Hướng dẫn Cảm thụ văn học lớp 5 bài Trước cổng trời hay nhất. Cùng với những kiến thức về tác giả Nguyễn Đình Ảnh và bài thơ Trước cổng trời là tài liệu hữu ích phục vụ cho các em học tập, cùng tìm hiểu nhé!
Trả lời:
Vẻ đẹp của thiên nhiên và con người luôn là nguồn cảm hứng vô tận của mọi nhà văn, nhà thơ ở mọi thời đại. Đến với bài thơ “Trước cổng trời ” của Nguyễn Đình Ảnh ta sẽ được chiêm ngưỡng một bức tranh tuyệt đẹp về thiên nhiên và con người vùng sơn cước.
Bài thơ thể hiện tình yêu tha thiết của nhà thơ đối với miền đất cực Bắc của Tổ quốc- một vùng núi cao hiểm trở nhưng có một khung cảnh thiên nhiên hoang dã và rất nên thơ. Vùng cổng trời được miêu tả như một bức tranh vô cùng lộng lẫy. Không gian của cổng trời được giới thiệu:
Giữa hai bên vách đá
Mở ra một khoảng trời
Có gió thoảng mây trôi
Cổng trời trên mặt đất?
Câu hỏi tu từ cuối khổ thơ như là một sự ngỡ ngàng của tác giả với vẻ đẹp nơi đây. Cổng trời trên mặt đất là khoảng trời có gió, có mây giữa hai bên vách đá, nơi núi cao tưởng như là nơi gặp gỡ giữa trời và đất. Từ cổng trời nhìn ra qua màn sương khói huyền ảo ta thấy một bức tranh thiên nhiên thật thơ mộng:
Nhìn ra xa ngút ngát
Bao sắc màu cỏ hoa
Con thác réo ngân nga
Đàn dê soi đáy suối
Giữa ngút ngàn cây trái
Dọc vùng rừng nguyên sơ
Không biết thực hay mơ
Ráng chiều như hơi khói...
Khung cảnh thiên nhiên có đủ cỏ cây, hoa lá, cái gì cũng thật tuyệt. Bao sắc màu cỏ hoa đang đua nhau khoe sắc dưới ánh nắng mặt trời. Xa xa, kia là thác nước trắng xóa đổ xuống triền núi cao vang vọng, ngân nga như khúc nhạc của đất trời ngợi ca vẻ đẹp của núi rừng. Bên dòng suối mát trong uốn lượn dưới chân núi, đàn dê thong dong, soi mình xuống đáy nước. Hình ảnh “Đàn dê soi đáy suối “ gợi lên những chú dê xinh xắn, đáng yêu, biết làm duyên, làm dáng khiến cảnh vật trở nên sinh động và hữu tình hơn. Ở đây biện pháp tu từ so sánh và nhân hóa được tác giả sử dụng thật tinh tế đã giúp nhà thơ vẽ ra một bức tranh thiên nhiên có cảnh sắc nên thơ và khoáng đạt. Bức tranh ấy có thơ, có nhạc và có họa. Đặc biệt khi ráng chiều buông xuống bức tranh ấy lại trở nên huyền ảo hơn khiến ta có cảm giác như lạc vào chốn thần tiên kì ảo... Thiên nhiên đẹp nhưng rất đỗi thanh bình. Tác giả đã lựa chọn những từ ngữ có khả năng gợi tả vẻ đẹp tự nhiên, trong sáng lạ thường và tràn đầy sức sống.
Giữa khung cảnh thiên nhiên ấy, con người xuất hiện trong sự tất bật, rộn ràng và họ đã có một mùa vàng bội thu:
Những vạt nương màu mật
Lúa chín ngập lòng thung
“Màu mật” là màu của lúa chín trĩu bông, là màu của sự no đủ. Từ “ngập” lại càng thể hiện rõ hơn cảnh được mùa của con người nơi đây. Con người hăng say lao động. Họ hòa cùng thiên nhiên, cây cỏ làm cho bức tranh thiên nhiên trở nên sinh động hơn, ấm áp hơn. Hình ảnh con người lao động giữa khung cảnh thiên nhiên ấy trông thật đáng yêu, đáng quý. Nhịp thơ gấp gáp gợi tả cảnh lao động nhộn nhịp làm cho ta cảm giác núi rừng nơi cổng trời không còn lạnh giá, hoang vu mà thật trù phú, ấm áp:
Người Tày từ khắp ngả
Đi gặt lúa trồng rau
Những người Giáy, người Dao
Đi tìm măng, hái nấm
Vạt áo chàm thấp thoáng
Nhuộm xanh cả nắng chiều
“Áo chàm ” là trang phục đặc trưng của nhân dân các dân tộc miền núi. Hình ảnh hoán dụ vạt áo chàm “nhuộm’ xanh cả nắng chiều là hình ảnh đẹp nhất trong bài thơ. Hình ảnh này giúp ta thấy được con người đã làm chủ bức tranh thiên nhiên . Sự xuất hiện của con người trong sự lao động hăng say và trong mối quan hệ hài hòa với thiên nhiên đã làm cho cánh rừng sương giá trong mùa đông trở nên ấm áp.
