Tổng hợp dàn ý và những bài văn hay Cảm nhận của em về nhân vật Phương Định trong đoạn văn: "Bây giờ là buổi trưa. Im ắng lạ...". Với dàn ý và những bài văn mẫu đặc sắc, chi tiết dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn Ngữ Văn. Cùng tham khảo nhé!
Bây giờ là buổi trưa. Im ắng lạ. Tôi ngồi dựa vào thành đá và khe khẽ hát. Tôi mê hát. Thường cứ thuộc một điệu nhạc nào đó rồi bịa ra lời mà hát. Lời tôi bịa lộn xộn mà ngớ ngẩn đến tôi cũng ngạc nhiên, đôi khi bò ra mà cười một mình.
Tôi là con gái Hà Nội. Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!”.
Xa đến đâu mặc kệ, nhưng tôi thích ngắm mắt tôi trong gương. Nó dài dài, màu nâu, hay nheo lại như chói nắng.
Không hiểu sao các anh pháo thủ và lái xe lại hay hỏi thăm tôi. Hỏi thăm hoặc viết những thư dài gửi đường dây, làm như ở cách nhau hàng nghìn cây số, mặc dù có thể chào nhau hàng ngày. Tôi không săn sóc, vồn vã. Khi bọn bạn gái tôi xúm nhau lại đối đáp với một anh bộ đội nói giỏi nào đấy, tôi thường đứng ra xa, khoanh hai tay trước ngực và nhìn đi nơi khác, môi mím chặt. Nhưng chẳng qua tôi điệu thế thôi. Thực tình trong suy nghĩ của tôi, những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ.
(...)
Tôi dùng xẻng nhỏ đào đất dưới quả bom. Ðất rắn. Những hòn sỏi theo tay tôi bay ra hai bên. Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người, cứa vào da thịt tôi. Tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành. Hoặc là nóng từ bên trong quả bom. Hoặc là mặt trời nung nóng.
Chị Thao thổi còi. Như thế là đã hai mươi phút qua. Tôi cẩn thận bỏ gói thuốc mìn xuống cái lỗ đã đào, châm ngòi. Dây mìn dài, cong mềm. Tôi khoả đất rồi chạy lại chỗ nấp của mình.
Hồi còi thứ hai của chị Thảo. Tôi nép người vào bức tường, nhìn đồng hồ. Không có gió. Tim tôi cũng đập không rõ. Dường như vật duy nhất vẫn bình tĩnh, phớt lờ mọi biến động chung là chiếc kim đồng hồ. Nó chạy, sinh động và nhẹ nhàng, đè lên những con số vĩnh cửu. Còn đằng kia, lửa đang chui bên trong cái dây mìn, chui vào ruột quả bom…
Quen rồi. Một ngày chúng tôi phá bom đến năm lần. Ngày nào ít: ba lần. Tôi có nghĩ tới cái chết. Nhưng một cái chết mờ nhạt, không cụ thể. Còn cái chính: liệu mìn có nổ, bom có nổ không? Không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai? Tôi nghĩ thế, nghĩ thêm: đứng cẩn thận, mảnh bom ghim vào cánh tay thì khá phiền. Và mồ hôi thấm vào môi tôi, mằn mặn, cát lạo xạo trong miệng.
(Trích Những ngôi sao xa xôi, Lê Minh Khuê, Ngữ Văn 9 tập 2, NXBGD, 2013)
1. Mở bài
- Lê Minh Khuê là một cây bút nữ chuyên viết truyện ngắn, trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc . Ngòi bút của bà trong chiến tranh thường hướng về cuộc sống chiến đấu của tuổi trẻ trên tuyến đường Trường Sơn.
- Truyện ngắn “ Những ngôi sao xa xôi” là tác phẩm tiêu biểu của bà khi viết về đề tài này. Tác phẩm của bà được sáng tác vào năm 1971, lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc diễn ra vô cùng ác liệt. Tác phẩm là bức tranh về cuộc sống chiến đấu vô cùng ác liệt mà ánh sáng của nó là ánh sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Những cô gái thanh niên xung phong trinh sát mặt đường là nhân vật chính trong tác phẩm.
- Đoạn văn trên giúp người đọc cảm nhận vẻ đẹp nhân vật Phương Định- nhân vật chính trong tác phẩm với vẻ đẹp tâm hồn và sự dũng cảm, gan dạ đầy ngưỡng mộ.
