logo

Cảm nhận về nhân vật ông Hai trong đoạn trích "Cổ ông lão nghẹn ắng hằn lại"

Kim Lân là nhà văn chuyên viết về cuộc sống nông thôn. Một trong những tác phẩm của ông là truyện ngắn Làng với nhân vật chính là ông Hai – một người phải rời làng của mình để đến nơi tản cư. Dưới đây là hướng dẫn Cảm nhận về nhân vật ông Hai trong đoạn trích Cổ ông lão nghẹn ắng hằn lại. Mời các em cùng tham khảo!

Đề bài:

Cảm nhận của em về nhân vật ông Hai trong đoạn trích sau:

Cổ ông lão nghẹn ắng hằn lại, da mặt tê rần rần. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được. Một lúc lâu ông mới rặn è è, nuốt một cái gì vướng ở có, ông cất tiếng hỏi, giọng lạc hẳn đi:

- Liệu có thật không hở bác? Hay là chỉ lại …

[...] Ông lão vờ vờ đứng lảng ra chỗ khác, rồi đi thẳng [...]

Ông Hai cúi gằm mặt xuống mà đi. Ông thoáng nghĩ đến vụ chủ nhà.

Về đến nhà, ông Hai nằm vật ra giường, mấy đứa trẻ thấy bố hôm nay có vẻ khác, len lén đưa nhau ra đầu nhà chơi sặm chơi sụi với nhau.

Nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lão cứ giàn ra. Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư? Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu... Ông lão năm chặt hai tay lại mà rít lên:

- Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này.

Ông lão bỗng ngừng lại, ngơ ngơ như lời mình không được đúng lắm. Chả nhẽ cái bọn ở làng lại đốn đến thế được. Ông kiểm điểm từng người trong óc. Không mà, họ toàn là những người có tinh thần cả mà. Họ đã ở lại làng, quyết tâm một sống một chết với giặc, có đời nào lại cam tâm làm điều nhục nhã ấy!...

Nhưng sao lại nẩy ra cái tin như vậy được? Mà thằng chánh Bệu thì đích thị là người làng không sai rồi. Không có lửa thì sao có khói? Ai người ta hơi đâu bịa tạc ra những chuyện ấy làm gì. Chao ôi! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian! Rồi đây biết làm ăn, buôn bán ra sao? Ai người ta chứa. Ai người ta buôn bán mấy. Suốt cả cái nước Việt Nam này người ta ghê tởm, người ta thù hằn cái giống Việt gian bán nước… Lại còn bao nhiêu người làng, tan tác mỗi người một phương nữa không biết họ đã rõ cái cơ sự này chưa?…

(Trích Làng, Kim Lân, Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo Dục, 2014, tr 165 - 166)


Dàn ý Cảm nhận về nhân vật ông Hai trong đoạn trích Cổ ông lão nghẹn ắng hằn lại

a. Mở bài

- Kim Lân là nhà văn chuyên viết về cuộc sống nông thôn.

- Một trong những tác phẩm của ông là truyện ngắn Làng với nhân vật chính là ông Hai – một người phải rời làng của mình để đến nơi tản cư.

b. Thân bài   

Luận điểm 1: tình yêu làng

* Luận cứ 1: niềm tự hào , kiêu hãnh của ông hai về làng của mình

- Dù đã rời làng nhưng ông vẫn: 

+ Nghĩ về làng của mình, nghĩ về những buổi làm việc cùng anh em 

+ Lo lắng, nhớ đến làng: “Chao ôi! Ông lão nhớ cái làng này quá ”

* Luận cứ 2 : tâm trạng của ông hai khi nghe tin làng chợ dầu đi theo giặc :

- Cổ ông nghẹn, giọng lạc hẳn đi.

- Lúc đầu ông không tin nên hỏi lại.

- Ông quá xấu hổ nên đã chép miệng , đánh trống lãng: ”Hà, nắng gớm, về nào… “ rồi cúi mặt mà đi.

- Khi về nhà, ông nằm vật ra giường. Tối hôm đó thì trằn trọc không ngủ được. 

- Ông nhìn dám trẻ ngây thơ mà bị mang tiếng việt gian rổi khóc.

- Ông điểm lại mọi người trong làng nhưng thấy ai cũng có tinh thần cả nên ông vẫn không tin lại có ai làm điều nhục nhã ấy.

