logo

Chim hót để làm gì?


Mục lục nội dung

Chim hót để làm gì?

     Tiếng chim hót là một trong những thanh âm đáng yêu nhất của thiên nhiên. Những khi ta rong chơi ngoài đồng quê, nghe chim hót ta thấy dường như chim chóc đang gọi nhau, đang trò chuyện với nhau.

Chim hót để làm gì?

     Thật ra tiếng chim hót của loài chim chính là phương tiện truyền thông của chúng, cũng như tiếng kêu, tiếng tru, tiếng gầm... của các động vật khác. Tất nhiên, trong tiếng hót của chúng có thanh âm chỉ là những biểu hiện của sự sảng khoái, vui thú. Nhưng hầu hết các tiếng hót đều là những “điệp thư” bằng âm thanh, thể hiện những cảm thông, truyền đạt các tin tức. Con gà mái “cục cục” hoặc là “quác quác” để báo động cho lũ gà nhép tình hình hiểm nghèo, để lũ gà nhép mau chạy lẹ lại nằm im trong đôi cánh ấp ủ chở che của gà mẹ. Nó cũng cục cục để gọi con đến ăn cái mà nó vừa kiếm được. Bầy chim phi hành ban đêm, chúng vừa bay vừa kêu lên. Tiếng kêu đó để bầy chim không bị tán lạc hoặc nếu có con nào bị lạc thì định hướng tiếng kêu đó mà bay nhập đàn.

      Ngôn ngữ của loài chim tất nhiên là khác với ngôn ngữ loài người. Ta dùng ngôn ngữ để biểu đạt ý tưởng. Loài người không nói một ngôn ngữ theo bản năng. Con gà không cần phải học mới biết gáy, không như con người phải học mới biết nói, dù là tiếng mẹ đẻ. Khả năng hót của chim là bản năng bẩm sinh. Trong một phòng thí nghiệm, con gà vừa ra khỏi vỏ trứng đã được đem đến nuôi ở một nơi nó không thể nghe một tiếng gà trống hoặc gà mái nào, vậy mà con gà này cũng biết kêu “chích chích” như những con gà khác. Lớn lên nó cũng biết gáy nếu là gà trống hoặc cũng biết cục tác nếu là gà mái. Điều này không có nghĩa là chim không thể học hót. Thật ra một vài giống chim đã bắt chước được tiếng hót của giống chim khác. Một giống chim có tên là “chim nhái” 25 vì nó có thể nhái tiếng hót của nhiều giống chim khác. Nếu để chim se sẻ sống chung với chim yến thì nó cũng sẽ tập hót như chim yến. Nếu đem chim yến cho sống chung với chim sơn ca, nó sẽ mau lẹ bắt chước tiếng hót của chim sơn ca. Ai cũng biết là mấy con nhồng, con két bắt chước những âm thanh chúng nghe được kể cả tiếng xe thắng “két, két”. Vậy có thể nói loài chim sinh ra là đã có thể hót theo bản năng, không cần học, đồng thời có thể bắt chước tiếng hót của giống chim khác. Một câu hỏi đau đầu: cùng một giống chim - chim sẻ chẳng hạn - sống ở hai địa phương cách xa nhau, như Hoa Kỳ và Anh chẳng hạn - có hót giống nhau không, hay chúng cũng có thổ âm, thổ ngữ như người? Có! Cùng một giống chim, có “một vài” tiếng hót mà chim sống ở địa phương khác không hiểu. điều này chứng tỏ rằng thêm vào những tiếng hót theo bản năng chủng loại, chim có thể học thêm đôi ba tiếng hót mới lạ khác.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 25/05/2023