2. Thân bài
a. Khái quát về đoạn trích:
* Cảm nhận về Phương Định:
- Phương Định là một cô gái Hà Thành hồn nhiên, thơ mộng, trẻ trung, đáng yêu tràn đầy sức sống:
+ Ấn tượng đầu tiên là cô gái có bề ngoài trẻ trung, xinh xắn, đầy sức sống. Cô có “ hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh..”, “ ánh mắt nhìn xa xăm”, cô hay thích ngắm mình trong gương và làm điệu có vẻ kiêu kì…
+ Cô mang theo vào chiến trường vẻ hồn nhiên vô tư lự của cô gái Hà Thành mơ mộng với những bài hát “ thuộc bất cứ một nhạc điệu nào rồi bịa ra lời mà hát… Tiếng hát ấy để động viên đồng đội và động viên chính bản thân mình, để gửi vào trong tiếng hát sự khao khát của tuổi trẻ, của người chiến sĩ, mong được trở về quê hương yêu dấu, được gặp lại người yêu sau bao ngày nhớ nhung, yêu thương.
- Phương Định - cô gái thanh niên xung phong gan dạ, dũng cảm, mạnh bạo:
+ Phương Định có hoàn cảnh sống và chiến đấu vô cùng khó khăn, sống trên một cao điểm, nơi có trọng điểm ở tuyến Trường Sơn ác liệt,giữa mênh mông khói bụi và bom đạn hủy diệt kẻ thù. Công việc của họ là “đo khối lượng đất lấp vào hố bom và đếm bom nếu bom chưa nổ thì phá bom”, Công việc vô cùng vất vả, hiểm nguy, cô phải đối diện với tử thần với cái chết bất cứ lúc nào.
+ Trận phá bom trên đỉnh cao Trường Sơn thể hiện rõ tinh thần, thái độ dũng cảm vượt mọi hiểm nguy của Phương Định và các cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường ấy.
+ Phương Định gan dạ dũng cảm, không hề sợ hãi, không đi khom… vừa thể hiện thái độ tự trọng, vừa là ý chí mạnh mẽ giúp cô vượt mọi khó khăn, hiểm nguy.
+ Phương Định có những thao tác rất chuẩn xác “ dùng xẻng nhỏ đào đất”, “cẩn thận bỏ gói thuốc mìn châm ngòi”, “khỏa đất”….Sự thuần thục, nhanh nhẹn do được tôi luyện theo thời gian đã trở thành tiềm thức của nhân vật.
+ Phương Định là người có cảm xúc nhạy bén, cảm nhận rõ rệt về trái bom khi nóng lên, suy nghĩ cảm thấy mình làm còn chậm. Sự thúc giục bản thân cần nhanh chóng hoàn thành công việc, tinh thần tự giác và tinh thần trách nhiệm cao trong trái tim người trẻ tuổi yêu nước.
+ Tâm trạng nhân vật Phương Định được miêu tả tỉ mỉ, chi tiết, suy nghĩ, lo lắng, hoảng sợ nhưng vẫn gan dạ, dũng cảm, hoàn thành trách nhiệm.. Có nghĩ đến cái chết nhưng là cảm giác bình thường, cái chết không rõ ràng, mà vô cùng mơ hồ,… Tinh thần trách nhiệm cao hơn tất cả, cao hơn cả mạng sống bản thân, Họ sẵn sàng hi sinh vì nhiệm vụ.
+ Câu nói “ quen rồi”, “ phá bom 5 lần”, sự bản lĩnh được tôi luyện. Đối mặt với tử thần là khó khăn nhưng các cô đã làm điều đó trong một thời gian dài để “ quen rồi”…
+ Câu văn miêu tả trận phá bom ngắn, dồn dập, khẩn trương, tất cả làm nổi bật vẻ đẹp cô thanh niên xung phong với lý tưởng sống cao đẹp, dũng cảm, gan dạ với đời sống tinh thần phong phú, hồn nhiên, lạc quan, lãng mạn, thơ mộng,…
+ Phương Định và những đồng đội của mình là những người đã không tiếc tuổi thanh xuân, họ hiến dâng trọn vẹn tất cả những gì cho Tổ quốc:
“ Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dạy tương lai”.
b. Đánh giá, mở rộng:
- Đọc tác phẩm “ Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê, người đọc thấy khâm phục và yêu mến Phương Định bởi vẻ hồn nhiên, ngây thơ lãng mạn của cô và vẻ đẹp dũng cảm, gan dạ, lí tưởng yêu nước cao đẹp trong người con gái này.