- Lo sợ sẽ bị bà chủ nhà đuổi vì ông biết rằng nơi đây ai cũng khinh bỉ và không chứa chấp việt gian.

* Luận cứ 3: tâm trạng ông hai sau khi nghe tin làng được cải chính

- Mặt ông hai vui tươi, rạng rỡ hẳn lên.

- Về nhà, ông chia quà cho lũ trẻ xong liền chạy khắp xóm để loan tin.

- Ông qua nhà bác Thứ và kể chuyện làng của mình.

Luận điểm 2: tình yêu nước :

- Tình yêu làng là cơ sở cho tình yêu nước. 

- “Ruột gan ông lão cứ múa cả lên, vui quá!” khi nghe các tin dân ta đánh Tây từ phòng thông tin.

- Ông và con ông đều ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh (cuộc đối thoại giữa 2 cha con gần cuối bài – đoạn chữ nhỏ).

c. Kết bài 

- Ông hai là một người rất rất yêu làng và yêu nước của mình.

- Hai điều trên đã được tác giả làm rõ qua cách xây dựng nhiều tình huống truyện khác nhau, miêu tả tâm lí nhân vật qua những cuộc đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm đa dạng.

Cảm nhận về nhân vật ông Hai trong đoạn trích Cổ ông lão nghẹn ắng hằn lại

>>> Xem thêm: Mở bài phân tích nhân vật ông Hai


Suy nghĩ về nhân vật ông Hai trong tác phẩm Làng

Tình yêu làng quê, đã từ lâu, gần như trở thành một tình cảm hiện hữu trong đời sống tình cảm của người nông dân Việt Nam. Ông Hai cũng vậy. Tình cảm mà ông dành cho làng Chợ Dầu thân yêu không chỉ dừng ở vẻ đẹp bên ngoài với đường lát đá xanh, nhà gạch san sát,…mà còn về tất cả mọi thứ có trong làng. Lòng yêu làng xóm quê hương đã tạo nên một ông Hai rất đặc biệt trong đoạn trích truyện ngắn Làng của Kim Lân.

Đoạn trích mở ra khi ông Hai cùng gia đình đã đi tản cư. Nhưng không vì lẽ đó mà ông quên làng Chợ Dầu, ngược lại, ông thường đi khoe làng với mọi người ở nơi ở mới. Kim Lân đã khéo léo khi xây dựng ông Hai với một thói quen rất lạ nhưng đáng yêu đó. Khoe làng tuyệt nhiên không phải vì hợm hĩnh mà chỉ đơn thuần ông muốn san sẻ tình yêu làng nồng nàn trong con tim mình với mọi người. Những lúc rảnh rỗi, ông vào phòng thông tin nghe đọc báo. Dù thực sự khổ tâm vì không thể tự đọc nhưng ông luôn thích thú khi nghe “lỏm” được tin về chiến công của quân ta, những lúc đó “ruột gan ông lão cứ múa cả lên, vui quá”. Sự nhớ nhung khôn nguôi về làng Chợ Dầu tạo thành thói quen khoe làng cùng lòng vui sướng khi nghe những thành công của cuộc kháng chiến cho ta thấy một ông Hai với lòng yêu làng, ủng hộ cách mạng rất trong sáng, rất tiêu biểu của những người nông dân Việt Nam.

Nhưng như người xưa đã nói, cái gì cũng cần thời gian thử thách. Lòng yêu làng, yêu nước của ông bị đặt vào một tình huống éo le: làng Dầu của ông theo giặc. Tin này như một đòn giáng mạnh vào lòng tin và tình yêu sẵn có trong lòng ông, làm ông chao đảo. Nghệ thuật miêu tả tâm lí tài tình của Kim Lân đã được bộc lộ rõ ở đây. Ông Hai hỏi đi hỏi lại mãi người phụ nữ vừa mới tản cư lên, cổ ông nghẹn ắng lại, da mặt tê tê rân rân, ông lặng đi như ngừng thở… Tin đó quá bất ngờ và quá dữ dội đối với ông. Sau bất ngờ, ông trở nên xấu hổ, cứ “cúi gằm mặt xuống mà đi” và lo nghĩ. Ngôn ngữ độc thoại nội tâm được tác giả sử dụng thật tài tình. Ông Hai kiểm chứng lại tin đồn, ngờ ngợ, tự nhủ với bản thân rằng lẽ nào người trong làng lại làm thế. Như muốn an ủi bản thân nhưng rồi những chứng cứ không thể chối .cãi với những cái tên không thể sai đã dập tắt hi vọng của ông. Ông nắm chặt tay lại mà rít lên: “Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này”. Chỉ với một câu thôi mà ta như thấy được sự chênh vênh, bấp bênh giữa tình yêu làng nước và lòng tin trong lòng ông Hai. Sự việc được đẩy lên đỉnh điểm khi mụ chủ nhà nói xa nói gần muốn đuổi gia đình ông. Nó đẩy ông đến bờ vực chọn lựa: về làng tức là bỏ kháng chiến, không theo Cụ Hồ, nhưng ông cũng vẫn còn yêu cái làng Chợ Dầu của ông lắm lắm, mặc dù ông đã lo sợ, đã xấu hổ… từ khi nghe tin làng theo giặc. Tự trong thâm tâm, phải yêu làng lắm ông mới đau khổ đến như vậy.

