logo

Bài thơ Khóc Dương Khuê


Câu hỏi: Bài thơ Khóc Dương Khuê


Trả lời:

Khóc Dương Khuê (Nguyễn Khuyến)

Dịch từ bài: Vãn đồng niên Vân Đình tiến sĩ Dương thượng thư:

Bác Dương thôi đã thôi rồi,
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.
Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,
Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau;
Kính yêu từ trước đến sau,
Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời?
Cũng có lúc chơi nơi dặm khách,
Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo;
Có khi tầng gác cheo leo,
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang;
Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp,
Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân.
Có khi bàn soạn câu văn,
Biết bao đông bích, điển phần trước sau.
Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn,
Phận đấu thăng chẳng dám tham trời;
Bác già, tôi cũng già rồi,
Biết thôi, thôi thế thì thôi mới là!
Muốn đi lại tuổi già thêm nhác,
Trước ba năm gặp bác một lần;
Cầm tay hỏi hết xa gần,
Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can,
Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác,
Tôi lại đau trước bác mấy ngày;
Làm sao bác vội về ngay,
Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời.
Ai chẳng biết chán đời là phải,
Vội vàng sao đã mải lên tiên;
Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mua.
Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,
Viết đưa ai, ai biết mà đưa;
Giường kia treo những hững hờ,
Đàn kia gẩy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn.
Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở,
Tôi tuy thương, lấy nhớ làm thương;
Tuổi già hạt lệ như sương,
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan!

Các em cùng Toploigiai tìm hiểu thêm về bài thơ Khóc Dương Khuê nhé!


1. Giá trị nội dung

   Bài thơ Khóc Dương Khuê mang một nỗi niềm tiếc nuối sâu sắc về một tình bạn tri kỉ, góp phần khẳng định về tình cảm giữa những con người với nhau. Bài thơ đã để lại cái nhìn cao đẹp về tình bạn cũng như nhân cách cao đẹp của Nguyễn Khuyến.


2. Giá trị nghệ thuật

- Thể thơ song thất lục bát, đậm đà bản sắc dân tộc

- Ngôn ngữ bình dị, dễ hiểu

- Sử dụng kết hợp các biện pháp nghệ thuật: nói giảm nói tránh + các câu hỏi tu từ + điệp từ,...


3. Cảm nhận về bài thơ Khóc Dương Khuê

   Bên cạnh chủ đề tình yêu quê hương đất nước, tình cảm lứa đôi được nhắc tới qua rất nhiều tác phẩm thì ta cũng chẳng thể nào quên được những bài thơ viết về một thứ tình cảm rất đỗi thiêng liêng khác - đó chính là tình bạn. Trong nền văn học Việt Nam, chắc hẳn những người yêu thơ ca chẳng thể nào được bài thơ “Khóc Dương Khuê” của nhà thơ Nguyễn Khuyến viết dành tặng người bạn hiền của mình đã khiến bao trái tim phải thổn thức.

   Bắt nguồn cảm hứng từ nỗi lòng thương tiếc khôn nguôi của tác giả trước tin bạn qua đời, Nguyễn Khuyến đã gửi những tâm tình của mình qua những lời thơ sau:

“Bác Dương thôi đã thôi rồi,

Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta”

    Còn nỗi đau nào xót xa hơn khi hay tin người bạn, người thân của mình đột ngột qua đời. Người sống kẻ chết, biết còn gì đây. Ngay khi hay “bác Dương" qua đời, tác giả đã chợt thốt lên một tiếng lòng thảng thốt, tiếc nuối. Hai tiếng "thôi” như một lời buông xuôi, chẳng thể nào cứu vãn được sự thật đắng cay ấy đây. Tác giả dường như muốn phủ nhận cái chết của người bạn ấy mà chẳng nhắc đến một từ “chết” trong câu. Chỉ là tiếng “thôi đã thôi rồi” càng thể hiện nỗi bất lực, một nỗi đau đến vô thức, nỗi đau chèn nén giữa lồng ngực mà chẳng thể nào bật lên tiếng khóc. Mất bạn rồi, không gian nơi đây càng trở nên trống trải, vắng vẻ biết nhường nào “nước mây” cũng thấm đượm một nỗi buồn khôn nguôi. Tựa như câu thơ của nguyễn Du “Người buồn cảnh có bao giờ vui đâu”.

