logo

Cơ sở dẫn liệu trong kiểm toán là gì?


1. Khái niệm Cơ sở dẫn liệu

Trong môn Audit and Assurance (AA/F8), thuật ngữ tiếng Anh là “assertion” - các cam kết của nhà quản lý. Để khẳng định rằng Báo cáo tài chính tuân thủ các khuôn khổ về lập và trình bày Báo cáo tài chính được áp dụng, Ban giám đốc cần khẳng định một cách chính thức hoặc ngầm định các cơ sở dẫn liệu về việc ghi nhận, đo lường, trình bày và công bố các thành phần của Báo cáo tài chính và các thuyết minh có liên quan.

Đối với kiểm toán viên, cơ sở dẫn liệu được dùng để xem xét các loại sai sót có thể xảy ra.


2. Các loại cơ sở dẫn liệu

Để làm rõ hơn về Khái niệm Cơ sở dẫn liệu, chúng ta cùng xem xét chi tiết các loại cơ sở dẫn liệu được sử dụng nhé!

2.1. Đối với số dư tài khoản

Trong bảng cân đối kế toán bạn sẽ thấy sự xuất hiện của các cơ sở dẫn liệu này được tập trung vào số dư cuối kỳ. Bao gồm: 

Sự hiện hữu: Tài sản, nguồn vốn chủ sở hữu hoặc nợ phải trả trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo phải thực tế tồn tại tại thời điểm đó.

Quyền và nghĩa vụ: Doanh nghiệp có quyền sở hữu hầu hết tài sản được phản ánh trên báo cáo tài chính phải thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp, trừ một số loại tài sản mà doanh nghiệp có quyền kiểm soát lâu dài và đáp ứng các chuẩn mực kiểm toán liên qua. Với mọi khoản nợ được phản ánh thì doanh nghiệp phải thực sự có nghĩa vụ trả nợ.

Sự phát sinh: Một nghiệp vụ hoặc sự kiện kinh tế được ghi chép thì phải thực sự đã phát sinh và liên quan đến kỳ báo cáo.

Sự tính toán và đánh giá: Các sự kiện và nghiệp vụ kinh tế phải được ghi nhận theo giá trị thích hợp trên cơ sở nguyên tắc kế toán, chuẩn mực kế toán hoặc được chấp nhận phổ biến. Các số liệu và phép toán khi thực hiện phải chính xác về mặt toán học và không có sai sót

Sự phân loại và hạch toán: Toàn bộ tài sản, khoản nợ, doanh thu, chi phí, nghiệp vụ hay giao dịch đã xảy ra có liên quan tới kì báo cáo phải được ghi chép đầy đủ và phân loại một cách đúng đắn theo yêu cầu của các chuẩn mực kế toán. Các nghiệp vụ mà sự kiện kinh tế phát sinh phải được ghi nhận theo kế toán dồn tích.

Tổng hợp và công bố: Số liệu cộng dồn trên tài khoản và sổ kế toán phải được tính toán một cách chính xác. Các chỉ tiêu, bộ phận và khoản mục trên báo cáo tài chính phải được xác định, trình bày và công bố theo đúng yêu cầu của chuẩn mực và chế độ kế toán hiện hành.

2.2. Đối với các giao diện và sự phát sinh trong kỳ

Mục đích của các cơ sở dẫn liệu này là tập trung vào giao dịch và sự kiện được sử dụng với các thông tin trên báo cáo hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và lưu chuyển tiền tệ.

- Tính có thật: Bạn giám đốc chắc chắn các sự kiện giao dịch và kinh tế được diễn ra trong kỳ.

- Tính đầy đủ: Các sự kiện và giao dịch kinh tế cần được báo cáo đầy đủ trên báo cáo tài chính.

- Tính chính xác: Sự kiện và giao dịch đó được xác nhận là đúng với giá trị thực tế.

- Tính đúng kỳ: Các giao dịch này cần phản ánh đúng trong kỳ kế toán.