Nhưng rồi, ông đã dũng cảm gạt tình yêu làng sang một bên, “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Sự đấu tranh tâm lý đã cho ông một sự lựa chọn dứt khoát nhưng cũng để lại trong lòng ông một nỗi đau buồn lớn. Như để khẳng định lại lòng yêu nước của mình, ông hỏi đứa con trai út:

” – Thế nhà con ở đâu?

– Nhà ta ở làng Chợ Dầu. [… ]

– À, thầy hỏi con nhé. Thế con ủng hộ ai?

Thằng bé giơ tay lên, mạnh bạo và rành rọt:

– Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm”.

Không, ông không quên làng Chợ Dầu nhưng ông sống vì cách mạng. Câu trả lời ngây thơ, trong sáng và thành thực của cậu con trai út như tiếng lòng của ông, khẳng định tấm lòng trong sạch và son sắt của bố con ông. Tác giả đã đặt ông Hai vào một hoàn cảnh đặc biệt để nhân vật hộc lộ những phẩm chất và tính cách đáng quý của lòng yêu nước.

Rồi cũng đến lúc ông Hai được nghe tin cải chính về làng Chợ Dầu thân yêu của mình. Sự vui sướng của ông được bộc lộ qua cử chỉ mua bánh cho con, rồi lật đật tới nhà bác Thứ, mụ chủ nhà,… để báo tin. Ông không kịp nói gì nhiều, chỉ nói về cái nhà mình bị đốt, về làng Chợ Dầu không theo giặc. Những tưởng chuyện nhà bị đốt là chi tiết không hợp lí khi để ông Hai vui mừng kể lại nhưng thực ra, ẩn sau đó là những gì thối nát mục ruỗng của chế độ cũ đã bị thiêu đốt hay lòng nghi ngờ đã bị thiêu đốt? Đó là minh chứng cho sự trong sạch của lòng ông. Rồi ông lại “vén quần lên tận bẹn mà nói chuyện về cái làng của ông”, cứ như thể ông vừa từ trong làng ấy bước ra.

Để xây dựng thành công nhân vật ông Hai, Kim Lân đã dựng được một tình huống truyện rất đặc biệt mà qua đó nhân vật bộc lộ được chiều sâu tâm trạng. Nghệ thuật miêu tả tâm lí trong Làng rất tinh tế, thông qua từng cử chỉ, hành động, ý nghĩ, lời nói,… làm cho nhân vật trở nên sống động, hấp dẫn. Khả năng sử dụng ngôn ngữ đối thoại cùng độc thoại nội tâm linh hoạt đã tạo nên một ông Hai rất điển hình của người nông dân Việt Nam yêu nước nhưng vẫn có được những nét riêng, dấu ấn riêng của bản thân mình.

Ông Hai – nhân vật điển hình của người nông dân trong kháng chiến chống thực dân Pháp: tình yêu làng xóm đã được hòa quyện, gắn bó với tình yêu quê hương đất nước.


Cảm nghĩ về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng - Mẫu 1

Thời chiến là thời kì lòng yêu nước của dân ta được đẩy lên đến đỉnh cao. Nhờ đó, biết bao nhiêu tác phẩm ra đời nhằm ca ngợi sức mạnh ấy của dân tộc. Một trong số những tác phẩm tiêu biểu về tình yêu quê hương làng xóm đặt trong lòng yêu nước đó là truyện ngắn “Làng” của nhà văn Kim Lân. Truyện đã dắt người đọc đi qua những cung bậc cảm xúc chân thực sống động và đa dạng thông qua nhân vật ông Hai – một lão nông yêu làng.