   Sau những phút giây khiến con người ta phải giật mình, thảng thốt, Nguyễn Khuyến ngồi đây và nhớ lại những kỉ niệm thuở người còn sống. Còn nhớ những ngày chúng ta cùng đi thi, đi học, đỗ đạt.

“Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước

Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau

Kính yêu từ trước đến sau

Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời”

   Tác giả nhớ lại khoa thi năm Giáp Tí, hai người đã cùng nhau “đăng khoa”, Nguyễn Khuyến đậu giải Trạng nguyên nhưng "tôi" và "bác" vẫn sớm hôm cùng nhau, tâm sự bàn thế sự đời. Cuộc gặp gỡ ấy tựa như duyên trời định, cảm thấy chẳng bao giờ có thể tách rời. Những kỉ niệm được tác giả sắp xếp, giãi bày từ những giây phút đầu tiên gặp gỡ, cho đến ngày ta cùng nhau tiến bước, góp mặt trong những giai đoạn cuộc đời của nhau khiến cho mối quan hệ ấy càng trở nên quan trọng, gắn bó. Trong tình bạn ấy có cả sự kính trọng, tin tưởng và thề suốt đời thủy chung bên nhau.

“Cũng có lúc chơi nơi dặm khách;

Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo.

Có khi từng gác cheo leo, 

Khúc vui con hát lựa chiều cầm xoang.

Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp:

Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân.

Có khi bàn soạn câu văn,

Biết bao đông bích điển phần trước sau”

   Nguyễn Khuyến và người bạn ấy đã cùng nhau chu du đến những vùng đất mới, nơi có tiếng suối reo lưng đèo, từng hòa chung niềm vui trong nhịp hát ả đào, cùng nhau uống rượu đầy ắp khí xuân thực là mãn nguyện. Sung sướng biết bao khi tôi và bác còn được bàn luận văn chương, chữ nghĩa của đức thánh hiền để sống sao cho phải đạo làm người.

   Tác giả còn hồi tưởng lại những thời khắc mà ông và Dương Khuê cùng sống trong bối cảnh đất nước hoạn nạn nhưng vẫn cùng nhau giúp đỡ, chia sẻ những khó khăn vất vả:

“Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn

Phận đấu thăng chẳng dám than trời

Bác già tôi cùng già rồi

Biết thôi thôi thế thì thôi mới là”

   Khi đất nước lâm vào cảnh lầm than, nhân dân bị bóc lột đô hộ, phận là những người làm quan thật khiến lòng xót xa khi phải chứng kiến những cảnh ấy. Sau đó, Nguyễn Khuyến đã từ quan về ở ẩn, tránh xa những cảnh tham quan bóc lột, đánh đập tôi tớ. Sống trong cảnh hoạn nạn ấy, tác giả chẳng dám mong được hưởng danh vọng, bổng lộc cao sang. Sau bao năm cống hiến tuổi trẻ cho đất nước, giờ đây cáo phó chức quan về với chốn quê nhà, ngẫm lại thật khiến cho người xót xa khi giờ đây, đôi ta phải trở thành nạn nhân của thời thế hoạn nạn.

Đường đi lại, tuổi già thêm nhác,

Trước ba năm, gặp bác một lần,

Cầm tay, hỏi hết xa gần,

Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can.

   Tuy xa nhau nhưng lòng vẫn luôn hướng về nhau. Tuổi tác giờ đây đã chẳng thể khiến cho tôi và bác được cùng nhau rong ruổi trên những miền đất mới. Biết bao năm ta mới được hàn huyên, tâm sự đôi lần, thế nhưng nhìn thấy bác vẫn mạnh khỏe, tâm tính vẫn thanh cao trong sạch thật khiến cho Nguyễn Khuyến thấy an lòng.