- Qua nhân vật này chúng ta còn cảm nhận được vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến chống Mĩ đầy oanh liệt hào hùng. Họ đã góp sức nên “thiên sử vàng”.
- Liên hệ mở rộng so sánh với bài thơ khác cùng viết về đề tài này như: “ Bài thơ về tiểu đội xe không kính”( Phạm Tiến Duật) viết về những chàng thanh niên lái xe, “ Khoảng trời hố bom” về cô gái mở đường…
- Liên hệ bản thân về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong thời đại hiện nay: Đất nước đã ra khỏi cuộc chiến tranh, nhiệm vụ của thế hệ trẻ là học tập , rèn luyện bản thân để phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa….
3. Kết bài
Khẳng định lại vấn đề.
Lê Minh Khuê là một cây bút nữ chuyên viết truyện ngắn, trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc. Trong chiến tranh, ngòi bút của bà thường hướng về cuộc sống chiến đấu của tuổi trẻ trên tuyển đường Trường Sơn. “Những ngôi sao xa xôi” là tác phẩm tiêu biểu của bà khi viết về đề tài này. Truyện là bức tranh về cuộc sống chiến đấu vô cùng ác liệt mà ánh sáng của nó là ánh sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đọc tác phẩm, người đọc không khỏi ấn tượng với nhân vật Phương Định - một cô gái xinh đẹp, trẻ trung, yêu đời và có những suy nghĩ, những quan niệm rất đẹp. Đến với đoạn trích: “Bây giờ là buổi trưa. Im ắng lạ… Thực tình trong suy nghĩ của tôi, những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ.” chúng ta sẽ thấy được điều đó.
"Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê được sáng tác năm 1971 – thời điểm cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra vô cùng ác liệt. Đặc biệt là trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Truyện kể về cuộc sống, chiến đấu của những cô gái thanh niên xung phong để từ đó làm nổi bật vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam thời kì chống Mĩ cứu nước.
“Những ngôi sao xa xôi” là câu chuyện về tổ trinh sát mặt đường tại một trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mĩ ác liệt, gồm ba nữ thanh niên xung phong là Nho, Thao và Phương Định. Tổ đội trinh sát này có nhiệm vụ quan sát địch ném bom, đo khối lượng đất đá cần phải san lấp, đồng thời đánh dấu vị trí các quả bom chưa nổ và phá bỏ chúng, đám bảo cho xe bộ đội có thể thuận lợi di chuyển. Đoạn trích trên là những lời Phương Định tự giới thiệu về mình.
Phương Định là nhân vật chính trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê và cũng đồng thời là người kể chuyện. Cô và hai người đồng đội của mình sống ở chân một cao điểm giữa một vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn, nơi được mệnh danh là “túi bom của địch”. Công việc của cô là “Khi có bom nổ thì chạy lên, đo khối lượng đất đá lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom”. Phá bom là công việc hằng ngày của cô. Có ngày 5 lần, ngày nào ít thì 3 lần. Sống ở đây và làm công việc phá bom này, cô luôn phải đối mặt với nguy hiểm, với cái chết bởi bom đạn không phải là chuyện đùa song điều đó không làm cô sờn lòng, nản chí thậm chí nó còn khiến cho vẻ đẹp của cô thêm toả sáng hơn.
Đọc đoạn trích, có lẽ điều đầu tiên khiến người đọc ấn tượng về Phương Định là tinh thần lạc quan, niềm yêu đời, yêu cuộc sống của cô. Cô rất thích hát. Cô kể: “Tôi mê hát. Thường cứ thuộc một điệu nhạc nào đó rồi bịa ra lời mà hát. Lời tôi bịa lộn xộn mà ngớ ngẩn đến tôi cũng ngạc nhiên, đôi khi bò ra mà cười một mình.”. Thích hát là nét tâm lí của thời đại - cái thời tiếng hát át tiếng bom, nhưng đây cũng là nét cá tính ở Phương Định hé lộ vẻ đẹp phong phú của tâm hồn. Trong tiếng hát của cô có ý thức về lý tưởng, có khao khát về quê hương, có tình yêu của tuổi trẻ và có cả khát vọng được trở về cuộc sống thanh bình. Phương Định không chỉ là “ca sĩ” mà còn là một “nhạc sĩ không chuyên” giữa nơi chiến trường đầy gian khổ. Tiếng hát khiến cô quên đi những gian khổ, những nguy hiểm nơi chiến trường đầy bom đạn; khiến cô thêm yêu đời và trẻ trung hơn. Cô hát đâu cần đúng nhạc đúng lời mà sao ta vẫn cảm thấy thích thú, vần đắm say bởi đó là tiếng hát từ trái tim của một con người lạc quan yêu đời, yêu cuộc sống. Tiếng hát có sức mạnh át đi cả tiếng bom rơi, đạn lạc. Cô khiến ta nhớ đến những cô gái mở đường trong bài hát cùng tên của nhạc sĩ Xuân Giao:
“Đi dưới trời khuya sao đêm lấp lánh
Tiếng hát ai vang động cây rừng”.
