logo

Bài Củng cố và mở rộng SGK 10 trang 120 - Văn Kết nối tri thức

Hướng dẫn Soạn bài Củng cố và mở rộng SGK 10 trang 120 ngắn gọn, hay nhất. Trả lời toàn bộ câu hỏi trong bộ Sách mới Kết nối tri thức Ngữ văn lớp 10 chi tiết. Hi vọng qua bài soạn trên các bạn đã nắm vững được nội dung bài học và chuẩn bị bài trước khi đến lớp tốt nhất.

Câu 1 trang 120 SGK Ngữ văn 10 Tập 2:

Đề bài: Các văn bản Về chính chúng ta, Con đường không chọn, Một đời như kẻ tìm đường gợi cho bạn suy nghĩ gì về cuộc sống?

Lời giải 

Các văn bản Về chính chúng ta, Con đường không chọn, Một đời như kẻ tìm đường gợi cho tôi suy nghĩ con người là một phần của tự nhiên, và đôi khi ta tưởng rằng mình là người quyết định cuộc sống nhưng không hẳn là như vậy. Chúng ta vẫn có quyền được lựa chọn, được quyết định nhưng những lựa chọn, quyết định đó sẽ dẫn đến điều gì lại không nằm trong tay chúng ta.

Câu 2 trang 120 SGK Ngữ văn 10 Tập 2:

Đề bài: So sánh đặc trưng của bài luận về bản thân và văn bản nghị luận thông thường dựa theo gợi ý sau:

Tác phẩm

Luận về bản thân

Nghị luận về vấn đề xã hội

Nội dung

 

 

Cấu trúc

 

 

Ngôn ngữ

 

 

Lời giải 

Tác phẩm

Bài luận về bản thân

Văn bản nghị luận thông thường

Nội dung

Thể hiện quan điểm của người viết, hướng vào bày tỏ suy nghĩ của bản thân.

Chỉ ra, đánh giá quan điểm của tác giả.

Cấu trúc

Ba phần: Mở đầu đặt vấn đề, Thân bài giải quyết vấn đề, Kết bài kết luận lại vấn đề.

Ba phần: Mở đầu đặt vấn đề, Thân bài giải quyết vấn đề, Kết bài kết luận lại vấn đề.

Ngôn ngữ

Mang màu sắc cá nhân, giàu tính thuyết phục.

Khách quan, giàu tính thuyết phục.

Câu 3 trang 120 SGK Ngữ văn 10 Tập 2:

Đề bài: Tìm đọc thêm các văn bản về những nhân vật, sự kiện có ảnh hưởng lớn trong cuộc sống đương đại. Tổng hợp lại những thông tin có ý nghĩa mà bạn tiếp nhận được dưới dạng biểu đồ, sơ đồ.

Lời giải 

* Chọn đọc thêm văn bản về GS Phan Văn Trường: GS Việt từng đàm phán 60 tỷ USD: 'Tự học ngoại ngữ từ những áp lực'.

* Tổng hợp lại những thông tin trong văn bản dưới dạng biểu đồ, sơ đồ: Biểu đồ, sơ đồ đảm bảo các nội dung:

- Tự học ngoại ngữ từ những áp lực

+ Dẫn chứng tự học tiếng Pháp: xuất phát từ lòng tự ái, luyện tập kể chuyện tiếu lâm trước gương.

+ Dẫn chứng tự học tiếng Anh: xuất phát từ việc không muốn người Anh đứng “tay trên” mình.

+ Dẫn chứng tự học tiếng Việt: xuất phát từ mong muốn truyền đạt kiến thức cho sinh viên Việt Nam tốt nhất nên học tiếng Việt mọi lúc mọi nơi, vừa viết, vừa đọc, vừa tra từ điển, vừa học từ chính sinh viên của mình.

- Hai phương pháp học ngoại ngữ: lấy áp lực hoặc tình yêu làm động lực.

+ Dẫn chứng lấy tình yêu làm động lực: Học từ động lực tình yêu thông qua các bài hát.

+ Dẫn chứng lấy áp lực làm động lực: Người Pháp cũng không giỏi hơn người Việt khi học tiếng Anh.

- Tự học chiếm 90% sự học.

+ Dẫn chứng: Dẫn chứng từ chính cuộc đời GS Phan Văn Trường.