   Vậy nên, sau biết bao lời thăm hỏi gần xa, bỗng nhiên hay tin bác ra đi, thật khiến cho tác giả không thể tin được. Nhà thơ tự đặt ra câu hỏi rằng:

“Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác

Tôi lại đau trước bác mấy ngày

Làm sao bác vội về ngay

Chợt nghe tôi những chân tay rụng rời”

   Cái chết đến đâu có phân biệt già trẻ trước sau, bác đi trước rồi sẽ được an nghỉ nơi đất mẹ, nhưng nỗi đau của người sống biết lời nào diễn tả cho hết. Nghe tin đột ngột như sét đánh ngang trời, thật khiến cho người ta bủn rủn, rụng rời. Cảm xúc chân thực của tác giả khi nghe tin như vậy thật chân thực, sâu sắc biết bao.

“Ai chả biết chán đời là phải,

Vội vàng chi đã mải lên tiên.

Rượu ngon, không có bạn hiền, 

Không mua, không phải không tiền không mua.”

   Sự ra đi của người bạn hiền khiến cuộc đời tác giả trở nên chán chường, buồn tủi biết bao. Cớ sao tuổi chưa phải quá già, mà bạn đã vội vàng rời xa trốn trần tục để đến một nơi thật xa. Biết lấy gì đây bù đắp lại nỗi trống vắng mà người đã khuất để lại. Câu thơ để lại một lời trách móc, nhưng đằng sau đó là một lời thổn thức về những tâm trạng đang ngổn ngang trong lòng tác giả. Tuổi ta đã già, sống ở ẩn ở chốn yên bình này, giờ đây mất đi người bạn tâm giao thật khiến cảm thấy cô quạnh biết nhường nào. Rượu ngon, nhưng không có bạn hiền bầu bạn thì uống để làm gì. Uống rồi chỉ càng thêm sầu thương, nhớ bạn mà thôi.

“Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,

Viết đưa ai, ai biết mà đưa.

Giường kia treo những hững hờ,

Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn !”

   Bao lời chất chứa trong lòng nay muốn được viết thành tràng thơ, nhưng viết rồi biết đưa ai để còn bình luận, tâm tình như những ngày tháng trước đây. Mất bạn rồi, những hứng thú trước đây cũng chẳng còn nghĩa lý gì. Không uống rượu, không làm thơ, đàn cũng không muốn gảy, giường phải treo lên, những thứ đã gắn bó biết bao năm tháng trong suốt cuộc đời Nguyễn Khuyến giờ đây cũng đã chẳng còn quan trọng nữa. Chắc hẳn, tác giả đã phải trải qua một cú sốc thật lớn trước những mất mát mà cái chết của người bạn hiền mang tới. Thật buồn!

   Sau điệp từ “không” được nhắc lại tới 11 lần trong các câu thơ, tác giả một lần nữa sử dụng nghệ thuật trùng điệp ở trong khổ thơ cuối:

“Bác chẳng ở, dẫu van chẳng ở;

Tôi tuy thương, lấy nhớ làm thương,

Tuổi già, hạt lệ như sương,

Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan ?

   Tuy thương, tuy nhớ biết bao nhưng bác cũng chẳng thể ở lại chốn nhân gian, để bầu bạn cùng tôi. Câu thơ mang những dòng cảm xúc dồn dập, hối hả để diễn tả ước mong của Nguyễn Khuyến như muốn níu giữ sự sống của Dương Khuê. Thế nhưng kết thúc bài thơ bằng tiếng khóc, đã được kìm nén biết bao lâu “hạt lệ như sương”. Sau bao thăng trầm biến cố, Nguyễn Khuyến tưởng rằng đâu còn nước mắt để khóc bạn. Nỗi đau đớn nhất của lòng người chính là chẳng thể nào thể hiện qua được những giọt nước mắt. Một người đã từng giữ chức ở chốn quan trường, mạnh mẽ là thế nhưng giờ đây đang ướt đẫm hai hàng nước mắt nóng hổi gửi tới sự ra đi của người bạn tri kỉ.

   Bằng tài năng của mình, tác giả đã để lại cho đời một bài thơ khiến cho biết bao trái tim độc giả cũng cảm nhận được nỗi đau thương, mất mát khi mất đi những người thân yêu của mình. Biện pháp so sánh, ẩn dụ, điệp từ được sử dụng khéo léo tài tình, những tình cảm chân thành của Nguyễn Khuyến dành cho Dương Khuê đã được lưu danh tới muôn đời qua bài thơ "Khóc Dương Khuê”.