Thế mới biết tuổi trẻ Việt Nam thời đánh Mĩ đẹp như thế nào. Họ đi vào chiến tranh mà như đi vào ngày hội.
Không chỉ lạc quan, yêu đời, Phương Định còn là một cô gái Hà thành trẻ trung, xinh đẹp, đáng yêu và tràn đầy sức sống. Phương Định là con gái Hà Nội xung phong vào chiến trường miền Nam khói bom, đạn lửa. Cô có một tuổi thơ êm đềm, hồn nhiên, vui tươi ở bên mẹ, một căn buồng nhỏ nơi con phố yên tĩnh những ngày trước chiến tranh. Cô là người nhạy cảm và luôn quan tâm đến hình thức của mình. Cô tự giới thiệu: “Tôi là con gái Hà Nội. Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bỉm tóc dày tương đối mềm, một cái cô cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn còn mắt tôi thì các anh lái xe báo: Cô có cái nhìn sao mà xa xăm”. Lời giới thiệu cho thấy Phương Định là một cô gái đẹp, một vẻ duyên dáng, đầy nữ tính và có chiều sâu của một cô gái thị thành. Qua những lời cô giới thiệu, người đọc hình dung được hình ảnh một cô gái Hà Nội còn rất trẻ với gương mặt xinh đẹp, với một mái tóc dày, mượt mà, mềm mại; một cái cổ cao kiêu hãnh và một đôi mắt với ánh nhìn xa xăm. Cô ý thức được về vẻ đẹp của mình và tự hào về điều đó.
Và cũng vì xinh đẹp nên cô thường được các anh pháo thủ hỏi thăm hoặc viết thư dài gửi đường dây giống như cách xa hàng nghìn cây sổ. Họ hỏi thăm cô, viết thư cho cô là vì họ yêu mến cái vẻ đẹp trong trẻo, tràn đầy sức sống của cô, họ muốn làm quen để mỗi ngày đều được nghe cô hát. Chi tiết này tưởng chừng như rất nhỏ nhưng lại càng tô đậm thêm vẻ đẹp của người con gái trẻ đất Hà thành. Phương Định đã vào chiến trường ba năm – ba năm đối mặt với chiến tranh, với bom đạn vậy mà cô vẫn giữ được vẹn nguyên vẻ đẹp cũng như tâm hồn mình. Điều đó thật đáng quý.
Và có lẽ cũng vì xinh đẹp nên Phương Định có một chút kiêu kì đầy đáng yêu. Khi được các anh bộ đội, các anh pháo thủ hỏi thăm, cô thường không săn sóc vồn vã. Khi bọn bạn gái tôi xúm nhau lại đối đáp với một anh bộ đội nói giỏi nào đấy, cô thường đứng ra xa, khoanh hai tay trước ngực và nhìn đi nơi khác, môi mím chặt. Đây là tâm lí thường thấy của các cô gái trẻ trung, xinh đẹp. Có lẽ cô hiểu con gái dễ dãi thường mất đi giá trị của mình nên dù rất thích, rất yêu, rất ngưỡng mộ nhưng cô thường tỏ ra thờ ơ, không săn sóc, vồn và. Một chút kiêu kì làm cho Phương Định trở nên khác biệt với những cô gái khác, làm nên nét riêng của nhân vật này. Chút kiêu kì ấy không hề khiến cô trở nên phản cảm thậm chí nó còn làm cho cô càng trở nên đáng yêu, và ấn tượng hơn.