Câu 4 trang 120 SGK Ngữ văn 10 Tập 2:

Đề bài: Thuyết trình về một vấn đề xã hội trong các văn bản bạn đã đọc mà bạn thấy hứng thú, trong đó có sử dụng các phương tiện phi ngôn ngữ.

Lời giải 

Môi trường là không gian, nơi ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, cung cấp tài nguyên thiên nhiên phục vụ cuộc sống của con người. Hiện nay, những vấn đề liên quan đến việc bảo vệ môi trường là những vấn đề được quan tâm nhiều nhất, đặc biệt là những giải pháp đưa đề ra nhằm giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm môi trường là mối nguy hại đe dọa đến sự sống của mọi loài trên Trái đất này và một trong những nguyên nhân tác động đến môi trường là sự gia tăng của rác thải nhựa. Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã đề xuất rất nhiều các giải pháp nhằm giảm tải rác thải nhựa nhưng trên hết để làm được điều đó thì cần phải có sự nỗ lực của toàn cầu.

Tiến sĩ Dương Thanh Nghị, Viện Tài nguyên và Môi trường Biển đã nhận định: giảm thiểu rác thải nhựa sẽ mang lại lợi ích to lớn trong bảo vệ cảnh quan, phát triển du lịch và bảo vệ được nơi sinh sống của các loài sinh vật biển. Rác thải nhựa là những sản phẩm nhựa sau khi sử dụng sẽ được thải ra môi trường như: túi nhựa, chai nhựa, ống hút nhựa hoặc các loại chất dẻo tổng hợp... đặc điểm của loại rác thải này là thời gian phân hủy cực kì lâu, có thể lên tới hàng trăm, hàng nghìn năm. Rác thải nhựa là một phần “mắt xích” tạo nên sự ô nhiễm môi trường, dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu; tuy nhiên điều này lại ít được nhắc đến hoặc bị xem nhẹ. Chất thải nhựa hiện nay chủ yếu nằm trong chất thải rắn (CTR), việc quản lý chất thải nhựa không thể tách khỏi việc quản lý CTR và có thể thấy là chất thải nhựa trong chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) là vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay.

Theo thống kê, mỗi năm, có đến 300 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường - nặng tương đương trọng lượng của toàn bộ dân số địa cầu và hơn một nửa số đó là những sản phẩm nhựa dùng một lần. Tính từ năm 1969 đến nay, lượng nhựa tiêu dùng đã tăng gấp 20 lần và dự báo còn tăng nhanh theo cấp số nhân trong tương lai. Hiện nay, Trung Quốc và Indonesia đang là 2 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất ra đại dương với khối lượng lần lượt là 8,8 triệu tấn và 3,2 triệu tấn mỗi năm, chiếm tới 1/3 tổng lượng rác thải nhựa ở ngoài đại dương. Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ tư trong danh sách các quốc gia xả rác nhiều nhất trên thế giới, một con số cực kì đáng báo động. Theo số liệu từ đại diện FAO, mỗi năm Việt Nam thải ra môi trường 1,8 triệu tấn nhựa, trong đó có khoảng 730.000 tấn bị thả ra biển.

Rác thải nhựa có thời gian phân huỷ rất lâu từ 100 - 1000 năm và trong quá trình phân huỷ đó chúng sẽ bị phân rã thành các mảnh nhựa siêu nhỏ. Những hạt vi nhựa (microplastic) này sẽ đi vào nguồn nước, đất, không khí, thức ăn… mà khi con người tiếp xúc, ăn phải những mảnh vi nhựa này thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như mất cân bằng hoóc-môn, bệnh về hô hấp, bệnh về thần kinh… Do tính chất khó phân hủy nên ngay cả khi được thu gom đưa đi chôn lấp vào đất rác thải nhựa vẫn tồn tại hàng trăm năm làm thay đổi tính chất vật lý của đất đồng thời gây ô nhiễm môi trường đất, làm đất không giữ được nước dẫn đến tình trạng xói mòn, thiếu dinh dưỡng, oxi làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng. Việc xả thải rác thải nhựa tràn lan trên biển đã gây ra hiện tượng "ô nhiễm trắng" và làm ảnh hường nghiêm trọng đến các loài thủy, hải sản. Có đến hơn 260 loài sinh vật biển bị vướng hay ăn phải các mảnh rác thải nhựa trên biển, gây phá hủy tế bào, tác động xấu tới hệ tiêu hóa… hoặc làm tắc khí quản gây ngạt thở.

