Câu thành ngữ “cháy nhà mới ra mặt chuột” chắc không còn xa lạ gì với người Việt ta. Câu nói thường được sử dụng khi muốn mỉa mai ai đó. Vậy nguồn gốc và ý nghĩa của chúng ra sao? Tất cả sẽ được Toploigiai giải đáp ngay sau đây
Ngày xưa, khi tạo hóa mới sinh ra loài vật, mèo và chuột thân nhau lắm. Mèo và chuột cùng ở một nhà. Vốn hiền lành lại to xác hơn chuột nên mèo thường nằm co ro ở góc tủ, người cho gì ăn nấy. Còn chuột, vốn tính ranh mãnh, lại nhỏ bằng củ hành, nên cứ chui rúc vào các ngách, luồn lủi vào các đồ đạc lộn xộn. Khi chủ nhà đi vắng, chuột tha hồ quậy phá. Thức ăn dự trữ của người, nó ngang nhiên ngồi giữa đĩa mà ăn. Chán chê, nó còn tha cả vào hang để cho họ nhà chuột thưởng thức. Họ nhà chuột dài răng nhanh nên cứ ngứa răng là chúng gặm nhấm bất cứ thứ gì để cho cùn răng đi. Một hôm, người thấy quần áo bị cắn nát vụn, rờ đến cái tủ thì bị đục khoét thành lỗ. Nhìn quanh, người chẳng thấy gì ngoài con mèo đang vờn cái chổi. Giận quá, người mới xách tai mèo lên quở rằng:
- Chỉ có mày ở nhà. Cá kho, cơm nguội mày xơi hết. Áo quần thì nát tươm. Còn ai vào đây nữa.
Nói đoạn, người liền đánh cho mèo một trận đòn thừa sống thiếu chết.
Mèo tức quá, một hôm thấy lũ chuột ra chơi bèn quát mắng rằng:
- Đồ ăn hại làm càn. Vì bọn ngươi mà ta bị đòn suýt chết.
Chuột nhơn nhơn nói:
- Bác mèo ơi, chỉ vì thân bác to hơn chúng tôi nên không chui luồn được. Người đâu có nhìn thấy lũ chuột nhắt này bao giờ. Mà có thấy thì chúng tôi cũng nhanh chân tẩu thoát, sao mà người bắt được. Bác chịu đòn là phải.
Mèo càng giận vì mỗi lần chuột cắn phá là người lại đem mèo ra đánh. Mèo kêu oan xin người trừng trị lũ chuột nhưng người không tin, còn nói:
- Mày chỉ đổ vấy đổ vá, nào thấy chuột bọ gì đâu.
Thế là lại một trận đòn nữa giáng xuống đầu mèo.
Một hôm, chẳng may người sơ xuất thế nào để bén lửa lên mái gianh. Nhà cháy rừng rực, cháy hết cả đồ đạc. Lũ chuột chui trong hang, trong nghách nóng quá không còn chỗ ẩn nấp liền thục mạng chạy túa ra cả sân. Lúc này, người thấy chuột ra nhiều quá mới cho là mèo nói đúng. Mèo giận chuột bèn nhảy ra vồ lấy một vài con để thanh minh với người. Khi vồ được chuột, mèo ngửi thấy mùi thịt chuột thơm thơm, đang lúc đói bụng, bèn chén luôn một con. Thấy ngon, mèo vồ luôn mấy con chuột khác nữa. Từ đấy về sau, mèo cứ rình chuột để ăn thịt, vừa là để hả cơn giận vừa là được món ăn ngon.
Còn lũ chuột từ đấy thì sợ nhất cháy nhà rồi sợ cả mèo. Còn mèo thì cũng chẳng cần phải đợi cháy nhà nữa mà nó rình chuột ở khắp mọi nơi. Cho đến ngày nay, lũ chuột vẫn bảo nhau:
- Sợ nhất cháy nhà. Nhà mà cháy thì có mà phơi mặt ra chết, mèo nó tha hồ mà xơi.