- Tính phân loại: Các sự kiện và giao dịch cần được ghi lại đúng trong tài khoản kế toán.

2.3. Cơ sở dẫn liệu đối với việc trình bày và công bố 

Các cơ sở dẫn liệu này thường được áp dụng cho các thông tin trên thuyết minh Báo cáo tài chính.

- Tính có thật, quyền và nghĩa vụ: Các sự kiện giao dịch và các vấn đề khác được thuyết minh có liên quan đến doanh nghiệp

- Phân loại và dễ hiểu: Các thông tin được trình bày và công bố cần đảm bảo tính hợp lý, rõ ràng và dễ hiểu

- Tính chính xác: Các thông tin cần được trình bày và phản ánh với đúng giá trị thực tế

- Tính đầy đủ: Các thuyết minh cần thiết cần được trình bày đầy đủ trên Báo cáo tài chính.


3. Áp dụng cơ sở dẫn liệu trong kiểm toán

Cơ sở dẫn liệu là căn cứ để kiểm toán viên thiết kế các mục tiêu kiểm toán chung và mục tiêu kiểm toán đặc thù bằng việc thực hiện các thủ tục tương ứng. Ví dụ phổ biến nhất là để xác minh tính đầy đủ, kiểm toán viên sẽ đi từ các chứng từ và đối chiếu với sổ sách, trong khi để xác minh tính có thật, kiểm toán viên sẽ đi từ sổ sách và đối chiếu với các chứng từ có liên quan.

Đối với khoản mục tài sản và doanh thu, thông thường doanh nghiệp có xu hướng “làm đẹp” hơn BCTC nên thường được phản ánh cao hơn so với giá trị thực tế. Do đó một số cơ sở dẫn liệu thường bị vi phạm là tính có thật và tính chính xác.

Ngược lại, khoản mục liên quan đến nợ phải trả và chi phí có khả năng nhiều bị phản ánh thấp hơn giá trị đúng, dẫn tới một số cơ sở dẫn liệu bị vi phạm như tính đầy đủ và tính chính xác.

Căn cứ vào bản chất của từng khoản mục, kiểm toán viên sẽ cần thiết kế thủ tục kiểm toán chi tiết phù hợp để đảm bảo thu thập được các bằng chứng đầy đủ và hợp lý.

Ví dụ trong khi kiểm toán các giao dịch bán hàng, kiểm toán viên sẽ dựa theo từng cơ sở dẫn liệu để thiết kế các mục tiêu kiểm toán chung và mục tiêu kiểm toán đặc thù như sau:

Cơ sở dẫn liệu

Mục tiêu kiểm toán chung

Mục tiêu kiểm toán đặc thù

Tính có thật Kiểm toán tính có thật Các giao dịch được ghi nhận đối với khách hàng có thật
Tính đầy đủ Kiểm toán tính đầy đủ Các giao dịch đã xảy ra đã được ghi nhận
Tính chính xác Kiểm toán tính chính xác, cộng và chuyển sổ

Doanh thu đúng so với giá trị bán hàng được, được xuất hóa đơn và phản ánh chính xác

Các giao dịch bán hàng được nhập liệu và tổng hợp chính xác trong các sổ ghi nhận tương ứng.

Tính phân loại Kiểm toán tính phân loại Các giao dịch được ghi nhận đúng tài khoản
Tính đúng kỳ Kiểm toán liên quan đến thời gian ghi nhận giao dịch Các giao dịch bán hàng được ghi nhận vào đúng ngày phát sinh.

 

Tóm lại, cơ sở dẫn liệu là các thông tin của nhà quản lý trình bày lên Báo cáo tài chính đảm bảo rằng những thông tin này cần được trình này một cách chính xác và đầy đủ nhất. Trên đây là những thông tin về các cơ sở dẫn liệu trong kiểm toán, mong rằng bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn và chúc các bạn mạnh khỏe. 

icon-date
Xuất bản : 03/10/2021 - Cập nhật : 03/10/2021