Việc xử lý triệt để rác thải nhựa có lẽ là bài toán không lời giải. Cách tốt nhất để giải quyết rác thải nhựa đó là mọi người cố gắng hạn chế tối đa việc sử dụng đồ nhựa, đồng thời, nghiêm túc thực hiện việc thu gom, phân loại chất thải nhựa, tuyệt đối không thải bỏ chất thải nhựa ra ngoài môi trường. Nhiều quốc gia cũng đang áp dụng việc thu gom tái chế rác thải nhựa cũng như sử dụng biện pháp đốt chất thải lộ thiên, tuy nhiên, việc đốt chất thải trong các đám cháy lộ thiên dẫn đến việc sản sinh ra chất gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng, carbon đen ở các thành phố lớn. Cần thay đổi cách ứng xử với nhựa thông qua việc quản lý một cách khoa học, tăng cường tái chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa để kéo dài vòng đời của nhựa, góp phần giảm thiểu việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay bằng ý thức của các cá nhân tổ chức và cộng đồng. Tuy tình trạng xả rác thải nhựa vẫn còn tiếp diễn tại rất nhiều nơi và cũng khiến nhiều người bức xúc, chúng ta không thể phủ nhận rằng, công tác tuyên truyền, các hoạt động vì môi trường, các tổ chức tình nguyện…vẫn ngày một cố gắng và hoạt động năng nổ hơn. Để giải quyết triệt để vấn đề về rác thải nhựa cần có sự nỗ lực toàn cầu, sự hợp tác giữa các nước trong khu vực Biển Đông để chung tay cùng giải quyết vấn đề này không chỉ là nguyên tắc chung mà còn là thực tiễn hết sức cấp thiết hiện nay.

Câu 5 trang 120 SGK Ngữ văn 10 Tập 2:

Đề bài: Viết bài văn về một sự lựa chọn có ý nghĩa mà bạn đã trải qua.

Lời giải 

Trong cuộc sống, con người luôn phải đứng trước những lựa chọn và đưa ra quyết định. Tôi cũng vậy, tôi có một lựa chọn ý nghĩa mà tôi sẽ ghi nhớ cả đời này. Đó là lựa chọn đi học đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia môn Ngữ văn.

Trong lớp, tôi thuộc hàng những học sinh giỏi và có tình yêu với môn Văn. Chính điều đó đã giúp tôi được lọt vào vòng trong sau kì thi chọn đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia. Thế nhưng, lúc này tôi phải đứng trước hai sự lựa chọn: Một là, tiếp tục học ở lớp, học kiến thức chính khóa để chuẩn bị thi đại học. Hai là, chọn học đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia. Tôi sẽ phải chấp nhận việc bù lại kiến thức sau thời gian ôn luyện đội tuyển. Nghĩa là tôi phải học gấp đôi các bạn bình thường, và việc có đạt giải khi đi thi hay không cũng là một áp lực khủng khiếp.

Tôi đã nghĩ rất nhiều, đã hỏi bạn bè và bố mẹ. Bạn tôi đã khuyên tôi hãy lắng nghe trái tim của mình. Trái tim tôi - trái tim với tình yêu môn Văn đã mách bảo tôi đi học đội tuyển. Thế là ba tháng học đội tuyển chính là quãng thời gian đẹp đẽ nhất trong thời học sinh của tôi. Nhờ học đội tuyển Quốc gia môn Văn, tôi đã hiểu thêm nhiều vấn đề lí luận văn học, tôi đã biết cách viết những bài nghị luận thể hiện được quan điểm cá nhân, tôi đã biết để ý đến xã hội, tôi có được những cảm nhận vi tế về các chi tiết trong tác phẩm văn học.

