logo

[Chân trời sáng tạo] Soạn văn 6 bài Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống

Hướng dẫn Soạn văn 6 bài Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống trang 56 SGK Ngữ văn 6 tập 2 nằm trong bộ sách "Chân trời sáng tạo" được biên soạn theo chương trình đổi mới của Bộ giáo dục. Cùng đến với những hướng dẫn cụ thể và lời giải chi tiết sau đây để nắm vững bài học hiệu quả hơn nhé


1. Trước khi nói

a. Chuẩn bị nội dung nói

- Mục đích nói: chia sẻ ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình.

- Người nghe: thầy cô, bạn bè, người thân…

- Dựa vào trải nghiệm của bản thân để lựa chọn đề tài phù hợp. (Gợi ý: Quan hệ giữa các thành viên trong gia đình; việc chăm sóc lắng nghe thấu hiểu của cha mẹ với con cái; thái độ cư xử của con cái với cha mẹ…).

- Đọc lại văn bản trong SGK để có thêm ý tưởng.

- Tìm các thông tin liên quan từ sách, báo hoặc các phương tiện khác.

- Chuẩn bị tranh, ảnh minh họa (nếu cần).

- Ghi ra giấy những ý chính cần nói và sắp xếp theo trình tự.

b. Tập luyện

- Trình bày trước người thân và bạn bè… để được mọi người nhận xét, góp ý về cách trình bày, nội dung trình bày.

- Cách nói tự nhiên, gần gũi.


2. Hướng dẫn nói

Bước 1: Xác định đề tài, thời gian và không gian nói.

- Đề tài của bài nói đã được chuẩn bị ở phần viết.

- Mục đích của bài nói là để thuyết phục người nghe về vấn đề mà em trình bày. Do đó cần cân nhắc không gian và thời gian nói bằng cách trả lời những câu hỏi sau: Em dự định sẽ nói ở đâu và trong bao lâu? Em sẽ dành bao nhiêu thời gian cho phần trao đổi với người nghe?

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

Cần tìm thêm hình ảnh, đoạn phim ngắn, sơ đồ, bảng biểu để tăng tính thuyết phục cho bài nói. Dự kiến các ý kiến phản biện và chuẩn bị phần phản hồi.

Bước 3: Luyện tập và trình bày

- Khi luyện tập, cần chú ý:

+ Lựa chọn từ ngữ cho phù hợp với văn nói, sử dụng những từ nối: mặt khác, bên cạnh đó, thứ nhất, thứ hai, đầu tiên, tiếp đó… để phần trình bày mạch lạc, rõ ràng, sử dụng một số cấu trúc để nhấn mạnh ý tưởng: phủ định của phủ định, cấu trúc điệp…

+ Chuẩn bị phần mở đầu và phần kết hấp dẫn: đưa ra một hình ảnh ấn tượng, có tính ẩn dụ; kể một câu chuyện ngắn gọn, hấp dẫn; chiếu một đoạn phim ngắn hoặc đưa ra một sự vật để khơi gợi trí tò mò…

- Khi trình bày, cần:

+ Dựa vào phần tóm tắt đã chuẩn bị.

+ Trình bày từ khái quát đến cụ thể.

+ Kết nối các tư liệu trực quan.

+ Chú ý tương tác với khán giả…

d. Bước 4: Trao đổi và đánh giá

- Khi trao đổi với người nghe cần có thái độ cầu thị, nghiêm túc lắng nghe và ghi chép ý kiến của khán giả.

- Lựa chọn một số câu hỏi ý kiến phản biện quan trọng để phản hồi.

- Sau buổi trao đổi, có thể tiếp tục trao đổi thêm về những ý kiến chưa được làm rõ.


3. Bài nói tham khảo

Vấn đề cần trình bày: Những việc cần làm để gia đình trở thành một tổ ấm yêu thương.

- Mở đầu: Kính chào thầy cô và các bạn, sau đây tôi xin phép được trình bày về vấn đề… (nội dung vấn đề)

- Trình bày vấn đề:

Gia đình có vai trò thật quan trọng đối với con người. Vậy đây là những việc cần làm để gia đình trở thành một tổ ấm yêu thương?

Trước hết, chúng ta cần phải hiểu được rằng một gia đình luôn yêu thương, đầm ấm thì sẽ tạo ra những thành viên tích cực. Họ sẽ biết chia sẻ buồn vui cùng nhau, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn và bảo vệ nhau trong cuộc sống. Đặc biệt, khi con người trưởng thành sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, chông gai. Nhưng nếu có gia đình luôn đứng phía sau động viên, khích lệ thì sẽ có được nguồn động lực to lớn để vượt qua.

Tình cảm gia đình là thứ thiêng liêng nhất không gì có thể sánh được. Của cải, vật chất là những thứ có thể mua được, nhưng những tình cảm gia đình thì thật sự là vô giá. Nhưng để có một gia đình bình yên, hạnh phúc phải đến từ sự cố gắng của các thành viên trong gia đình. Không chỉ ở cha mẹ mà còn cả con cái.

Cha mẹ không chỉ là tấm gương để con học tập theo, mà cần trở thành một người bạn của con. Có nghĩa là cha mẹ sẽ cùng chia sẻ với con những vấn đề trong cuộc sống, đưa ra những lời khuyên hay lời động viên đúng lúc. Còn con cái thì cần biết vâng lời, lễ phép và học tập những đức tính tốt đẹp của cha mẹ. Khi gặp phải vấn đề khó khăn trong cuộc sống, con cái nên chia sẻ với cha mẹ để có thể nhận được sự thấu hiểu, hay lời khuyên đúng đắn. Đối với anh chị em trong một gia đình cần sống hòa thiện, nhường nhịn, chia sẻ và giúp đỡ nhau. Có đôi khi, tình yêu thương lại xuất phát từ những hành động vô cùng nhỏ bé. Đó có thể là cả gia đình cùng nhau ăn một bữa cơm, lời nhắc nhở người cha người mẹ mặc ấm, cùng chụp chung một tấm ảnh vào năm mới… Tuy nhỏ bé nhưng lại đem đến sự ấm áp vô cùng.

Xã hội càng hiện đại, con người càng trở nên vô tâm. Duy chỉ có gia đình là đem đến cho con người tình yêu thương chân thành nhất. Bởi vậy chúng ta cần phải biết quý trọng những người thân yêu. Mỗi thành viên trong gia đình hãy cùng nhau xây dựng một tổ ấm hạnh phúc.

- Kết thúc: Dưới đây là phần trình bày của tôi, cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe.

icon-date
Xuất bản : 24/01/2022 - Cập nhật : 24/01/2022