Tình yêu làng của ông Hai được bộc lộ rõ rệt trong giai đoạn đi tản cư. Kháng chiến bùng nổ, ông cùng gia đình hòa vào dòng người rời làng đi tản cư đến một miền quê xa lạ. Từ đó ông phải rời xa ngôi làng yêu dấu đã gắn bó từ thuở ấu thơ. Làng Chợ Dầu là niềm kiêu hãnh của ông, ông tự hào vì ngôi làng đã có biết bao chiến công trong kháng chiến hào hùng chung của đất nước. Ông yêu làng da diết sâu nặng. Ở nơi tản cư, ngày nào ông cùng hoài niệm về những tháng ngày “làm việc cùng anh em”. Ông nhớ làng, nhớ nhà, nỗi nhớ ấy kết thành một nỗi buồn dằn vặt trong tâm trí ông.

Yêu làng nên ông có cái tính khoe làng. Làng Dầu anh hùng cùng tham gia vào cuộc chiến đấu chung của toàn dân tộc “Cả giới phụ lão có cụ râu tóc bạc phơ cũng vác gậy đi tập một hai” trong những ngày dồn dập khởi nghĩa. Cái nhớ làng làm ông bực bội, ít nói ít cười, ông phải “đi chơi cho khuây khỏa”. Ông không biết chữ nên ông coi đó là điều cản trở ông nghe ngóng tin tức, ông tìm mọi cách để biết tin kháng chiến ở mọi nơi và “chẳng sót một câu nào”. Khi nghe tin chiến thắng của quân dân ta, ruột gan ông cứ múa cả lên, ông vui mừng vì thắng lợi của dân tộc đó là biểu hiện của lòng yêu nước sâu sắc.

Càng yêu làng bao nhiêu thì ông càng lo âu dằn vặt bấy nhiêu kể từ khi ông nghe tin làng mình theo giặc. Bao nhiêu tình cảm sâu nặng dường như bộc phát trong tin báo bất ngờ, ông Hai sững sờ, xấu hổ và uất ức: “cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi tưởng như không thở được”. Ông cố gắng không tin, không muốn tin vì kỉ niệm về làng trong ông đều là những ngày tháng chiến đấu hào hùng tốt đẹp của dân làng. Nhưng rồi những nhân chứng sống là những người tản cư đã kể rành rọt quá, lại khẳng định họ “vừa ở dưới ấy lên”. Điều đó làm ông không thể không tin. Niềm tự hào về làng thế là sụp đổ tan tành. Ông không ngờ ngôi làng mà ông yêu quý nhất đã quay quay lưng với Tổ quốc. Tuy ông không phải là người phản bội Tổ quốc, nhưng ông cảm thấy xấu hổ trước bà con khi ông cũng là một con dân làng Chợ Dầu. Ông Hai đau khổ vì nơi mà ông yêu thương nhung nhớ nhất cũng chính là nơi làm ông mất đi niềm tin, hạnh phúc và sự tự hào. Từ khi nghe được tin, ông không ngừng ám ảnh day dứt. Nghe tiếng người người chửi bọn Việt gian, ông xấu hổ “cúi gằm mặt mà đi”, về đến nhà thì “nước mắt ông lão cứ giàn ra”. Ông tức giận khi phải mang nỗi nhục bán nước. Thế nhưng cũng chính lúc này, nét đẹp tâm hồn của ông Hai bộc lộ rõ hơn bao giờ hết. Tình huống ấy đã buộc ông Hai phải chọn lựa quê hương hay tổ quốc. Lời nói của đứa con thơ đã cảnh tỉnh ông: “Không thể được! Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Tình yêu làng dẫu có tha thiết đến đâu cũng không thể sánh bằng tình yêu đất nước, yêu đồng bào dân tộc và niềm tin vào kháng chiến và Cụ Hồ.

Tình yêu làng, yêu nước của ông Hai được thể hiện ra ngoài rõ rệt khi nghe tin cải chính về ngôi làng Chợ Dầu anh hùng kháng chiến . Ông Hai vui sướng và “rạng rỡ hẳn lên” mặc dù nhà ông đã bị “đốt nhẵn”. Đối với người nông dân, căn nhà là cơ nghiệp của cả một cuộc đời, vậy mà ông sung sướng khi “Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ” một cách tự hào như thể đó là tin mừng. Cái nhà bị đốt như thể càng minh chứng thêm cho việc làng Dầu kiên cường chống giặc. Niềm tự hào vui sướng về ngôi làng đã quay trở lại trong ông. Có thể nói, lòng yêu làng của ông Hai là cội nguồn của lòng yêu nước.