Cuối cùng, kết quả thi học sinh giỏi đã không như tôi mong muốn, và sau đó tôi đã phải ôn luyện, đuổi kịp kiến thức với các bạn trên lớp. Đó lại là một lần áp lực nữa của tôi. Nhưng cho đến bây giờ, tôi vẫn cảm thấy rất vui và biết ơn vì những tháng ngày miệt mài đó. Chính lựa chọn học đội tuyển đã cho tôi có được những kiến thức, kĩ năng mà tôi hằng mong muốn. Chính lựa chọn học đội tuyển đã cho tôi biết khi có áp lực, tôi đã mài giũa bản thân mình, đã vượt qua các kì thi như một kì tích. Người ta nói lửa thử vàng, gian nan thử sức. Tôi không dám nhận mình là một thứ vàng quý hiếm, nhưng tôi biết rằng, bản thân đã được tôi luyện qua những giây phút gắt gao của năm tháng học sinh trên ghế nhà trường.

Steve Jobs đã từng nói: "Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ!". Những năm tháng thời học sinh THPT của tôi chính là câu nói đó. Tôi đã khát khao, tôi đã dại khờ. Tôi đã để mình được đi theo tiếng gọi của tình yêu, bất chấp những nỗi lo sợ. Quả thực, tôi thấy mình thật may mắn vì đã chọn nghe theo trái tim. Đó là lựa chọn ý nghĩa nhất đến giờ mà tôi có. Để thay lời kết, tôi chỉ mong khi đứng trước những lựa chọn, bạn sẽ chọn được lựa chọn ý nghĩa cho bản thân mình.

Câu 6 trang 120 SGK Ngữ văn 10 Tập 2:

Đề bài: Phỏng vấn một người thân, một người bạn về lựa chọn của họ trong cuộc sống (Tình huống họ phải lựa chọn là gì? Họ đã lựa chọn như thế nào? Vì sao họ lại có lựa chọn đó? Lựa chọn đó ảnh hưởng như thế nào đến cuộc đời họ? …). Ghi chép lại nội dung cuộc phỏng vấn đó.

Lời giải 

Thuỷ: Bạn đã từng trải qua nhiều lựa chọn trong cuộc sống chưa?

Trân: Mình đã rất nhiều lần phải đứng trước những lựa chọn

Thuỷ: Đâu là sự lựa chọn khiến bạn cảm thấy đó là quyết định đúng đắn nhất cuộc đời mình?

Trân: Quyết định tham gia câu lạc bộ nghệ thuật của trường

Thuỷ: Hãy chia sẻ lý do lựa chọn của bạn quyết định điều đó

Trân: Lí do vào câu lạc bộ vì theo sở thích, muốn làm quen nhiều bạn mới mở lòng với mọi người, khiến bản thân trở nên năng động hơn

Thuỷ: Lựa chọn đó ảnh hưởng đến cuộc đời bạn như thế nào?

Trân: Nó khiến mình trở nên tự tin hơn vào bản thân. Tham gia câu lạc bộ, bên cạnh việc rèn luyện năng khiếu nghệ thuật, mình còn được trau dồi khả năng ngôn ngữ, giao tiếp, lãnh đạo và rất nhiều kĩ năng mềm khác. 

Thuỷ: Vậy đâu là sự lựa chọn khiến bạn cảm thấy hối tiếc nhất? 

Trân: Mình hối tiếc nhất khi cấp 3 không đặt nguyện vọng thi vào trường chuyên. Mình cảm thấy nếu không vào chuyên, mình sẽ bỏ lỡ khá nhiều thứ. 

Thuỷ: Bạn muốn tương lai bản thân trở thành người như thế nào?

Trân: Mình mong muốn được theo đuổi niềm đam mê, ước mơ của bản thân và sẽ không bao giờ hối tiếc với những sự lựa chọn của mình. 

Thuỷ: Cảm ơn bạn đã tham gia cuộc phỏng vấn. Chúc bạn thành công với những sự lựa chọn của mình. 

>>> Xem trọn bộ: Soạn Văn 10 Kết nối tri thức 

-----------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Soạn bài Củng cố và mở rộng SGK 10 trang 120 trong bộ SGK Kết nối tri thức theo chương trình sách mới. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này. Toploigiai đã có đầy đủ các bài soạn cho các môn học trong các bộ sách mới Cánh Diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức. Mời các bạn hãy click ngay vào trang chủ Toploigiai để tham khảo và chuẩn bị bài cho năm học mới nhé. Chúc các bạn học tốt!

icon-date
Xuất bản : 14/10/2022 - Cập nhật : 03/07/2023