Qua sự tích trên, chúng ta thấy rằng: Chuột là đối tượng phá hoại, đục khoét thức ăn, đồ đạc của con người. Thế nhưng, chuột nó lanh lợi, nhỏ bé, khôn lỏi nên biết luồn lách, trốn chui lủi không cho người người nhìn thấy. Thành ra những hành động phá hoại của chuột bị con người đổ oan cho mèo. Đến khi nhà bị cháy mới lòi ra nhà rất nhiều chuột và những lần phá hoại, đục khoét đó là do chuột mà ra. Đó là lí do nhân gian ta có câu “cháy nhà mới ra mặt chuột”
Như vậy, “cháy nhà mới ra mặt chuột” là thành ngữ chỉ những đối tượng phá hoại, tham lam, ném đá giấu tay, ngấm ngầm hành động và giữ kín tung tích để trục lợi, mưu hại người khác mà người khác không phân biệt, phát hiện ra. Đến lúc có những biến cố xảy ra thì những kẻ xấu đó mới lộ diện, bản chất xấu xa được phơi bày. Do đó, khi gặp những tình huống như vậy người Việt ta sẽ dùng từ “cháy nhà mới ra mặt chuột”.
Trong cuộc sống, chúng ta gặp không ít những người có lối sống như vậy, họ sử dụng nhữ thủ đoạn, mánh khóe hoặc do may mắn mà họ có được thành công, những người xung quanh đều cùng nhau nịnh nọt, khen ngợi làm bổng lộc càng nhiều. Họ tưởng rằng mình có tài năng, cao quý và oai vệ lắm, nhưng rồi đến lúc thất bại mới biết được bộ mặt xấu xa của họ. Vì thế, con người sống với nhau hãy chân thật, đừng vì lợi ích cá nhân mà làm hại người khác. Nếu không, cuộc đời sẽ chẳng khác gì “cháy nhà mới ra mặt chuột”
- Chết giả mới biết dạ anh em.
- Tiền bạc đi trước mực thước đi sau.
- Lòng sông lòng bể dễ dò, ai từng bẻ thước mà đo lòng người.
- Cứu vật, vật trả ơn, cứu nhân, nhân trả oán.
- Nọc người bằng mười nọc rắn.
- Ai ơi cứ ở cho lành,
Tu nhân tích đức để dành về sau.
- Lúc nghèo thì chẳng ai nhìn
Đến khi đỗ trạng chín nghìn anh em.
- Nghèo thì dễ ở dễ ăn,
Giàu thì cửa ngáng, cửa ngăn khó vào.
- Làm người mà chẳng biết suy,
Đến khi nghĩ lại còn gì là thân.
- Làm người suy chín xét xa,
Cho từng gốc nhọc, cho ra vắn dài.
- Vịt chê lúa lép không ăn,
Chuột chê nhà trống ra nằm bụi tre.
- Tình thương quán cũng là nhà, lều tranh có nghĩa hơn tòa ngói cao.
- Làm việc phi pháp, sự ác đến ngay.
- Xởi lởi trời cởi cho, so do trời co lại.
- Đi dối cha, về nhà dối chú
- Ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối
- Làm người phải đắn phải đo,
Phải cân nặng nhẹ, phải dò nông sâu.
- Nước trong khe suối chảy ra
Mình chê nước đục, mình đà trong chưa?
- Đời cha đi hái hoa người,
Đời con phải trả nợ đời thay cha.
- Đời xưa trả oán còn lâu,
Đời nay trả oán bất câu giờ nào.
----------------------
Trên đây, Toploigiai đã sưu tầm điển tích và giải thích câu thành ngữ Cháy nhà mới ra mặt chuột. Đây là câu nói được người Việt ta sử dụng để mỉa mai những kẻ phá hoại, tham lam, ném đá giấu tay, ngấm ngầm hành động và giữ kín tung tích để trục lợi, mưu hại người khác mà người khác không phát hiện. Đến lúc mọi chuyện vỡ lẽ thì đúng là “Cháy nhà mới ra mặt chuột”. Chúc bạn có những giây phút thư giãn!