Song ấn tượng hơn cả có lẽ là những quan niệm, những suy nghĩ rất đẹp của nhân vật này. Cô kể “Nhưng chẳng qua tôi điệu thế thôi. Thực tình trong suy nghĩ của tôi, những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ”. Suy nghĩ của cô thật đẹp, thật đáng trân trọng! Cô yêu mến, cô ngưỡng mộ, cô thần tượng những người mặc quân phục có ngôi sao trên mũ – những người lính bộ đội cụ Hồ. Vì sao vậy? Vì họ là những con người có lí tưởng, có khát vọng sống đẹp. Họ đến với nơi chiến trường đầy bom đạn này đều vì một lí tưởng cao đẹp - lí tưởng bảo vệ tổ quốc. Họ ra đi với khát vọng một ngày không xa đất nước sẽ giành được độc lập, họ được trở về trong niềm vui chiến thắng. Cô yêu mến, thán phục họ cũng là bởi nhờ có họ mà cô có thêm niềm tin, có thêm sức mạnh để vượt qua cái cảm giác sợ hãi khi đối mặt với quả bom, để có thể bình tình hoàn thành nhiệm vụ của mình. Họ khiến cho cô thấy rằng cuộc sống phái cống hiến, phải hi sinh mới thực sự có ý nghĩa. Quan niệm và suy nghĩ đó cho thấy chính Phương Định cũng có một lí tưởng sống rất đẹp.
Bằng hàng cách kể chuyện tự nhiên, chân thực; bằng sự kết hợp giữa tự sự với miêu tả, đoạn trích trên đã giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của nhân vật Phương Định – cô gái trẻ trung, xinh đẹp, yêu đời và có những suy nghĩ rất đẹp. Phương Định là hình ảnh đại diện của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến lửa Trường Sơn, đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam thời kì chống Mĩ cứu nước. Xây dựng nhân vật này, Lê Minh Khuê muốn gửi gắm vào đó lời ngợi ca đối với thế hệ trẻ Việt Nam thời kì chống Mĩ cứu nước. Đó là những con người không ai nhớ mặt đặt tên nhưng họ đã góp phần làm nên đất nước. Ngày nay, khi cuộc sống hiện đại, chiến tranh không còn, chúng ta vần bắt gặp những con người trẻ tuổi đang cống hiến hết mình vì đất nước. Đó là những y bác sĩ trẻ tuổi, những sinh viên ngành y luôn sẵn sàng xông pha vào nơi tuyến đầu chống dịch, là những người chiến sĩ nơi biên cương, hải đảo không quản vất vả khó khăn đã và đang theo đuổi lí tưởng bảo vệ Tổ quốc. Không ai khác, chính họ đã tiếp nối truyền thống của cha anh. Họ là những “cô gái thanh niên xung phong”, những “người mặc quân phục có ngôi sao trên mũ” trong thời đại mới.
Giờ đây, Trường Sơn đã im tiếng súng, màu xanh đã hồi sinh trên những cánh rừng già. Tuy nhiên, “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê mang dấu ấn thời đại vẫn còn lưu giữ những nét son một thời hào hùng của tuổi trẻ Việt Nam mà tiêu biểu nhân vật Phương Định. Đọc lại đoạn trích trên, ai trong chúng ta không dậy lên tình yêu mến và khâm phục thế hệ đi trước đã không tiếc máu xương để dệt gấm thêu hoa trên trang sử vàng đất nước? Vậy chúng ta hôm nay phải sống cho xứng đáng với sự hi sinh ấy!
