Học sinh cần nắm chắc các ký hiệu chung về khoáng sản, nông nghiệp, công nghiệp, lâm ngư nghiệp… ở trang 3 của quyển Atlat, vì một số bản đồ trong Atlat không in chú thích kèm theo bản đồ như bản đồ khoáng sản trang 8, bản đồ công nghiệp chung trang 21, nông – lâm nghiệp trang 18, 19…
Thông thường mỗi bản đồ ngành kinh tế đều có từ 1 đến 2 biểu đồ (cột, đường, tròn…) bên cạnh thể hiện sự tăng, giảm về giá trị tổng sản lượng, về diện tích (đối với các ngành nông-lâm nghiệp) của các ngành kinh tế, HS cần biết cách khai thác các biểu đồ trong các bài có liên quan để đỡ phải nhớ nhiều số liệu trong phần lý thuyết.
Tất cả các câu hỏi có yêu cầu trình bày về phân bố sản xuất hoặc yêu cầu nói rõ ngành đó ở đâu, vì sao ở đó… đều có thể dùng bản đồ của Atlat để trả lời. Các câu hỏi có yêu cầu trình bày tình hình phát triển sản xuất hoặc quá trình phát triển của ngành này hay ngành khác, HS cũng có thể tìm thấy một vài số liệu ở các biểu đồ trong Atlat.
Trên cơ sở nội dung câu hỏi cần xem phải trả lời một vấn đề hay nhiều vấn đề, HS có thể xác định những trang bản đồ trong Atlat cần thiết dựa vào phần mục lục cuối cuốn Atlat (trang 31).
“Hãy trình bày nguồn tài nguyên khoáng sản ở nước ta”. Với câu hỏi này chỉ sử dụng bản đồ “Địa chất-khoáng sản” ở trang 8 là đủ. “Hãy nhận xét tình hình phân bố dân cư nước ta?”. Trong trường hợp này, chỉ cần dùng 1 bản đồ “Dân số” ở trang 15 là đủ.
– Khi đánh giá tiềm năng phát triển cây công nghiệp, HS có thể sử dụng bản đồ: đất, địa hình, khí hậu, dân cư… nhưng không cần sử dụng bản đồ khoáng sản.
– Khi đánh giá tiềm năng công nghiệp có thể sử dụng bản đồ khoáng sản nhưng không cần sử dụng bản đồ đất, nhiều khi không sử dụng bản đồ khí hậu…
Khi đánh giá tiềm năng của ngành công nghiệp năng lượng, HS không những chỉ sử dụng bản đồ khoáng sản để thấy khả năng phát triển các ngành công nghiệp này mà còn sử dụng bản đồ công nghiệp để thấy vai trò của ngành này với các ngành công nghiệp khác, sử dụng bản đồ sông ngòi để thấy tiềm năng phát triển thủy điện…
Khi phân tích các thế mạnh của vùng Đồng bằng sông Hồng, HS cần dựa vào bản đồ vùng kinh tế Trung du miền núi Bắc bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng trang 26 để xác định giới hạn của vùng, phân tích những khó khăn và thuận lợi về vị trí vùng. Đồng thời HS phải biết đối chiếu giữa bản đồ vùng kinh tế với các bản đồ khác (như đất, khí hậu, sông ngòi, dân cư…) nhằm xác định được đầy đủ các thế mạnh về điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội của vùng.
Cùng Top lời giải tìm hiểu các bài tập tham khảo nhé:
Bài tập 1: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 21 và kiến thức đã học, trình bày sự phân hóa lãnh thổ công nghiệp của nước ta và Giải thích sự phân hóa đó?
Hướng dẫn trả lời
* Sự phân hóa lãnh thổ công nghiệp
- Đồng bằng Sông Hồng và vùng phụ cận: Từ Hà Nội hoạt động công nghiệp toả đi 6 hướng với các ngành chuyên môn hoá khác nhau:
+ Hải Phòng - Hạ Long - Cẩm Phả: Cơ khí, khai thác than.
+ Đông Anh - Thái Nguyên: Cơ khí, luyện kim đen.
+ Đáp Cầu - Bắc Giang: Vật liệu xây dựng, phân hoá học.
+ Việt Trì - Lâm Thao: Hoá chất, giấy
+ Hoà Bình - Sơn La: Thuỷ điện.
+ Nam Định - Ninh Bình - Thanh Hoá: dệt may, điện, vật liệu xây dựng.
- Ở Nam Bộ, hình thành một dải công nghiệp, trong đó nổi lên các trung tâm công nghiệp hàng đầu của nước ta như TP Hồ Chí Minh, Biên Hoà, Bà Rịa Vũng Tàu, Thủ Dầu Một.
- Dọc theo Duyên hải Miền Trung có các trung tâm như Đà Nẵng, Huế, Vinh, Quy Nhơn, Nha Trang,...
- Các khu vực còn lại (Tây Bắc, Tây Nguyên,...) với mức độ tập trung công nghiệp thấp, rời rạc.
* Nguyên nhân
Có sự phân hóa lãnh thổ công nghiệp ở nước ta chủ yếu do các yếu tố về vị trí địa lí, các điều kiện tự nhiên - tài nguyên thiên nhiên và sự phát triển kinh tế - xã hội khác nhau ở mỗi vùng, miền.
Bài tập 2: Căn cứ vào Atlat Địa lý Việt Nam trang 29 và kiến thức đã học, hãy trình bày về quy mô và cơ cấu ngành của các trung tâm công nghiệp chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ?
