn trong nhiều tình huống và gặp nhiều nhân vật. Mỗi nhân vật sẽ có những câu chuyện xảy ra khác nhau. Cốt truyện chính không chỉ là Dế Mèn mà còn có các nhân vật khác như Dế Trũi, Xiến Tóc, chim Trả, quần thể nhà Mối, Châu Chấu,…

- Cốt truyện của Truyện Kiều là xoay quanh cuộc đời của Thúy Kiều kể từ khi phải bị bán mình chuộc cha. Kiều đã trải qua 15 năm lưu lạc, với nhiều biến cố của cuộc đời đến cuối cùng nàng phải tự vẫn để kết thúc cuộc đời ngang trái, khổ đau của mình.


05. Cơ sở chung của cốt truyện

- Cơ sở khách quan

Để hình thành nên cốt truyện cần có yếu tố khách quan đó là do xung đột trong xã hội. Những xung đột này có ở ngoài đời thường, được tác giả nhìn thấy, nghe thấy hoặc được kể lại và được tác giả lồng ghép vào trong tác phẩm của mình. Vì vậy mà cốt truyện có tính lịch sử cụ thể, bị chi phối bởi lịch sử và xã hội ở thời điểm hình thành ý tưởng viết tác phẩm. Biểu hiện rõ ràng nhất có thể thấy ở từng thời điểm mà có sự khác nhau về cốt truyện giữa thần thoại và truyện cổ tích, giữa truyện Nôm, truyện trung đại và văn học hiện đại.

- Cở sở chủ quan

Đó chính là xuất phát từ chính bản thân tác giả bởi để có một tác phẩm văn học phải nhờ sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Từ cốt truyện, tác giả khái quát được những xung đột xã hội, lại thể hiện được những tâm tư, tình cảm và những đánh giá chủ quan của bản thân với cuộc sống. Họ không lấy toàn bộ câu chuyện ngoài thực tế vào tác phẩm. Mà có sự chọn lọc, sáng tạo, được đồng hóa có nghệ thuật để phát triển câu truyện đó thành một tác phẩm độc đáo. Do đó mà cùng một thời điểm lịch sử, cùng xung đột xã hội mà mỗi nhà văn sẽ có những cốt truyện khác nhau để thể hiện sự sáng tạo về ý tưởng, quan điểm, thái độ, phong cách nghệ thuật của nhà văn với đời sống xã hội.

Ví dụ cho cơ sở chủ quan có thể thấy cùng một mâu thuẫn giữa địa chủ với nông dân. Thế nhưng giữa Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan,…lại có những cốt truyện khác nhau, thể hiện góc nhìn, quan điểm của mỗi tác giả trước bối cảnh xã hội lúc bấy giờ.


06. Thành phần chính trong cốt truyện

* Phần trình bày

Phần này sẽ giới thiệu khái quát bối cảnh và các nhân vật. Khi đọc phần trình bày, độc giả sẽ biết được những thông tin sơ bộ về các nhân vật có trong truyện như: các mối quan hệ của nhân vật chính như hoàn cảnh gia đình, tuổi tác, nghề nghiệp, tài năng,… Phần này chưa có mâu thuẫn phát triển, mới chỉ dừng lại ở việc giới thiệu, dẫn dắt vào câu chuyện. Các nhân vật chưa bộc lộ tính cách, hành động, suy nghĩ. 

* Phần thắt nút

Đến đây xung đột và mâu thuẫn được bắt đầu từ một sự kiện nào đó. Trong toàn bộ cốt truyện thì phần thắt nút không quá dài nhưng nó có ý nghĩa quan trọng đặt nhân vật vào một thử thách mới. Đòi hỏi phải bày tỏ những thái độ, chọn lựa cách xử sự, hành động, phản ứng, từ đó bộc lộ rõ tính cách để làm thay đổi tình thế ban đầu. Phần thắt nút thể hiện rất rõ rệt trong các tác phẩm kịch, còn trong truyện và kí cũng có nhưng đôi khi không được rõ ràng.

* Phần phát triển tình huống truyện

+ Trong phần này, có nhiều cảnh ngộ, nhiều sự kiện và biến cố khác nhau xảy ra. Tính cách, thái độ, hành động, suy nghĩ của nhân vật được bộ lộ rõ nét nhất trong phần này và dần thay đổi tùy thuộc vào từng môi trường.

+ Phần phát triển đẩy biến cố và mâu thuẫn bắt đầu cao trào. Đây là phần dài nhất và quan trọng nhất trong cốt truyện. Các sự kiện, biến cố diễn ra nối tiếp nhau nhằm làm cho xung đột phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng.

* Phần đỉnh điểm

Cốt truyện là gì (ảnh 3)

Đây là giai đoạn căng thẳng nhất của toàn cốt truyện. Mâu thuẫn được đẩy lên tới đỉnh điểm và đó là thời điểm để tác giả tìm hướng để giải quyết vấn đề. Đến đây một bước ngoặt mang tính quyết định mở ra cho số phận, vận mệnh của nhân vật. Đỉnh điểm diễn ra trong một thời điểm ngắn, một khoảng khắc nào đó nhưng lại mang tính quyết định cho nhân vật trung tâm.

* Phần kết thúc (mở nút)

Ở phần kết thúc, mâu thuẫn đã được giải quyết, chấm dứt sự xung đột mở ra một hướng mới cho nhân vật. Đôi khi là những kết thúc được đóng kín có thể kết thúc có hậu theo ước muốn của nhiều người. Nhưng có trường hợp lại kết thúc mở để người đọc, người xem tự viết tiếp tương lai cho câu chuyện. 

Như vậy, với 5 thành phần chính kể trên đã hình thành nên một cốt truyện đầy đủ. Tuy nhiên không phải tác phẩm nào cũng đầy đủ 5 thành phần kể trên. Do đó khi phân tích hay đánh giá tác phẩm không nên gò bó theo khuôn khổ. Mà hãy tìm hiểu xem cốt truyện đó đã lột tả được những xung đột và giải quyết chúng phù hợp với quy luật của cuộc sống hay chưa. Đây mới chính là cái hay trong ý đồ nghệ thuật của tác giả.

icon-date
Xuất bản : 11/03/2022 - Cập nhật : 19/08/2024

Câu hỏi thường gặp

Đánh giá độ hữu ích của bài viết

😓 Thất vọng
🙁 Không hữu ích
😐 Bình thường
🙂 Hữu ích
🤩 Rất hữu ích
image ads