Tác giả Lê Minh Khuê sinh năm 1940, quê ở huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Trong kháng chiến chống Mỹ, bà gia nhập thanh niên xung phong và bắt đầu viết văn vào đầu những năm 70. Lê Minh Khuê là cây bút nữ chuyên viết về truyện ngắn. Trong những năm chiến tranh, truyện của Lê Minh Khuê viết về cuộc sống chiến đấu của tuổi trẻ ở tuyến đường Trường Sơn. Sau năm 1975, tác phẩm của nhà văn bám sát những biến chuyển của đời sống xã hội và con người trên tinh thần đổi mới. Truyện Những ngôi sao xa xôi là một trong những truyện ngắn đầu tay của tác giả Lê Minh Khuê, viết vào năm 1971, lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc đang diễn ra ác liệt. Hai đoạn trích từ "Bây giờ là buổi trưa" cho đến "ngôi sao trên mũ", và đoạn trích từ "Tôi dùng xẻng nhỏ đào đất" cho đến "lạo xạo trong miệng" đã để lại trong em nhiều ấn tượng sâu sắc về sự ác liệt của cuộc chiến và những phẩm chất tốt đẹp của những nữ thanh niên xung phong. Mỗi đoạn trích thể hiện một phương diện, một phẩm chất của nhân vật Phương Định nhưng đều hướng tới thể hiện phẩm chất tốt đẹp của thế hệ thanh niên trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đoạn trích thứ nhất từ "Bây giờ là buổi trưa" cho đến "ngôi sao trên mũ" đã thể hiện được tinh thần lạc quan và vẻ đẹp hồn nhiên của Phương Định. Phương Định được miêu tả với vẻ đẹp ngoại hình của một cô gái Hà Nội có đôi mắt xa xăm, bím tóc dày mềm và cổ cao kiêu hãnh, thích ngắm mình trong gương. Không chỉ có vẻ đẹp ngoại hình, Phương Định còn được thể hiện với vẻ đẹp tâm hồn. Cô thích hát và thể hiện quan điểm yêu mến rõ ràng với những anh bộ đội có ngôi sao trên mũ. Những chi tiết này đều thể hiện tinh thần lạc quan, ý thức được giá trị của bản thân và vẻ đẹp của quan điểm sống rạch ròi, chính trực của nữ thanh niên trẻ tuổi. Từ đó, qua đoạn trích, ta thấy được vẻ đẹp ngoại hình và vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Phương Định trong cuộc sống chiến đấu ác liệt.
Mặt khác, ở đoạn trích "Tôi dùng xẻng nhỏ... lạo xạo trong miệng" đã thể hiện được sự dũng cảm trong chiến đấu của Phương Định. Đầu tiên, người đọc thấy được điều kiện làm việc nguy hiểm của những nữ thanh niên xung phong. Những chi tiết như là "tiếng động sắc đến gai người, vỏ quả bom nóng, sao mình làm quá chậm" đã giúp người đọc hình dung được sự ác liệt và mức độ nguy hiểm của công việc mà những nữ thanh niên xung phong đang phải đối mặt hàng ngày, hàng giờ. Những hình ảnh "Tim tôi đập không rõ, sinh động và nhẹ nhàng đè lên những con số vĩnh cửu" cho thấy những phút giây thực sự nín thở và nguy hiểm đến nhường nào của họ. Tác phong làm việc của cô nhanh nhẹn, phối hợp với đồng đội của mình. Câu nói "Quen rồi" được thốt ra thản nhiên và con số năm lần được Phương Định đưa ra chính là minh chứng cho sự vất vả, khó khăn và nguy hiểm của công việc phá bom, đảm bảo thông tuyến đường. Thế nhưng, cho dù vất vả và nguy hiểm, những nữ thanh niên xung phong như Phương Định vẫn luôn có tinh thần trách nhiệm và dũng cảm cao độ. Cô cũng nghĩ đến cái chết nhưng chỉ mờ nhạt thoáng qua mà thôi, cái chính đó là hoàn thành nhiệm vụ phá bom mìn của mình đến cùng. Những hình ảnh còn lại cho thấy sự ác liệt đến khủng khiếp của chiến trường đè năng lên tâm lý của Phương Định: mồ hôi thấm vào môi, cát lạo xạo trong miệng,...
Tóm lại, hai đoạn trích đã thể hiện được vẻ đẹp của tinh thần lạc quan và vẻ đẹp của sự dũng cảm, tinh thần trách nhiệm cao đẹp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ gian khổ và ác liệt. Những phẩm ấy hài hòa với nhau trong chiến đấu cũng như trong cuộc sống hàng ngày của những cô gái thanh niên xung phong dũng cảm, mang trong mình vẻ đẹp tinh thần lạc quan, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.
>>> Xem thêm: Phân tích nhân vật Phương Định trong Những ngôi sao xa xôi
---/---
Thông qua dàn ý và một số bài văn mẫu Cảm nhận của em về nhân vật Phương Định trong đoạn văn: "Bây giờ là buổi trưa. Im ắng lạ..." tiêu biểu được Top lời giải tuyển chọn từ những bài viết hay, xuất sắc nhất. Mong rằng các em sẽ có khoảng thời gian vui vẻ và hữu ích khi học môn Văn!