Đọc truyện, ta như được đắm chìm vào từng mạch cảm cảm xúc của nhân vật ông Hai. Nhà văn Kim Lân đã miêu tả diễn biến nội tâm nhân vật một cách chi tiết và sắc nét. Nhân vật ông Hai đã gây được ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc bởi sự ám ảnh, day dứt cùng niềm vui sướng mãnh liệt, tất thảy đó là những cung bậc cảm xúc chân thực mà lão nông yêu nước ấy đã trải qua. Phải thấu hiểu những người nông dân hiền lành ấy đến nhường nào thì nhà văn Kim Lân mới nhập tâm vào từng cử chỉ suy nghĩ và cảm xúc của nhân vật đến như thế. Cùng với hình thức trần thuật đối thoại cũng như độc thoại, nhân vật ông Hai đã từng bước đi vào lòng người đọc và đánh thức lòng yêu nước trỗi dậy trong mỗi người.

Qua truyện ngắn “Làng” và nhân vật ông Hai, Kim Lân đã khắc hoạ thành công hình tượng người nông dân chất phác luôn yêu làng, yêu nước và tin tưởng vào kháng chiến. Những suy nghĩ tình cảm của họ được phản ánh một cách chân thực và mang tính giáo dục sâu sắc cho độc giả. Đọc truyện, ta càng thêm khâm phục và yêu thương biết bao tình yêu nước và sự hy sinh cao cả của những thế hệ đi trước và từ đó tự rút ra bài học quý giá cho bản thân.


Cảm nghĩ về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng - Mẫu 2

Kim Lân là nhà văn có vốn sống vô cùng phong phú và sâu sắc về nông thôn Việt Nam. Các sáng tác của ông đều xoay quanh cảnh ngộ và sinh hoạt của người nông dân. Văn bản “Làng” được sáng tác vào thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ,với nhân vật chính là ông Hai, một lão nông hiền lành ,yêu làng ,yêu nước và gắn bó với kháng chiến.

Ông Hai cũng như bao người nông dân quê từ xưa luôn gắn bó với làng quê của mình. Ông yêu quí và tự hào về làng Chợ Dầu và hay khoe về nó một cách nhiệt tình, hào hứng. Ở nơi tản cư ông luôn nhớ về làng, theo dõi tin tức kháng chiến và hỏi thăm về Chợ Dầu .

Tình yêu làng của ông càng được bộc lộ một cách sâu sắc và cảm động trong hoàn cảnh thử thách. Kim Lân đã đặt nhân vật vào tình huống gay gắt để bộc lộ chiều sâu tình cảm của nhân vật. Đó là tin làng chợ Dầu lập tề theo giặc. Từ phòng thông tin ra, đang phấn chấn, náo nức vì những tin vui của kháng chiến thì gặp những người tản cư, nghe nhắc đến tên làng, ông Hai quay phắt lại, lắp bắp hỏi, hy vọng được nghe những tin tốt lành, nào ngờ biết tin dữ: “Cả làng Việt gian theo Tây ”. Tin bất ngờ ấy vừa lọt vào tai đã khiến ông bàng hoàng, đau đớn : “Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân ,ông lão lặng đi tưởng như đến không thở được, một lúc lâu ông mới rặn è è nuốt một cái gì vướng ở cổ. Ông cất tiếng hỏi, giọng lạc hẳn đi ”nhằm hy vọng điều vừa nghe không phải là sự thật. Trước lời khẳng định chắc chắn của những người tản cư, ông tìm cách lảng về.