Bài thơ thể hiện cảm xúc thích thú, say sưa, ngỡ ngàng của tác giả trước vẻ đẹp thiên nhiên. Chính cảm xúc đó đã giúp nhà thơ vẽ nên một bức tranh về cổng trời thật đẹp và ấm cúng. Con người và thiên nhiên nơi đây tràn đầy sức sống và đáng yêu. Đọc bài thơ ta thêm yêu, thêm quý, thêm tự hào về đất nước Việt Nam tươi đẹp.
Nguyễn Đình Ảnh (1942-2006) là nhà thơ, quê ở xã Sơn Dương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Hội viên Hội nhà văn Việt Nam năm 1987. Ông tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội. Vào bộ đội quân chủng Phòng không - Không quân năm 1964. Làm sĩ quan và phóng viên mặt trận. Năm 1975 chuyển ngành về Phú Thọ. Nguyên Uỷ viên Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Nguyên Uỷ viên Uỷ ban Mặt trận TQVN tỉnh Phú Thọ, Nguyên Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội VHNT Phú Thọ.
Nguyễn Đình Ảnh đã nhận được các giải thưởng văn học: giải thưởng của báo Người giáo viên nhân dân (bài Thăm trường, 1961), tặng thưởng của Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2000, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư tưởng văn hoá” năm 2005, giải thưởng Hùng Vương về văn học của Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ với tập thơ Sắc cầu vồng.
a. Tập đọc Trước cổng trời
Trước cổng trời
Giữa hai bên vách đá Mở ra một khoảng trời Có gió thoảng, mây trôi Cổng trời trên mặt đất? Nhìn ra xa ngút ngát Bao sắc màu cỏ hoa Con thác réo ngân nga Đàn dê soi đáy suối Giữa ngút ngàn cây trái Dọc vùng rừng nguyên sơ Không biết thực hay mơ Ráng chiều như hơi khói... |
Những vạt nương màu mật Lúa chín ngập lòng thung Và tiếng nhạc ngựa rung Suốt triền rừng hoang dã Người Tày từ khắp ngả Đi gặt lúa, trồng rau Những người Giáy, người Dao Đi tìm măng, hái nấm Vạt áo chàm thấp thoáng Nhuộm xanh cả nắng chiều Và gió thổi, suối reo Ấm giữa rừng sương giá. |
Chú thích:
- Nguyên sơ: Vẫn còn nguyên vẻ tự nhiên như lúc ban đầu.
- Vạt nương: Mảnh đất trồng trọt trải dài trên đồi, núi.
- Triền: Dải đất thoai thoải ở hai bên bờ sông hoặc hai bên sườn núi.
- Sương giá: Sương lạnh buốt (vào mùa đông).
b. Câu hỏi của bài Trước cổng trời
Câu 1: Vì sao địa điểm tả trong bài thơ được gọi là “cổng trời”?
Trả lời: Địa điểm trong bài thơ được gọi là “cổng trời” vì nơi đó là một đèo cao giữa hai vách đá, từ đỉnh đèo có thể nhìn thấy cả một khoảng trời lộ ra, có mây bay, có gió thoảng, tạo cảm giác như đó là cổng để đi lên trời.
Câu 2: Em hãy tả lại vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên trong bài thơ?
Trả lời:
Qua màn sương khói huyền ảo, từ cổng trời nhìn ra có thể thấy cả một không gian bất tận với những cánh rừng ngút ngàn cây trái và muôn vàn sắc màu cỏ hoa. Dưới thung lũng, lúa đã chín vàng màu mật ong. Xa xa, thác nước trắng đổ từ triền núi cao xuống vang vọng ngân nga như khúc nhạc của đất trời. Bên dòng suối mát, đàn dê thong dong soi bóng mình. Không gian thật nguyên sơ, ta như bước vào cõi mơ.
Câu 3: Trong những cảnh vật được miêu tả, em thích nhất cảnh vật nào? Vì sao?
Phương pháp giải:
Em chọn cảnh vật mình thích trong bài thơ và giải thích.
Trả lời:
- Em thích nhất cảnh vật trong đoạn đầu bài thơ:
Giữa hai bên vách đá
Mở ra một khoảng trời
Có gió thoảng, mây trôi
Cổng trời trên mặt đất?
- Bởi vì: đứng ở cổng trời, ngửa đầu nhìn lên thấy khoảng không có gió thoảng mây trôi, em có cảm giác như đang đi lên trời, bước vào thế giới huyền ảo của truyện cổ tích.
Câu 4: Điều gì đã khiến cho cánh rừng sương giá như ấm lên?
Phương pháp giải:
Em hãy đọc đoạn: Những vạt nương màu mật... đến hết.
Trả lời:
Cảnh rừng sương giá như ấm lên bởi có hình ảnh con người. Ai nấy đều tất bật rộn ràng vì công việc, người Tày từ khắp các ngả đi gặt lúa, trồng rau, người Giáy, người Dao đi tìm măng hái nấm, tiếng xe ngựa vang lên suốt triền rừng hoang dã, những vạt áo chàm nhuộm xanh cả nắng chiều.