Hướng dẫn trả lời
Trung tâm |
Quy mô |
Cơ cấu |
TP.Hồ Chí Minh |
Trên 120 nghìn tỉ đồng |
Cơ khí, luyện kim đen, luyện kim màu, chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng, nhà máy nhiệt điện, sản xuất ô tô, sản xuất giấy-xelulo, dệt-may, điện tử, đóng tàu, hóa chất-phân bón. |
Biên Hòa |
Từ 40 - 120 nghìn tỉ đồng |
Điện tử, chế biến nông sản, dệt-may, cơ khí, hóa chất-phân bón, sản xuất giấy-xelulo, sản xuất vật liệu xây dựng. |
Vũng Tàu |
Từ 40 - 120 nghìn tỉ đồng |
Hóa chất-phân bón, điện tử, dệt-may, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác-chế biến lâm sản, chế biến nông sản. |
Thủ Dầu Một |
Từ 40 - 120 nghìn tỉ đồng |
Luyện kim đen, cơ khí, chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt-may, hóa chất-phân bón, đóng tàu, nhà máy nhiệt điện. |
Bài tập 3: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 23, em hãy:
a) Xác định vị trí các tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 6, đường Hồ Chí Minh - quốc lộ 14, quốc lộ 51?
b) Nêu ý nghĩa của từng tuyến đường?
Hướng dẫn trả lời
a) Vị trí các tuyến đường
- Quốc lộ 1: Chạy từ cửa khẩu Hữu Nghị - Hà Nội - Huế - TP. HCM - Cà Mau (Năm Căn).
- Quốc lộ 6: Chạy từ Hà Nội - Tuần Giáo (Lai Châu).
- Đường Hồ Chí Minh - quốc lộ 14: Từ Hà Nội chạy dọc sườn Đông Trường Sơn Bắc, qua Tây Nguyên - Đông Nam bộ.
- Quốc lộ 51: Nối TP HCM- Vũng Tàu.
b) Ý nghĩa
- Quốc lộ 1: Là tuyến huyết mạch nối 6/7 vùng kinh tế, gắn kết các vùng giàu tài nguyên, các trung tâm kinh tế lớn, các vùng nông nghiệp trù phú, có ý nghĩa đặc biệt về kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng của cả nước.
- Quốc lộ 6: Nối Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc. Là trục kinh tế duy nhất của vùng Tây Bắc, tạo điều kiện khai thác các tiềm năng và phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Bắc.
- Đường HCM - quốc lộ 14: Ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng vùng núi phía Tây đất nước.
- Quốc lộ 15: Là tuyến huyết mạch nối tam giác kinh tế Biên Hòa - Vũng Tàu – TP. HCM, thúc đẩy ngành dầu khí và du lịch ở Đông Nam Bộ. Là tuyến đầu mút của hành lang kinh tế Đông Tây phía Nam.
Bài tập 4: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 25 và kiến thức đã học, hãy chứng minh nước ta có tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng?
Hướng dẫn trả lời
- Nước ta có tiềm năng du lịch phong phú và đa dạng.
- Tài nguyên du lịch chia thành 2 nhóm:
+ Tài nguyên du lịch tự nhiên gồm: các di sản thiên nhiên thế giới (vịnh Hạ Long, Phong Nha Kẻ Bàng), các thắng cảnh đẹp (sông Hương-Núi Ngự Bình, Nha Trang, Cần Thơ,...), các vườn quốc gia (Cúc Phương, Cát Tiên,...), các hang động, các bãi biển,…
+ Tài nguyên du lịch nhân văn gồm: các di sản văn hóa thế giới (cố đô Huế), các di tích lịch sử cách mạng (Điện Biên, Dinh Độc Lập, Hang Pác Bó,…), các lễ hội (Đền Hùng, Yên Tử, Hội Đâm Trấu, Oóc Om Bóc,…), các làng nghề (Bát Tràng, Vạn Phúc,…).
Bài tập 5: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 4 - 5 và kiến thức đã học, hãy trình bày đặc điểm vị trí địa lí và ý nghĩa tự nhiên của vị trí địa lí nước ta?
Hướng dẫn trả lời
* Đặc điểm
- Nằm ở rìa phía đông của bán đảo Đông Dương, ở gần trung tâm khu vực Đông Nam Á.
- Là cầu nối giữa lục địa Á - Âu với Thái Bình Dương, trong khu vực có nền kinh tế phát triển năng động trên thế giới.
- Nằm trên các tuyến đường giao thông hàng hải, đường bộ và hàng không quốc tế quan trọng.
* Ý nghĩa
- Nằm hoàn toàn trong vành đai nhiệt đới nửa cầu Bắc. Do đó thiên nhiên nước ta mang đặc điểm cơ bản của thiên nhiên nhiệt đới gió mùa, nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của chế độ gió mùa Châu Á, nên khí hậu nước ta có hai mùa rõ rệt.
- Giáp biển Đông là nguồn dự trữ dồi dào về nhiệt và ấm, nên chịu ảnh hưởng sâu sắc của Biển Đông, thiên nhiên bốn mùa xanh tốt, không như một số nước cùng vĩ độ ở Tây Nam Á và Tây Phi.
- Nằm trong vành đai sinh khoảng châu Á - Thái Bình Dương, nơi gặp gỡ của nhiều luồng di cư động - thực vật nên có nguồn tài nguyên khoáng sản và sinh vật phong phú.
- Vị trí và hình thể nước ta đã tạo nên sự phân hóa đa dạng của tự nhiên thành các miền tự nhiên khác nhau giữa miền Bắc với miền Nam, giữa đồng bằng với miền núi, ven biển và hải đảo.
- Nước ta nằm trong vùng có nhiều thiên tai.