4. Phân tích tâm trạng của Nguyễn Khuyến trong bài Khóc Dương Khuê

   Lịch sử văn học nghệ thuật đã từng ghi nhận nhiều "tình ban cao cả và cảm động". Vẫn còn đó như một giai thoại đẹp đẽ và sâu sắc về đôi bạn tri kỷ: Bá Nha, Tử Kỳ. Bá Nhá cho ràng trong thiên hạ chỉ có Tử Kỳ là người duy nhất hiểu được tiếng đàn của mình Tử Kỳ mất, Bá Nha treo đàn trước mộ, thất vọng tột cùng và thề sẽ chẳng bao giờ đàn nữa. Tâm trạng của Nguyễn Khuyến khi nghe tin Dương Khuê mất đúng là tâm trạng của một Bá Nha năm xưa khi mất Tử Kỳ. Tâm trạng ấy được thể hiện rất rõ trong bài Khóc Dương Khuê.

   Bao trùm lên toàn bộ bài thơ là tâm trạng bàng hoàng, mệt mỏi, nhớ nhung và tiếc thương da diết đối với người đã khuất. Ngoài ra ta còn thấy tâm trạng buồn bã cô đơn của người viết khi bạn đă ra đi. Tâm trạng bàng hoàng và tiếc thương da diết ấy thế hiện ngay ở câu mở đầu bài thơ:

"Bác Dương thôi đã thôi rồi

Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta".

   Trong thơ, có rất nhiêu cách thể hiện sự ra đi, biểu hiện cái chết. Khi thì nói thẳng: "Anh Thanh ơi! Anh mất thật rồi sao?" (Tố Hữu), khi thì dùng hình ảnh: "Nửa chừng xuân thoắt gẫy cành thiên lương" (Nguyễn Du), khi thì nói: "Bao giờ lão ấy chầu trời" (Ca dao), lúc lại nói: "Trạng chết chúa cũng băng hà"... v.v. ở bài thơ này để hỉ sự qua đời đột ngột của người bạn. Nguyễn Khuyến dùng bốn chữ "thôi đã thôi rồi". Bốn chữ ấy vừa biếu thị sư đột ngột, bất ngờ, vừa như tiếng kêu thảng thốt, nấc nghẹn. Hơn nửa, lập lại chữ "thôi", ông đã nhân đôi càm xúc và tâm trang của mình: hai lần đột ngột, hai lần bất ngờ. hai lần nuối tiếc cái điều không hay vừa xảy ra. Dễ hiểu vì sao ông không viết: "Bác Dương thôi đã đi rồi" hoặc "Bác Dương thôi đã mất rồi"... v.v. Câu thơ thứ hai chỉ còn là sự cụ thể hóa tâm trạng trên mà thôi: sự ngậm ngùi man mác bao trùm lên tất cả, từ nước non, cây cỏ, mây trời cho đến tận lòng người. Sau phút giây bàng hoàng đau đớn ấy là nỗi nhớ da diết về người bạn cũ. Cùng một lúc, kỷ niệm của tình bạn mấy chục năm như hiện ra tất cả. Nhà thơ dành hẳn hai mươi câu để nhắc về quá khứ. Đọc đoạn thơ ấy rất nhiều lần ta thấy hai chữ: ”Cùng nhau"; "có lúc"; "có khi" được nhắc lại:

"Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau"

"Cũng có lúc chơi nơi dặm khách"

"Có khi bàn soạn câu văn"

"Cũng có lúc rượu ngon cùng nhấp"

"Có khi từng gác cheo leo"...

  Ta cảm thấy hình như hai người là một, luôn luôn bên nhau, cùng hưởng cùng làm, gắn bó keo sơn không khác gì Kim - Kiều cùng đoàn viên ngày tái hợp:

"Khi chén rượu khi cuộc cờ

Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên"

(Truyện Kiền - Nguyễn Du")

  Sự gắn bó keo sơn của đôi bạn ấy, với hàng loạt kỷ niệm ấy, càng làm tăng tính chất đột ngột và tâm trạng đau xót của nhà thơ đối với người đã khuất:

"Làm sao bác vội về ngay

Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời"