Về đến nhà ông chán chường “nằm vật ra giường”, nhìn đàn con nước mắt ông cứ giàn ra “ chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư?”. Ông căm thù những kẻ theo Tây, phản bội làng, ông nắm chặt hai tay lại mà rít lên: “chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này ”. Niềm tin, nỗi ngờ giằng xé trong ông. Ông kiểm điểm lại từng người trong óc, thấy họ đều có tinh thần cả “có đời nào lại cam tâm làm cái điều nhục nhã ấy ”. Ông đau xót nghĩ đến cảnh “người ta ghê tởm, người ta thù hằn cái giống Việt gian bán nước”. Suốt mấy ngày liền ông chẳng dám đi đâu, “chỉ ở nhà nghe ngóng binh tình”, lúc nào cũng nơm nớp tưởng người ta đang để ý, đang bàn tán đến cái chuyện làng mình. Nỗi ám ảnh, day dứt, nặng nề biến thành sự sợ hãi thường xuyên trong ông. Ông đau đớn, tủi hổ như chính ông là người có lỗi…

Tình thế của ông càng trở nên bế tắc, tuyệt vọng khi bà chủ nhà có ý đuổi gia đình ông với lý do không chứa người của làng Việt gian. Trong lúc tưởng tuyệt đường sinh sống ấy, ông thoáng có ý nghĩ quay về làng nhưng rồi lại gạt phắt ngay bởi “về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ là “cam chịu quay trở lại làm nô lệ cho thằng Tây”.

Tình yêu làng lúc này đã lớn rộng thành tình yêu nước bởi dẫu tình yêu, niềm tin và tự hào về làng Dầu có bị lung lay nhưng niềm tin và Cụ Hồ và cuộc kháng chiến không hề phai nhạt. Ông Hai đã lựa chọn một cách đau đớn và dứt khoát: “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù!”. Dù đã xác định thế nhưng ông vẫn không thể dứt bỏ tình cảm của mình đối với quê hương. Bởì thế mà ông càng xót xa, đau đớn…

Trong tâm trạng bị dồn nén và bế tắc ấy, ông chỉ còn biết tìm niềm an ủi trong lời tâm sự với đứa con trai nhỏ. Nói với con mà thực ra là đang trút nỗi lòng mình. Ông hỏi con những điều đã biết trước câu trả lời: “Thế nhà con ở đâu?”, “thế con ủng hộ ai ?”. Lời đứa con vang lên trong ông thiêng liêng mà giản dị: “Nhà ta ở làng Chợ Dầu”, “ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm !”. Những điều ấy ông đã biết, vẫn muốn cùng con khắc cốt ghi tâm. Ông mong “anh em đồng chí biết cho bố con ông, tấm lòng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai, chết thì chết có bao giờ dám đơn sai ”. Những suy nghĩ của ông như những lời nguyện thề son sắt. Ông xúc động, nước mắt “chảy ròng ròng trên hai má”. Tấm lòng của ông với làng, với nước thật sâu nặng, thiêng liêng. Dẫu cả làng Việt gian thì ông vẫn một lòng trung thành với kháng chiến, với Cụ Hồ .

May thay, tin đồn thất thiệt về làng Chợ Dầu được cải chính. Ông Hai sung sướng như được sống lại. Ông đóng khăn áo chỉnh tề đi với người báo tin và khi trở về “cái mặt buồn thỉu mọi ngày bỗng tươi vui rạng rỡ hẳn lên ”. Ông mua cho con bánh rán đường rồi vội vã, lật đật đi khoe với mọi người. Đó là một niềm vui kỳ lạ, thể hiện một cách đau xót và cảm động tình yêu làng, yêu nước, tinh thần hy sinh vì cách mạng của người dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược.

Cách miêu tả chân thực, sinh động, ngôn ngữ đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm đa dạng, tự nhiên như cuộc sống cùng với những mâu thuẫn căng thẳng, dồn đẩy, bức bối đã góp phần không nhỏ tạo nên thành công của câu chuyện, đồng thời còn thể hiện sự am hiểu và gắn bó sâu sắc của nhà văn với người nông dân và công cuộc kháng chiến của đất nước.

Qua nhân vật ông Hai ta hiểu thêm về vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược: Yêu làng, yêu nước và gắn bó với kháng chiến. Có lẽ vì thế mà tác phẩm “Làng ” xứng đáng là một trong những truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại.

>>> Xem thêm: Cảm nhận về tình yêu làng, yêu nước của nhân vật ông Hai trong: "Ông Hai quay phắt lại, lắp bắp hỏi..."

---/---

Như vậy, Top lời giải đã vừa cung cấp dàn ý cơ bản Cảm nhận về nhân vật ông Hai trong đoạn trích Cổ ông lão nghẹn ắng hằn lại để các em tham khảo và có thể tự viết được một bài văn mẫu hoàn chỉnh. Chúc các em học tốt môn Ngữ Văn !

icon-date
Xuất bản : 25/06/2022 - Cập nhật : 08/07/2022