   Hai chữ làm sao thể hiện một tâm trạng băn khoăn, dằn vặt, ngạc nhiên, không hiểu, không tin vào cái sự thật đau lòng ấy. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Người ra đi thì đã ra đi. Nổi đau để lại cho người đang sống gánh chịu. Trong phút giây ấy, Nguyễn Khuyến như trách người đã khuất:

"Ai chẳng biết chán đời là phải

Vội vàng chi đã mải lên tiên"

   Trong cuộc đời có khi oán người mà trách, có khi nặng nghĩa nặng tình với người cũng trách. Nguyễn Khuyến trách Dương Khuê bởi hai người đã quá trân trọng, yêu mến, vì nặng nghĩa nặng tình. Nghe lời trách mà thấy người đi, kẻ ở thật ân tình, chung thủy. Trách rằng: sao đã trót sinh ra, cùng nhau sướng khổ, nay bạn vội về nơi cực lạc và thoát lên tiên để lòng này phải đau đớn, bơ vơ, cô đơn trống trải. Toàn bộ phần kết của bài thơ là tâm trạng đó. Tâm trạng cô đơn trống trải được nhà thơ diễn đạt rất thành công:

"Rượu ngon không có bạn hiền

Không mua không phải không tiền không mua"

   Một câu thơ lục bát, năm chữ “không” lặp đi lặp lại tạo nên một khoảng trống vắng không cùng; một sự trống vắng tinh thần mà vật chất không bù đắp được. Bốn câu thơ tiếp tục làm rõ hơn tâm trạng cô đơn, trống trải, cái cảm giác mọi thứ đểu trờ nên vô nghĩa khi bạn không còn:

"Câu thơ nghĩ đắn đo không viết

Viết đưa ai, ai biết mà đưa

Giường kia treo những hững hờ

Đàn kia gảảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn"

   Tất cà tấm lòng và tâm trạng trên ở nhà thơ đều rất chân thật, không hề giả dối, gượng ép. Cả bài thơ là tiếng khóc buổn đau viếng bạn. Có thể mượn câu thơ của Hoàng Lộc sau này mà diễn tả tâm tỉnh của Nguyễn Khuyến đối với Dương Khuê:

"Khóc anh không nước mắt

Mà lòng đau như cắt"

(Viếng bạn)

   Hai câu kết của bài Khóc Dương Khuê nghe qua tưởng vô tình mà thực ra chứa chất nỗi đau rất đỗi chân thành:

"Tuổi già hạt lệ như sương

Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan"

   Tâm trạng đau đớn, buổn thương, cô đơn trống trải của Nguyễn Khuyến qua bài Khóc Dương Khuê, vốn là tình cảm chân thành, sâu đậm của tác già với người bạn tri âm đã khuất. Tâm trạng ấy còn được nhân lên gấp bội khi Nguyễn Khuyến phải sống giữa một xã hội nhố nhăng với bao điều bất công ngang trái. Ông hiếu rất rõ, thấy rất rõ và nhận ra đúng sai tất cả, nhưng không biết ngỏ cùng ai: "Bìết đưa ai, ai biết mà đưa". Tâm trạng ẩy phải chăng là tâm trạng tiêu biểu của tầng lớp trí thức, sĩ phu yêu nước thất thế hổi đầu thế kỷ (Bài thơ này làm năm 1902).

    Cũng như Tú Xương, nói đến Nguyễn Khuyến người ta thường nghĩ đến một nhà thơ châm biếm, luôn ném tiếng cười chua cay, uất hận vào cái xã hội nửa Tây nửa ta ngày trước. Nhưng rõ ràng bên cạnh một Nguyễn Khuyến luôn cất tiếng cười mỉa mai chua xót ấy, còn có một Nguyễn Khuyến thật nặng nghĩa, nặng tình, một Nguyễn Khuyến âm thầm khóc đất nước, nhân dân và khóc bạn. Đúng như nhà thơ Chế Lan Viên đã từng nhận xét: "Yên Đổ tiếng anh khóc dẫu cười không thể giấu". Bài thơ Khóc Dương Khuê là một bằng chứng hùng hồn, tiêu biểu cho tâm trạng và tấm lòng nặng nghĩa, nặng tỉnh ấy của nhà thơ Nguyễn Khuyến.

icon-date
Xuất bản : 31/08/2021 - Cập nhật : 11/09/2021